Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh đã tăng cường các biện pháp quản lý tài nguyên khoáng sản, hoạt động khai thác cát biển ở các điểm mỏ trên địa bàn được cấp phép tương đối ổn định. Tuy nhiên, tình hình khai thác cát trái phép trên các tuyến sông diễn ra hết sức phức tạp.
Trên các tuyến sông lớn, tình trạng phương tiện của các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định khai thác cát trái phép diễn ra phức tạp, nhất là trên tuyến sông Hồng, ở các mỏ cát giáp ranh với tỉnh Thái Bình và trên các điểm thuộc tuyến sông Đáy thuộc địa bàn các huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng. Riêng tuyến sông Hồng, một số đơn vị được tỉnh Thái Bình cấp giấp phép khai thác tại những điểm giáp ranh với điểm mỏ của tỉnh ta đã quy hoạch khai thác; ranh giới phân chia địa phận hành chính giữa các tỉnh trên mặt sông không rõ ràng nên các đối tượng thường lợi dụng thời điểm mưa bão, buổi trưa, đêm tối, vắng lực lượng chức năng để lấn địa bàn khai thác cát trái phép. Thực trạng này cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép ở các địa bàn giáp ranh khó ngăn chặn là do quan hệ phối hợp giữa các địa phương trong quản lý hoạt động khai thác và xử lý vi phạm còn hạn chế. Trước thực trạng này, hai ngành Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã lập phương án, tăng cường quân số thường trực, tổ chức trinh sát, mật phục vào thời điểm đêm tối, bắt giữ và xử lý nghiêm các phương tiện khai thác tài nguyên trái phép; tăng cường phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền các xã ven sông tập trung kiểm tra, gắn với tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của chủ doanh nghiệp kinh doanh bến bãi, chủ phương tiện khai thác cát tại các tuyến sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ, trong đó chú trọng các địa bàn trọng điểm, nơi có các điểm mỏ cát trong quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Khai thác cát trên sông Đào, địa phận xã Đại Thắng (Vụ Bản). |
Để quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên cát phục vụ nhu cầu xây dựng của địa phương; ngăn ngừa tình trạng lấn địa giới hành chính khai thác trộm, phải triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp với sự vào cuộc của các ngành, các cấp. Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, ngăn chặn tình trạng khai thác tài nguyên cát sỏi trái phép là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã; là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên của địa phương và các cơ quan liên quan. Yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là giám đốc các sở: Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Chủ tịch UBND cấp huyện, xã nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép và thành lập bến, bãi tập kết cát, sỏi trái phép; ở đâu có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng, bao che, bảo kê cho các hoạt động liên quan đến khai thác, mở bến bãi kinh doanh cát, sỏi trái phép thì phải tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm túc trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định; kiên quyết xóa bỏ các bến, bãi tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn trước ngày 31-7-2019. UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các quy định của Luật Khoáng sản, các văn bản hướng dẫn của Trung ương; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ, Thông báo số 325/TB-VPCP ngày 25-7-2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi; Chỉ thị 06/CT-UBND ngày 14-3-2018 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quyết định 08/2018/QĐ-UBND ngày 2-5-2018 của UBND tỉnh về trách nhiệm phối hợp quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Các ngành chức năng phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra công tác khai thác cát biển tại các điểm mỏ đã cấp phép, kiên quyết không để hoạt động khai thác cát gây ảnh hưởng dù nhỏ nhất đến đê kè. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục nắm chắc tình hình, tổ chức đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác, lập bến bãi tập kết cát, sỏi; nhất là các địa bàn giáp ranh phức tạp, khu vực cửa sông của tỉnh. Mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm và đối tượng vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi. Phối hợp với Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình trong việc tuần tra, kiểm tra, xử lý các hành vi khai thác cát, sỏi trái phép khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh trên sông Hồng, sông Đáy và khu vực cửa sông, cửa biển. Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố khi triển khai các dự án đầu tư có sử dụng cát, sỏi phải yêu cầu các Ban quản lý, nhà thầu thi công xây lắp chứng minh được nguồn gốc cát, sỏi đưa vào sử dụng khai thác hợp pháp; chỉ phê duyệt thanh toán, quyết toán đối với khối lượng cát, sỏi có nguồn gốc hợp pháp. Đồng chí Phạm Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay tỉnh Thái Bình cũng đã cấm khai thác cát trên sông Hồng, vì vậy Sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, nhất là hành vi khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trái phép. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan quản lý, giám sát đối với các dự án nạo vét bến cảng, luồng lạch, dòng chảy trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy