Nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, đồng thời nâng cao giá trị, năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, huyện Nghĩa Hưng đã khuyến khích, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất nông sản sạch, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng. Huyện xác định đây là một giải pháp để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hiệu quả.
Nuôi cá bống bớp theo tiêu chuẩn VietGAP tại Doanh nghiệp Sơn Nguyệt, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng). |
Trên quan điểm chỉ đạo đó, Nghĩa Hưng đã lựa chọn những sản phẩm là thế mạnh của từng xã, thị trấn để đầu tư xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch hiệu quả kinh tế cao. Huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn và địa phương tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua các mô hình thí điểm; đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm làm thay đổi tư duy, tạo chuyển biến trong “nếp nghĩ, cách làm” của người sản xuất về nhu cầu thị trường, xu hướng lựa chọn, tiêu dùng nông sản, thực phẩm sạch và sản phẩm hữu cơ. Huyện đặc biệt quan tâm phát triển hình thức hợp tác, liên kết, coi doanh nghiệp là đầu tàu, hợp tác xã là cầu nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết giữa 4 nhà “Nhà nông - Nhà nước - Nhà doanh nghiệp và Nhà khoa học” để thúc đẩy đổi mới sản xuất nông nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nông dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để xây dựng, triển khai các dự án. Qua đó huyện đã có nhiều mô hình tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch có khả năng phát triển tốt. Điển hình là mô hình trồng nấm sạch tại xã Nghĩa Phong. Năm 2015, từ chủ trương tìm kiếm các mô hình sản xuất tái tạo, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp có tiềm năng nhưng đang bị đốt bỏ, xử lý không hiệu quả, gây nhiều hệ lụy cho môi trường, xã Nghĩa Phong đã tổ chức cho một số hộ nông dân đi tham quan một số mô hình trồng nấm sạch tại tỉnh Ninh Bình và một số địa phương trong tỉnh; đồng thời liên hệ với Trung tâm Công nghệ Sinh học Thực vật (Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam) hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng các loại nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ... Để đảm bảo hiệu quả, xã đã chọn gia đình ông Hoàng Văn Bốn, xóm 9 xây dựng mô hình thí điểm trồng nấm linh chi với 5.000 bịch nguyên liệu. Sau 3 tháng chăm sóc, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, gia đình ông Bốn thu hoạch và chế biến được 150kg nấm khô, trừ chi phí lãi khoảng 40 triệu đồng. Thành công từ mô hình thí điểm, xã tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dạy nghề công lập huyện tổ chức lớp dạy nghề trồng nấm sạch tại địa phương cho hơn 30 hộ nông dân. Để chủ động nguyên liệu, giống, giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất, xã Nghĩa Phong hỗ trợ nông dân thành lập Tổ hợp tác sản xuất nấm, tạo điều kiện cho vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện để xây dựng lò hấp nguyên liệu trồng để cung cấp đủ cho nông dân. Tổ hợp tác đã tìm được đối tác và thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội và các thành phố lớn để ổn định đầu ra sản phẩm cho các thành viên. Chị Đoàn Thị Dịu, xóm 9 cho biết: Trồng nấm rơm không tốn nhiều vốn ban đầu, chỉ vài triệu đồng là có thể “khởi nghiệp”. Nguyên liệu tận dụng được những sản phẩm phụ của đồng ruộng, khắc phục được tình trạng đốt rơm rạ sau khi thu hoạch, nên có đủ để sản xuất quanh năm. Có thể kết hợp lấy ngắn nuôi dài, tận dụng công nhàn rỗi để phát triển kinh tế gia đình. Không những liên kết được các hộ sản xuất nấm nhỏ lẻ, mô hình còn được nhân rộng sang các xã như Nghĩa Phú, Nghĩa Hùng… hình thành vùng sản xuất nấm sạch mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Một mô hình tiêu biểu khác là năm 2017 được sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED), Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã triển khai thực hiện mô hình nuôi giun quế trong chuỗi chăn nuôi sạch khép kín không rác thải. Thức ăn cho giun là chất thải trong chăn nuôi; sau khi thu hoạch, giun tươi (với thành phần chất đạm cao) được dùng kết hợp, bổ sung làm thức ăn hữu cơ để nuôi gia súc, gia cầm; mùn nuôi giun dùng để bón cho cây trồng giúp cải tạo đất, hạn chế sử dụng hóa chất trừ sâu và phân bón hóa học. Tham gia mô hình, các hội viên được tập huấn kỹ thuật nuôi giun quế, phương thức trộn thức ăn hữu cơ trong chăn nuôi, ngoài ra còn được hướng dẫn xây dựng kế hoạch kinh doanh và vận hành nhóm. Đến nay, mô hình có 25 hộ dân ở 3 xã Hoàng Nam, Nghĩa Minh, Nam Điền tham gia với tổng 99m2 sinh khối nuôi giun quế, đảm bảo cung cấp nguyên liệu làm thức ăn cho 1.000 con gia súc, gia cầm và trồng rau, cây xanh. Đây là một kiểu “mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi” khá phù hợp với các trang trại, gia trại có diện tích rộng, giúp các hộ chăn nuôi tiết kiệm chi phí đầu tư thức ăn công nghiệp, giải quyết nguồn phân của gia súc, gia cầm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; sản phẩm chăn nuôi này có chất lượng thịt “thơm - ngon - sạch”, được người tiêu dùng ưa chuộng và bán với giá cao hơn so với chăn nuôi công nghiệp. Với thế mạnh của huyện ven biển, Nghĩa Hưng đã thực hiện thành công mô hình nuôi cá bống bớp theo chuỗi khép kín theo quy trình.... Hiện, toàn huyện có hơn 300 hộ nuôi cá bống bớp với diện tích vài trăm ha trở lên. Được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nuôi trồng thủy sản huyện đã tiến hành xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện quản lý bảo vệ nhãn hiệu tập thể “Cá bống bớp Nghĩa Hưng”; đồng thời phối hợp vận động các đại lý phân phối tham gia vào quá trình xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm “Cá bống bớp Nghĩa Hưng” để phát triển kênh phân phối sản phẩm và kiểm soát quá trình cung ứng sản phẩm từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, ngăn chặn hàng kém chất lượng đảm bảo uy tín, chất lượng sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Từ đó góp phần bảo vệ uy tín sản phẩm thủy sản đặc trưng của huyện giúp sản phẩm tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại, nâng cao giá trị kinh tế cho người sản xuất.
Ngoài các mô hình kể trên, trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng còn xây dựng thành công các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch như: trồng cà chua sạch ở xã Nghĩa Thành và Nghĩa Hồng; nuôi thủy sản kết hợp với trồng rau sạch xã Nghĩa Bình; trồng đinh lăng dược liệu GACP-WHO tại xã Nghĩa Thắng, Nam Điền và Thị trấn Rạng Đông. Với yêu cầu của tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cũng như xu hướng tiêu dùng hiện đại, việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ là tất yếu mà Nghĩa Hưng nói riêng, các địa phương làm nông nghiệp phải quan tâm đáp ứng. Có như vậy mới đảm bảo đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp theo lợi thế từng địa phương; tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh