Huy động tổng hợp nguồn lực xã hội xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn

07:07, 05/07/2019

Giao thông nông thôn là một tiêu chí quan trọng về kết cấu hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, ngành Giao thông Vận tải đã nỗ lực, tích cực tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, tham mưu với tỉnh chủ động dành nguồn lực ngân sách địa phương, lồng ghép với các chương trình, dự án khác, huy động sự ủng hộ của các doanh nghiệp và đặc biệt là nguồn lực trong nhân dân để đầu tư xây dựng giao thông nông thôn... Sau gần 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 với nhiều giải pháp thiết thực để huy động tổng hợp các nguồn lực, toàn tỉnh đã đầu tư phát triển toàn diện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn.

Các tuyến đường giao thông nông thôn ở Thị trấn Liễu Đề được đầu tư nâng cấp đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân huyện Nghĩa Hưng.
Các tuyến đường giao thông nông thôn ở Thị trấn Liễu Đề được đầu tư nâng cấp đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân huyện Nghĩa Hưng.

Thực hiện các Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25-7-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển giao thông nông thôn; số 04-NQ/TU ngày 20-4-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 8-10-2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015; Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 12-8-2011 của UBND tỉnh về phát triển giao thông nông thôn, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ngành chức năng đã quán triệt và triển khai tích cực nhiệm vụ phát triển giao thông nông thôn làm bước đột phá quan trọng nhằm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với các sở, ngành chức năng và UBND các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh; từ đó tham mưu cho UBND tỉnh thiết lập lộ trình, xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông, tập trung vào những tuyến đường bộ đã hư hỏng, xuống cấp; các điểm đen thường xảy ra tai nạn giao thông kết hợp với đề án xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Đối với các địa phương, Sở đã chủ động tư vấn, hướng dẫn tiêu chí thực hiện đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống đường giao thông nông thôn đảm bảo phù hợp theo tiêu chuẩn kỹ thuật quy mô cấp đường quy định của Bộ Giao thông Vận tải và tiêu chí nông thôn mới. Sở tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Giao thông Vận tải quan tâm hàng năm bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn (bằng nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới và Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương); trình HĐND tỉnh đồng ý sử dụng một phần Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh để cải tạo, sửa chữa một số tuyến đường giao thông nông thôn.

Cùng với các giải pháp về kinh phí, các giải pháp để tạo mặt bằng cho mở rộng giao thông cũng được Sở Giao thông Vận tải tham mưu cùng các địa phương thực hiện hiệu quả. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao của nhân dân sẵn sàng hiến đất thổ canh, thổ cư; đóng góp công sức, tiền, vật liệu để cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới nhiều tuyến đường giao thông nông thôn. Phong trào "Hiến đất, góp đất, đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng" được phát động và sự hưởng ứng sâu rộng của các hộ gia đình, thôn, xóm, khu phố ở các xã, thị trấn trong tỉnh. Phong trào đã vận động các hộ dân đóng góp 2.897ha đất nông nghiệp (trị giá 5.800 tỷ đồng), hiến 206ha đất thổ cư (trị giá trên 1.000 tỷ đồng) để tạo mặt bằng xây dựng các công trình giao thông nông thôn.

Với sự quyết liệt của tỉnh, các sở, ngành, địa phương và sự đồng thuận cao của nhân dân, trong giai đoạn 2010-2020 toàn tỉnh đã xây mới, nâng cấp, cải tạo được 8.915km đường giao thông nông thôn. Trong đó xây dựng mới 1.159km đường giao thông nông thôn đạt tiêu chí nông thôn mới; xây mới, nâng cấp, cải tạo 8.600 cầu, cống dân sinh, thủy lợi, trong đó xây mới 1.275 cầu, cống trên các tuyến đường nông thôn. Qua gần 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã huy động được 9.258 tỷ đồng để xây dựng giao thông nông thôn. Trong đó, nguồn vốn trực tiếp từ chương trình xây dựng nông thôn mới là 3.949 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là 1.145 tỷ đồng; vốn huy động (từ các doanh nghiệp, con em xa quê ủng hộ và nhân dân đóng góp) là 3.573 tỷ đồng; vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới và vốn Quỹ bảo trì đường bộ cấp cho địa phương và lồng ghép trong các dự án khác là 737 tỷ đồng. Từ năm 2010 đến nay, có 2 dự án sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới để phát triển giao thông nông thôn gồm: dự án giao thông nông thôn (WB3); dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP). Dự án đường giao thông nông thôn 3 được triển khai trong giai đoạn 2010-2013 đã cải tạo, nâng cấp được 123km/46 tuyến đường xã trên địa bàn toàn tỉnh với tổng kinh phí thực hiện là 190,75 tỷ đồng. Trong đó phần hiệp định gốc nâng cấp được 82,7km/30 tuyến đường, với tổng kinh phí thực hiện là trên 95,5 tỷ đồng; được Ngân hàng Thế giới, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá cao và tỉnh ta là 1 trong 5 tỉnh của cả nước được Ngân hàng Thế giới thưởng 2 triệu USD. Dự án LRAMP được thực hiện trong các năm 2018-2020 để cải tạo, nâng cấp khoảng 35 tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 130km, có tổng mức đầu tư là 169 tỷ đồng. Trong năm 2018, ngành Giao thông Vận tải đã triển khai thi công xong 13 tuyến đường với chiều dài 46,3km, kinh phí thực hiện là 75 tỷ đồng. Năm 2019 đang triển khai 10 tuyến đường với tổng chiều dài 23,39km, tổng kinh phí 45 tỷ đồng. Năm 2020 dự kiến thực hiện 13 tuyến đường với tổng chiều dài là 34,9km, tổng mức đầu tư là 43,37 tỷ đồng. Nguồn vốn từ Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cấp đã thực hiện xây dựng, nâng cấp 42 tuyến đường và 27 cầu, cống với tổng chiều dài 62,5km với tổng mức đầu tư 136,9 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã cải tạo, nâng cấp 23 tuyến đường giao thông nông thôn (từ nguồn vốn cải tạo, nâng cấp các tỉnh lộ 487, 488, 489C) với tổng chiều dài 62,5km với tổng mức đầu tư 136,9 tỷ đồng.

Sau gần 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn được phát triển mạnh đảm bảo kết nối hài hòa với mạng lưới quốc lộ, tỉnh lộ, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và tạo động lực thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần giúp các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đến nay, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã đến sát vạch đích với 9 huyện, thành phố đã hoàn thành; huyện Nam Trực đã được Trung ương thẩm định, hoàn tất thủ tục đề nghị Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Để nâng cao hiệu quả thu hút nguồn lực tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới ngành Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh vận dụng các văn bản, quy định pháp luật thúc đẩy công tác thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; chủ động bổ sung, hoàn thiện quy hoạch giao thông theo hướng cập nhật tốc độ, nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả tuyên truyền để toàn dân hiểu rõ lợi ích, giá trị được hưởng lợi sau đầu tư, từ đó tự nguyện đóng góp nguồn lực chung sức xây dựng giao thông nông thôn; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các nhân tố điển hình, gương tiêu biểu trong đóng góp nguồn lực cải tạo, nâng cấp đường giao thông; chú trọng huy động các doanh nghiệp, các địa phương có ngành nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com