Theo Nghị quyết vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành, về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan chưa hoàn thành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án đã được phê duyệt.
"Các bộ, cơ quan đã cắt giảm phải công bố, công khai kịp thời, đầy đủ các thủ tục hành chính và tổ chức thực hiện nghiêm túc như đã công bố”, Nghị quyết nêu rõ.
Đối với các mặt hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan, các bộ, cơ quan khẩn trương rà soát, đề xuất phương án thống nhất một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành, gửi Văn phòng Chính phủ trong tháng 7-2019 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan hoàn thành việc ban hành hướng dẫn và kế hoạch cải thiện các bộ chỉ số về môi trường kinh doanh trong tháng 7-2019; đối với các bộ, cơ quan đã ban hành, khẩn trương tổ chức phổ biến, tập huấn để các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả.
Các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc các điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa đã được công bố công khai; tiếp tục rà soát, phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc cắt giảm những điều kiện kinh doanh không cần thiết, gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về tình hình đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, Chính phủ yêu cầu từng bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là các đề án trong chương trình công tác, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và các nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh nêu tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều đơn vị tích cực cắt giảm giấy phép con
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, nhìn chung, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động và tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 02, Nghị quyết 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Tính đến ngày 26-6-2019, 85% tổng số các nhiệm vụ trong Nghị quyết 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg đã được hoàn thành, 15% đang được triển khai tích cực.
Nhiều bộ, ngành đã tích cực rà soát và đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý, đạt tỷ lệ vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra; đồng thời ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2019 nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ (tháng 5 năm 2019), các bộ, ngành đã trình ban hành 29 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 110,6%, vượt 10,6% so với yêu cầu). Với tổng hợp này của Văn phòng Chính phủ, nhìn chung các bộ đã hoàn thành việc cắt bỏ, đơn giản hoá điều kiện đầu tư, kinh doanh trong năm 2018.
Sau một năm rưỡi kể từ khi Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có hiệu lực, các Nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành Luật đã cơ bản được ban hành đầy đủ. Đồng thời, để khẩn trương đưa một số chính sách quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV đi vào cuộc sống, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đang tích cực hoàn thiện dự thảo nghị định của Chính phủ về bổ sung một số ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi đầu tư quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị quyết của Quốc hội về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho DNNVV.
Ở cấp địa phương, tính đến ngày 20-6, đã có 50/63 địa phương đã và đang xây dựng các kế hoạch, đề án hỗ trợ DNNVV với nhiều chính sách đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển DNNVV trên địa bàn tỉnh, thành phố. Trong đó, một số địa phương đã phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp như Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh…
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, ngay từ cuối tháng 12-2018 và đầu năm 2019, nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý (Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bình Dương, Đồng Tháp, Tuyên Quang…).
Bộ Tài chính đã ban hành 17 Thông tư điều chỉnh mức thu phí, lệ phí do các bộ, ngành, trong đó, dự kiến bỏ quy định thu 6 khoản phí và 4 khoản lệ phí (được chi tiết thành 17 dòng phí, lệ phí); điều chỉnh giảm mức phí đối với 21 khoản phí và 2 khoản lệ phí (được chi tiết thành 47 dòng phí, lệ phí) với mức giảm khoảng từ 5%-25% so với mức hiện hành; cá biệt có một số khoản phí điều chỉnh mức giảm lớn hơn…
Vẫn tồn tại khoảng cách chính sách và thực thi
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai như trên, nhưng phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, giữa kỳ vọng và yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tiếp tục có các phản ánh, kiến nghị liên quan tới thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, sự mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các quy định pháp lý, chưa tiếp cận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 đang gặp nhiều thách thức. Các bộ, ngành và địa phương gặp khó khăn trong bố trí nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ trợ cho DNNVV.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị quyết số 02 yêu cầu các bộ “Tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi”, nhưng đến nay mới chỉ có 2 bộ (gồm Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có kế hoạch thực hiện yêu cầu này. Mới đây, Bộ Công thương đã trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh.
Hầu hết các bộ chưa có hướng dẫn, tập huấn cho địa phương hoặc đơn vị thực thi và doanh nghiệp về nội dung cắt giảm điểu kiện kinh doanh; cũng như chưa giám sát tình hình thực thi những cải cách này. Qua hoạt động khảo sát thực tế, hầu hết các sở, ngành ở địa phương đều lúng túng khi được hỏi về những cải cách điều kiện kinh doanh. Kết quả khảo sát PCI 2018 của VCCI cho thấy điều kiện kinh doanh vẫn còn là trở ngại lớn của doanh nghiệp.
Cũng trong quý II năm 2019, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa có chuyển biến, cải cách nào đáng kể. Nghị quyết số 02 nhấn mạnh trước tháng 6 năm 2019, các bộ, ngành hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, nhiệm vụ này chuyển biến chậm, chủ yếu chuyển từ kiểm tra trước sang thông quan sang giai đoạn sau thông quan, chứ không phải cắt giảm số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành như yêu cầu của Chính phủ.
Đáng chú ý, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các yêu cầu về quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong một số lĩnh vực của Bộ Công thương (như kiểm tra formaldehyte trên sản phẩm dệt may, kiểm tra hiệu suất năng lượng, yêu cầu xin giấy phép bổ sung về phân phối rượu…) đang gây khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Những nội dung này đã được kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa được bộ quan tâm giải quyết.
Còn theo kết quả rà soát độc lập của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, vẫn còn nhiều dư địa để các bộ, ngành tiếp tục cải cách và cần nỗ lực cải cách thực chất hơn nữa về điều kiện kinh doanh./.
Theo Baochinhphu.vn