Đẩy mạnh ứng dụng tem điện tử để truy xuất nguồn gốc thực phẩm

06:07, 03/07/2019

Để đáp ứng nhu cầu minh bạch thông tin thực phẩm an toàn cho người dân, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phục vụ truy xuất nguồn gốc thực phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển nền “nông nghiệp thông minh” và đem lại sự yên tâm cho người tiêu dùng.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm thông qua tem điện tử tại cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch Linh Chi (Thành phố Nam Định).
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm thông qua tem điện tử tại cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch Linh Chi (Thành phố Nam Định).

Với tem điện tử thông minh (QR code) in trên bao bì sản phẩm, người tiêu dùng chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet, cài đặt ứng dụng quét mã QR trên sản phẩm là có thể truy xuất được các thông tin chi tiết về sản phẩm từ quá trình sản xuất đến phân phối, các chứng nhận của các cơ quan Nhà nước về đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Trong định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững, những năm qua, tỉnh đã có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu và áp dụng mã QR để tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm và người dân yên tâm với sản phẩm tiêu dùng. Ngày 10-7-2017, HÐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 42/2017/NQ-HÐND quy định một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Nam Ðịnh; trong đó hỗ trợ 5 triệu đồng/cơ sở đăng ký mã số, mã vạch. Trong năm 2018, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã hướng dẫn thí điểm áp dụng giải pháp ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc trong quản lý, nhận diện, xác định nguồn gốc thực phẩm nông sản an toàn cho các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh. Giải pháp sử dụng tem QR code để truy xuất nguồn gốc thực phẩm đang được các doanh nghiệp ở tỉnh ta “bắt nhịp” khá nhanh chóng dưới sự hỗ trợ, tư vấn và giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng nhãn hiệu, công bố chất lượng hàng hóa, mã số, mã vạch cho các sản phẩm nông nghiệp. Từ đầu năm 2018, toàn tỉnh mới chỉ có 5 doanh nghiệp ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc thực phẩm thì đến nay đã có 35 doanh nghiệp áp dụng với hơn 130 dòng sản phẩm phục vụ quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc thực phẩm và chống gian lận thương mại. Tiêu biểu là các doanh nghiệp: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Ðình Mộc (Xuân Trường), Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Nam Cường (Ý Yên), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến hải sản Vạn Hoa (Hải Hậu), Công ty Cổ phần đầu tư Nam Phát (Thành phố Nam Ðịnh)… Tại cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch Linh Chi (Thành phố Nam Ðịnh), phóng viên dùng điện thoại quét mã QR một số sản phẩm và những thông tin về xuất xứ sản phẩm đều được hiển thị đầy đủ trên màn hình. Ðơn cử như sản phẩm rau ngót của Công ty Cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh (Trực Ninh) hiển thị thông tin chi tiết về cơ sở sản xuất; vùng sản xuất; quy trình sản xuất với các loại phân bón sử dụng trong sản xuất, thời gian cách ly an toàn trong sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Thông tin về sản phẩm muối ăn sạch của Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Ðịnh (Thành phố Nam Ðịnh) qua kiểm tra tem QR code hiển thị gồm thành phần, lợi ích và nhật ký sản xuất của sản phẩm; hình ảnh về sản phẩm và Công ty. Sản phẩm mắm tôm Ninh Cơ của Công ty Cổ phần Chế biến hải sản Nam Ðịnh (Hải Hậu) hiển thị đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản chứng nhận; nguyên liệu và quy trình sản xuất sản phẩm; các giải thưởng của Công ty… Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn trên bao bì sản phẩm là sự thể hiện thiện chí, ý thức minh bạch về đảm bảo chất lượng hàng hóa của nhà sản xuất, chủ thương hiệu; là công cụ hữu hiệu để chống hàng giả đối với cả người sản xuất và người tiêu dùng. Ðây cũng là hình thức quảng cáo, xây dựng thương hiệu thông minh. Cũng thông qua giải pháp này, cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp có thể tăng cường công tác theo dõi, quản lý chất lượng thực phẩm sau khi ra thị trường, tránh cho người tiêu dùng mua phải thực phẩm bị làm nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tạo niềm tin nơi người tiêu dùng.

Mặc dù số doanh nghiệp cùng các sản phẩm tham gia gắn tem QR code truy xuất nguồn gốc thực phẩm tăng nhanh trong thời gian qua, song đây vẫn là con số khiêm tốn so với tổng số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Ðồng chí Phạm Thị Thoa, Trưởng Phòng Chế biến, thương mại nông sản, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết: Theo Luật An toàn thực phẩm thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có trách nhiệm thực hiện truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn gắn tem truy xuất nguồn gốc cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Trên thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng hiện nay chưa hiểu hết ý nghĩa, bản chất của việc truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó các doanh nghiệp chủ yếu quy mô vừa và nhỏ của tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống công cụ truy xuất cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm, ngành hàng cụ thể nên việc áp dụng chưa thực sự rộng rãi. Ý thức trong việc giữ gìn, quảng bá, phát triển thương hiệu của người sản xuất chưa cao. Nhiều cơ sở sản xuất hạn chế về ứng dụng công nghệ thông tin, ngại tốn kém chi phí khi gắn mã QR cho sản phẩm. Việc gắn tem truy xuất nguồn gốc khiến giá thành sản phẩm tăng, khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại bán trên thị trường và thậm chí có cả tâm lý không muốn sản phẩm bị kiểm soát… Ðây là những rào cản lớn khiến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh chưa mặn mà với việc đăng ký truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. “Về phía các cơ quan chức năng cũng cần phải ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất, cụ thể về việc sử dụng loại tem QR code như thế nào? Nội dung ra sao? Việc đăng ký xác nhận sản phẩm an toàn để dán tem truy xuất nguồn gốc đòi hỏi phải tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm như thế nào… để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh không bị lúng túng trong việc thực hiện, đồng thời giúp các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát hàng hóa trên thị trường, quản lý doanh nghiệp chặt chẽ hơn” - đồng chí Thoa cho biết thêm.

Ðể đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm là một cách để bảo vệ người tiêu dùng theo chuỗi “từ trang trại đến bàn ăn”, Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu và gắn tem QR code. Tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi… Ðối với người tiêu dùng cần xây dựng thói quen lựa chọn những sản phẩm có nhãn mác, tem, logo xác nhận của doanh nghiệp và có những thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần thực hiện tốt các Thông tư 74/2011/TT-BNNPTNT và Thông tư 03/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; triển khai công bố, tạo lập thương hiệu, nhãn hiệu tiến tới áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng QR code. Các nhà cung cấp dịch vụ tem điện tử cần nghiên cứu, cải tiến tem để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, giảm giá thành, phù hợp với từng sản phẩm./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com