Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hải Hậu với chương trình "nâng bước em tới trường"

08:06, 28/06/2019

Thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về tín dụng học sinh, sinh viên; đến nay, qua hơn 11 năm thực hiện, đã có hàng chục nghìn hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Hải Hậu được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để nuôi dưỡng ước mơ tới trường của con em mình.

Cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hải Hậu quan tâm thăm hỏi, động viên gia đình chị Nguyễn Thị Dung ở xóm 15, xã Hải Hưng.
Cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hải Hậu quan tâm thăm hỏi, động viên gia đình chị Nguyễn Thị Dung ở xóm 15, xã Hải Hưng.

Đồng chí Trần Văn Quý, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hải Hậu cho biết: nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay học sinh, sinh viên là một chính sách góp phần quan trọng thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập, đảm bảo quyền được học hành của người dân, mở ra cánh cửa tương lai qua con đường học tập cho con em các gia đình kinh tế khó khăn... Nguồn tiền từ chương trình đã giúp gia đình và bản thân các em giảm bớt áp lực về kinh tế, chuyên tâm học hành và là động lực tinh thần giúp các em không ngừng nỗ lực học tập rèn luyện để ra trường có việc làm, thu nhập trả nợ ngân hàng theo hợp đồng cam kết và có cơ hội thay đổi cuộc sống của bản thân, gia đình. Với mục tiêu “không để học sinh, sinh viên nào vì khó khăn tài chính mà phải nghỉ học”, từ năm 2007 đến nay, ngân hàng đã thực hiện giải ngân cho 36.281 sinh viên của 34.072 hộ gia đình được vay vốn với tổng số tiền 348 tỷ 125 triệu đồng. Tổng dư nợ chương trình tín dụng cho vay học sinh, sinh viên tính đến ngày 31-5-2019 là 43 tỷ 395 triệu đồng với 1.481 hộ gia đình vay học sinh, sinh viên còn dư nợ. Theo quy định của chương trình, đối tượng thụ hưởng là học sinh, sinh viên hộ nghèo, cận nghèo, học sinh mồ côi; không phân biệt loại hình đào tạo (công lập hay dân lập) và thời gian đào tạo. Mức cho vay được điều chỉnh liên tục qua các năm nhằm phù hợp với yêu cầu thực tiễn, từ 300 nghìn đồng/học sinh/tháng lên mức tối đa hiện nay là 1,5 triệu đồng/tháng/học sinh. Lãi suất cho vay ưu đãi 6,6%/năm (0,55%/tháng). Một số địa phương có dư nợ vay lớn như Thị trấn Thịnh Long 2,9 tỷ đồng; xã Hải Lý 2,6 tỷ đồng; xã Hải Chính 2,53 tỷ đồng; xã Hải Minh 2,38 tỷ đồng; xã Hải Phú 1,9 tỷ đồng, xã Hải Hưng 1 tỷ đồng… Đối tượng vay vốn chương trình nhiều nhất là hộ cận nghèo với 38 tỷ 586 triệu đồng, chiếm 88% tổng dư nợ và chiếm 88% tổng số hộ vay vốn; hộ nghèo với 4 tỷ 790 triệu đồng, chiếm 11% tổng dư nợ và chiếm 10% tổng số hộ vay vốn; còn lại là các hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính. Kết quả trên cho thấy chương trình tín dụng học sinh, sinh viên ở Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hải Hậu thực sự là “cầu nối” tiếp sức con em của những gia đình khó khăn tiếp tục ước mơ đến trường. Năm 2016, gia đình chị Đỗ Thị Thoan ở xóm 15, xã Hải Hưng nhận được giấy báo con trai lớn Nguyễn Tiến Quang thi đỗ Đại học Công nghiệp Hà Nội. Xen lẫn niềm vui mừng con có cơ hội được học cao tiếp là nỗi lo về học phí, chi phí sinh hoạt bởi hoàn cảnh kinh tế gia đình chị lúc đó vô cùng khó khăn. Chị Thoan cho biết: “Tôi đơn thân một mình nuôi 2 con, lại đau ốm thường xuyên do bị u tuyến