Khai thác thế mạnh nuôi thủy sản ở Ang Giao Phong

08:06, 12/06/2019

Những ngày này, bà con nông dân vùng Ang Giao Phong, xã Giao Phong (Giao Thủy) đang tất bật chuẩn bị vào vụ nuôi thủy sản mới với quyết tâm giành thắng lợi, tiếp tục duy trì vị trí ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Trên suốt chiều dài hơn 3km ven đê biển khu vực Ang Giao Phong, hàng trăm đầm tôm, ao nuôi ngao, vạng đã được người dân đầu tư xây dựng, quy hoạch vuông vức. Hộ ông Cao Văn Trình thuộc tốp có diện tích nuôi thủy sản lớn của xã, với tổng diện tích khoảng 2,3ha; trong đó có 1,4ha nuôi tôm thẻ chân trắng và 0,9ha nuôi ngao. Theo ông Trình, con ngao rất phù hợp với môi trường nơi đây nên ngao nuôi đạt tỷ lệ sống cao; về hình thức ngao có vỏ trắng sáng, béo mẩy nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Những năm gần đây, nghề nuôi ngao đạt sản lượng và thu nhập cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro do thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, mưa nắng đan xen trong ngày khiến người nuôi gặp không ít khó khăn. Một thuận lợi đối với người nuôi là nhiều hộ dân trong xã đã nghiên cứu kỹ thuật sản xuất thành công ngao giống tại chỗ, đảm bảo chất lượng nên chủ động được đầu vào sản xuất. Ngoài ra với kinh nghiệm lâu năm và tinh thần chịu khó học hỏi kỹ thuật mới, người nuôi thủy sản ở Giao Phong rất chú trọng công tác chuẩn bị sản xuất từ đầu vụ, cải tạo kỹ càng đầm bãi, ao nuôi, dọn gạch đá, sau đó bừa xốp đáy và san lại bằng phẳng để ngao giống bám nhiều. Sau khi xuống giống, người nuôi phải thường xuyên kiểm tra tình trạng giống bám, đắp bờ, dọn mương, diệt trừ địch hại để ngao phát triển tốt...

Người dân xã Giao Phong cải tạo đầm trước khi vào vụ nuôi thủy sản năm 2019.
Người dân xã Giao Phong cải tạo đầm trước khi vào vụ nuôi thủy sản năm 2019.

Còn theo ông Nguyễn Văn Quyết ở xóm Lâm Hà thì ngao giống mua từ các nguồn trôi nổi sẽ không đảm bảo chất lượng; nếu mua ở các tỉnh ngoài thì thời gian vận chuyển dài ngày làm giảm chất lượng, sức khỏe con giống bị ảnh hưởng nên kết quả ương nuôi thấp, không hiệu quả. Vì thế, ông luôn lựa chọn nhập ngao giống từ các cơ sở sản xuất có uy tín quanh vùng để nuôi. Điều này giúp kiểm soát chất lượng, đảm bảo con giống khỏe mạnh, sạch bệnh, ngao giống không mất thời gian “làm quen” với môi trường sống mới nên năng suất, chất lượng ngao thương phẩm tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của thị trường... Hiện nay, toàn vùng Ang Giao Phong có gần 135ha nuôi thủy sản; trong đó diện tích nuôi mặn lợ gần 128ha, số còn lại là diện tích nuôi thủy sản nước ngọt. Đồng chí Phạm Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Giao Phong cho biết: Để ngành nuôi thủy sản phát triển bền vững, ngay từ đầu năm, Ban Nông nghiệp xã đã phối hợp với Hợp tác xã Thủy sản Giao Phong họp với các hộ thành viên, xây dựng thống nhất kế hoạch sản xuất từ thời gian tổ chức nạo vét hệ thống kênh dẫn nước, cải tạo ao đầm, bãi triều nuôi ngao; phân công lực lượng bám sát địa bàn vùng nuôi thủy sản để giám sát, nhắc nhở người dân không xả thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Phối hợp với Công ty Khai thác Công trình thủy lợi Xuân Thủy thống nhất lịch cấp nước phục vụ bà con cải tạo ao nuôi; tổ chức nạo vét 2.500m mương nội đồng, kênh tiêu nước; kè 1.360m kênh cấp nước. Xã khuyến khích các hộ nuôi tôm theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp để thuận tiện cho việc đầu tư đồng bộ. Hiện nay, các đối tượng nuôi chủ yếu của vùng Ang Giao Phong là tôm thẻ chân trắng, ngao, vạng… cho sản lượng trung bình hàng năm khoảng 465 tấn. Nuôi ngao là một thế mạnh của Giao Phong nên để đảm bảo hoạt động nuôi ngao đạt hiệu quả bền vững, người dân yên tâm đầu tư, địa phương đã quy hoạch vùng nuôi, tạo sự thông thoáng về thủ tục, chính sách cho người dân nhận thầu vùng bãi ven biển nuôi ngao. Ngoài ra, các hộ nuôi ngao ở Giao Phong còn được cán bộ thủy sản của huyện thường xuyên phối hợp giám sát, tư vấn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ quản lý chất lượng sản phẩm cũng như vấn đề vệ sinh vùng nuôi.

Thời gian tới, UBND xã Giao Phong tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý phát triển kinh tế gắn với nuôi thủy sản theo quy hoạch; hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật, quy trình nuôi an toàn để hạn chế dịch bệnh phát sinh. Tăng cường công tác cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ, tư vấn xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết giá trị, quản lý chặt chẽ các loại vật tư đầu vào, kiên quyết không để các loại vật tư phục vụ nuôi thủy sản không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng lưu hành trên địa bàn, ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất con nuôi; phối hợp với Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các biện pháp nuôi thủy sản an toàn, bền vững và kiểm soát vi chất, kháng sinh trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời thực hiện kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh của các cơ sở kinh doanh thức ăn, hóa chất, các chất xử lý, cải tạo môi trường và các chế phẩm sinh học dùng trong nuôi thủy sản. Để hỗ trợ người nuôi thủy sản, xã sẽ chủ động phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng của huyện tổ chức lấy mẫu quan trắc tại vùng nuôi tôm, ngao để phân tích, đánh giá, kịp thời xử lý các vấn đề môi trường phát sinh đảm bảo thủy sản sinh trưởng phát triển tốt. Thường xuyên mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, các yêu cầu về điều kiện tự nhiên, môi trường, xây dựng lịch thời vụ, mật độ nuôi, kích cỡ con giống sao cho phù hợp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ngao tại địa bàn để xuất khẩu, tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị ngao nuôi. Tạo điều kiện, động viên các hộ nuôi hình thành các nhóm, tổ hợp tác nuôi thủy sản hỗ trợ nhau, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của nghề nuôi thủy sản để bà con yên tâm đầu tư khai thác thế mạnh tự nhiên để làm giàu cho gia đình và quê hương./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com