Các giải pháp đồng bộ thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn

07:07, 08/07/2019

Thiết lập sinh kế tại chỗ cho người dân theo hướng "ly nông không ly hương"; trong đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tạo việc làm để người dân nông thôn nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế, tinh thần, từ đó chung sức đầu tư xây dựng, phát triển bền vững nông thôn là nhiệm vụ tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện ngay từ những ngày đầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

Việc hỗ trợ xúc tiến thương mại của ngành chức năng giúp các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản thuận lợi trong tiêu thụ, quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Việc hỗ trợ xúc tiến thương mại của ngành chức năng giúp các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản thuận lợi trong tiêu thụ, quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Nhằm nâng cao hiệu quả phát triển công nghiệp, ngay trong giai đoạn đầu xây dựng nông thôn mới các ngành, địa phương đã chủ động rà soát thực trạng và các yêu cầu phát triển để xác định giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khắc phục các bất cập, hạn chế của công nghiệp nông thôn như: nội lực của phần lớn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn còn nhiều khó khăn trong việc đầu tư mới, mở rộng sản xuất và đổi mới công nghệ; do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, giá cả một số nguyên liệu, nhiên, vật liệu đầu vào sản xuất (than, điện, xăng, dầu, gas, bông sợi...) biến động thất thường nên một số ngành nghề gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ giảm, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn; công tác đào tạo nghề khu vực nông thôn trước đây chưa quan tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, thường chú trọng đào tạo lao động thủ công hoặc thực hiện một khâu đơn giản trong quy trình sản xuất... Ðể khắc phục vấn đề này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đơn vị chủ trì thực hiện Ðề án 1956 về dạy nghề cho lao động nông thôn đã đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để chuyển từ đào tạo lao động theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động; chú trọng đào tạo các ngành nghề mà doanh nghiệp cam kết nhận lao động sau tốt nghiệp vào làm việc, gồm: may, đúc dát đồng mỹ nghệ, đúc kim loại, kỹ thuật điêu khắc gỗ, điện, điện tử... Từ năm 2010-2018, qua các chương trình, đề án Khuyến công, Sở Công thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức 248 lớp đào tạo các nghề dệt may, thêu ren, mộc, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ cho 15.825 lao động giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có điều kiện tuyển dụng lao động đạt yêu cầu. Ðể khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nông thôn nâng cao nghiệp vụ quản lý, Sở Công thương đã tổ chức 34 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 3.190 cán bộ quản lý giúp các doanh nghiệp nâng cao trình độ quản lý kinh doanh, phát triển đúng hướng, bền vững và hiệu quả. Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Sở Công thương tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ cho hàng trăm doanh nghiệp sản xuất các nhóm hàng chủ lực, có liên kết chuỗi giá trị với nông dân trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản tại khu vực nông thôn đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của đối tác, xây dựng thương hiệu, uy tín, phát triển thị trường trong và ngoài nước. Có thể kể đến dự án hỗ trợ Doanh nghiệp tư nhân Thanh Ðạm (Giao Thủy) đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến muối tinh khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo ra sản phẩm muối tinh đạt chất lượng cao hơn tiêu chuẩn ngành TCN 402-99 và vượt tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) quy định; hỗ trợ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Thiên Phú (Xuân Trường) hoàn thiện sản phẩm lò đốt rác sinh hoạt LOSIHO phục vụ đốt rác thải khu vực nông thôn đạt quy chuẩn Việt Nam, công suất 300-500 kg/giờ; hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm triển khai nhiều ứng dụng quy mô lớn như ứng dụng quy trình chiết saponin từ rễ cây đinh lăng quy mô công nghiệp, tối ưu kỹ thuật bào chế và đánh giá sinh khả dụng của Rifampicin trong thuốc viên chống lao phối hợp ba thành phần Rifampicin, Isoniazid, Pyrazinamid cùng nhiều dự án thí điểm trồng dược liệu giúp ngành công nghiệp dược phát triển sản phẩm trong toàn quốc. Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương còn quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, làng nghề xác lập quyền sở hữu công nghiệp, phát triển tài sản trí tuệ, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế với các sản phẩm, nhãn hiệu có uy tín trên thị trường như: nước mắm Giao Châu, cá bống bớp Nghĩa Hưng, gạo sạch Toản Xuân, nông sản sấy Minh Dương, chả cá Hùng Vương, nước mắm Ninh Cơ, ngao sạch Lenger, ngao sạch Giao Thủy, muối biển nhạt Royal; trong đó nhãn hiệu ngao Giao Thủy đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, vùng nuôi ngao các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng đã được EU công nhận là vùng nuôi an toàn cấp độ C... Nhằm xúc tiến thương mại, thúc đẩy quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn trên thị trường trong và ngoài nước, thời gian qua Sở Công thương và các địa phương đã tổ chức tốt chương trình bình chọn 47 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, 24 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 8 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, 3 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Từ đầu năm 2019 đến nay, Sở Công thương tập trung đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) nhằm đầu tư nâng tầm thương hiệu sản phẩm, thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, thế mạnh có giá trị gia tăng cao của địa phương. Ngoài ra, các ngành chức năng và các địa phương đã tập trung hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh đã hình thành hệ thống 343 cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản, trong đó có một số ngành hàng có công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu.

Cùng với đó, tỉnh quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu xúc tiến, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn. Trong đó, riêng tổng vốn đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp địa phương toàn tỉnh đạt trên 2.293 tỷ đồng; đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 23 cụm công nghiệp với tổng diện tích 524,26ha, trong đó có 19 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với diện tích đất có thể cho thuê là 244,9ha. Trong giai đoạn 2010-2018, có thêm 109 doanh nghiệp, cơ sở đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp, nâng tổng số lên 485 doanh nghiệp toàn tỉnh đầu tư vào cụm công nghiệp với số vốn đăng ký là 3.155,5 tỷ đồng, đã thực hiện 2.879,09 tỷ đồng, thu hút 20.260 lao động; thành lập mới 1.015 doanh nghiệp ở địa bàn nông thôn. Từ năm 2010 đến nay, đã thu hút được 177 dự án của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư ngoài cụm công nghiệp với tổng số vốn đầu tư là 6.188,3 tỷ đồng và 156,58 triệu USD, giải quyết việc làm cho 65.600 lao động. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương đã nỗ lực duy trì, phát triển ổn định hoạt động sản xuất tại 98 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tích cực nhân cấy, đưa nghề mới về nông thôn, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung; phát huy lợi thế vị trí, khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ để hình thành, phát triển các làng nghề khu vực ven biển. Theo số liệu tổng hợp của Sở Công thương, năm 2018, tính riêng khối làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã đạt giá trị sản xuất 12.380 tỷ đồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho 78 nghìn lao động nông thôn. Dự kiến năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn đạt 41.748 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 58,19% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn giai đoạn 2011-2019 bình quân đạt khoảng 15,35%/năm.

Ðể tiếp tục nâng cao hiệu quả phát triển công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn, thời gian tới, các ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn, chú trọng những địa bàn khó khăn; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan hành chính Nhà nước; thực hiện tốt các Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh; tạo điều kiện phát triển các loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển hạ tầng thương mại và dịch vụ nông thôn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường quản lý công tác bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm về môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại vùng nông thôn; đẩy mạnh hỗ trợ, đào tạo nghề, nhân cấy nghề mới để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com