giáp, nguồn thu chỉ trông vào 1 sào lúa nên khó khăn chồng chất khó khăn. Đã có lúc 2 cháu muốn nghỉ học để đi làm đỡ đần kinh tế giúp mẹ. Nhưng tôi vẫn cố gắng nhận thêm việc để tăng thêm thu nhập và vận động 2 cháu cố gắng hoàn thành chương trình học phổ thông trung học. Tuy nhiên, chi phí học và sinh hoạt tại Hà Nội của cháu Quang thực sự vượt quá khả năng của tôi”. Đúng lúc đó, chị được cán bộ tổ vay vốn và tiết kiệm xóm tạo điều kiện bình xét để được vay vốn tín dụng chính sách theo chương trình cho vay học sinh, sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội giúp các con chị tiếp tục giấc mơ “đèn sách”. Đến nay, cháu Quang đã hoàn thành 3 năm học đại học chuyên ngành Kỹ thuật máy tính, em trai tiếp tục được đi học nghề với hi vọng tương lai có việc làm và thu nhập ổn định, tự tin vượt qua khó khăn, giúp gia đình vươn lên thoát nghèo. Chị Thoan xúc động chia sẻ: “Hiện nay gia đình tôi còn nợ 37,5 triệu đồng. Có thể nói, đây là chương trình có ý nghĩa to lớn đối với mỗi gia đình có hoàn cảnh khó khăn; nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi này thì nhiều học sinh nghèo như các con tôi không thực hiện được ước mơ trở thành sinh viên. Đó không chỉ là ước mơ của các con, mà còn là niềm hy vọng của các bậc làm cha làm mẹ như chúng tôi”. Còn với gia đình chị Nguyễn Thị Dung ở xóm 15, xã Hải Hưng có 3 con đều học giỏi nhưng hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, chồng bị tai biến sức khoẻ kém, nhà chỉ có 1 sào ruộng và ít đất vườn thì nguồn vốn tín dụng học sinh, sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực sự là “chiếc phao cứu sinh” ước mơ vào đại học của con trai chị. Đến nay, con trai chị đã hoàn thành 3 năm học Đại học Công nghiệp Hà Nội. Theo đánh giá của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hải Hậu thì hầu hết sinh viên vay vốn để đi học sau khi tốt nghiệp ra trường đều nỗ lực cố gắng tìm kiếm việc làm, chí thú làm ăn để có thu nhập nên việc trả nợ tiền gốc, tiền lãi cho ngân hàng được thực hiện nghiêm túc. Ngân hàng cũng chỉ đạo cán bộ tín dụng, các tổ tiết kiệm và vay vốn tại các xã, thị trấn tập trung thực hiện việc cho vay đúng đối tượng, bảo đảm thời gian giải ngân nhanh chóng. Thực hiện việc quản lý, kiểm soát sử dụng vốn vay đúng quy định, theo dõi tình hình các hộ vay, đôn đốc, nhắc nhở các gia đình đến kỳ trả nợ để người vay có kế hoạch trả nợ đúng thời hạn. Nhờ vậy, việc thu hồi tiền gốc cho vay của chương trình này diễn ra nghiêm túc, nợ quá hạn nằm trong ngưỡng cho phép. Đối với những trường hợp học sinh, sinh viên tốt nghiệp mà chưa tìm được việc làm hay gặp rủi ro, tai nạn ảnh hưởng đến khả năng thanh toán đều được ngân hàng xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc xóa nợ tùy vào hoàn cảnh thực tế.

Có thể nói, chương trình cho vay học sinh, sinh viên trên địa bàn huyện Hải Hậu đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành điểm tựa tài chính vững chắc cho hàng nghìn con em hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn “viết tiếp” ước mơ học đường. Chương trình này đã thể hiện sự quan tâm, chăm lo đối với sự nghiệp “trồng người”, đảm bảo mục tiêu đậm chất nhân văn “không để học sinh, sinh viên nào vì khó khăn tài chính mà phải nghỉ học” của Đảng, Nhà nước ta, tạo điều kiện ban đầu quan trọng cho con nhà nghèo “lập thân, lập nghiệp”, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com