Theo đánh giá của UBND tỉnh, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả thu hút đầu tư của tỉnh từ đầu năm đến nay giảm so với các năm trước là do không có mặt bằng sạch hoặc đã có nhưng quỹ đất doanh nghiệp muốn sử dụng không nằm trong phân kỳ khai thác theo quy hoạch.
Hiện nay, ngay tại các khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch cũng chưa khởi động hoặc tiến độ giải tỏa, cung cấp mặt bằng sạch còn nhiều vướng mắc nên các địa phương trong tỉnh gần như không còn quỹ đất sạch quy mô lớn phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ để giới thiệu cho nhà đầu tư đến tìm hiểu. Theo đồng chí Phan Thùy Linh, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương), để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh năm 2019, tỉnh có kế hoạch xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp: Thịnh Lâm (Giao Thủy); Yên Dương (Ý Yên); Xuân Tiến (Xuân Trường); Đồng Côi (Nam Trực). Tuy nhiên, đến nay tiến độ đầu tư các cụm công nghiệp này đều chậm, trong đó có nguyên nhân quy hoạch sử dụng đất của các địa phương không tương đồng với quy hoạch các cụm công nghiệp làm chậm tiến độ xây dựng hạ tầng một số cụm công nghiệp đang triển khai đầu tư, làm giảm lợi thế thu hút đầu tư của tỉnh. Mới đây có doanh nghiệp Hàn Quốc sau khi nghiên cứu đã đề xuất đầu tư nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô quy mô lớn ở Cụm công nghiệp Yên Bằng (Ý Yên); một số doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư xây dựng nhà máy tại Cụm công nghiệp Thanh - Côi (Vụ Bản). Đây đều là các cụm công nghiệp nằm trong quy hoạch điều chỉnh phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 do UBND tỉnh phê duyệt nhưng lại không nằm trong phân kỳ đầu tư hiện nay, vì vậy cũng chưa thể triển khai các bước đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác. Nguyên nhân của bất cập trên theo đánh giá của UBND tỉnh là do việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thẩm định danh mục các dự án, công trình đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của tỉnh, đặc biệt là ở cấp huyện, còn nhiều bất cập; chất lượng quy hoạch, kế hoạch chưa cao. Trong đó, phổ biến là việc xác định nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực trong phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không đáp ứng đầy đủ phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc xác định vị trí, nhu cầu sử dụng đất chưa phù hợp, thiếu tính đồng bộ với quy hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực và địa phương.
Sản xuất bánh kẹo tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Hòa Bình, Cụm công nghiệp An Xá (Thành phố Nam Định). |
Để giải quyết bất cập, tại phiên họp thường kỳ tháng 5-2019 của UBND tỉnh, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ rõ, các sở, ngành, địa phương phải kiểm điểm trách nhiệm tham mưu của mình; phải nâng cao trách nhiệm phối hợp, giải quyết dứt điểm các vướng mắc theo đúng quy định pháp luật và đẩy mạnh hỗ trợ, sớm cung cấp mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: tỉnh sẵn sàng rút kinh nghiệm, sửa sai trong trường hợp quyết định phê duyệt các quy hoạch, dự án đầu tư khi triển khai thực hiện phát hiện thiếu sót các điều kiện, thủ tục thành phần, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, dự án đầu tư; thậm chí có thể thu hồi cả các văn bản của Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nếu có sai sót, không đúng quy trình và kiên quyết không triển khai các bước tiếp theo khi chưa hoàn tất bổ sung, khắc phục thiếu sót. Đặc biệt, đối với dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng còn thiếu quy hoạch sử dụng đất, các cấp, ngành cần kiên quyết, không "xuê xoa", nể nang làm tắt. Theo đồng chí Phan Văn Phong, Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện Sở đã bám sát chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, phối hợp với các địa phương tổng hợp kiến nghị, thống nhất xây dựng, trình HĐND tỉnh tại kỳ họp bất thường đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu đồng bộ về quy hoạch đất cụm công nghiệp, danh mục các dự án phải thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất lúa dưới 10ha; tham mưu tỉnh trình Chính phủ điều chỉnh lại kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 theo hướng giữ nguyên đất lúa, chuyển đổi giảm mục đích sử dụng quỹ đất phi nông nghiệp sang đất công nghiệp dịch vụ để gia tăng quỹ đất cung ứng, phục vụ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Sở đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, triển khai kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thành phố; chủ động phương án xây dựng kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2020-2025 theo hướng ưu tiên bố trí hợp lý, khai thác hiệu quả tài nguyên đất phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ trong điều kiện quỹ đất phi nông nghiệp của tỉnh còn lớn. Sở tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra lại các trường hợp vi phạm đất đai; kiểm tra quỹ đất của các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai hoặc sử dụng đất sai mục đích; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác quỹ đất công nghiệp phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung phân kỳ đầu tư Cụm công nghiệp Yên Bằng (Ý Yên) và Cụm công nghiệp Thanh - Côi (Vụ Bản). Bên cạnh đó, Sở còn tập trung kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp theo hình thức xã hội hóa. Tiếp tục triển khai các thủ tục để đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Thuận, các Cụm công nghiệp: Yên Bằng (Ý Yên), Mỹ Tân (Mỹ Lộc); thành lập Cụm công nghiệp Thanh - Côi (Vụ Bản), Cụm công nghiệp làng nghề Hải Vân (Hải Hậu); xây dựng Cụm công nghiệp Yên Dương (Ý Yên); mở rộng các Cụm công nghiệp Xuân Tiến (Xuân Trường), Đồng Côi (Nam Trực)...
Về lâu dài, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương tăng cường phối hợp nâng cao chất lượng thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đặc biệt, phải bảo đảm các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, có tính đến tác động của biến đổi khí hậu; phải đảm bảo sự đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, trong đó có phân tích không gian nhu cầu sử dụng đất và công khai, tham vấn các bên liên quan trong quá trình lập quy hoạch./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy