Nằm ở vị trí “cửa ngõ” tiếp giáp với 3 huyện kinh tế phát triển phía nam tỉnh, huyện Trực Ninh thuận lợi về giao thông gồm 3 tuyến quốc lộ là: 21, 21B và 37B; 3 tuyến tỉnh lộ là 487, 488B và 490C. Trên địa bàn huyện đến nay đã phát triển được 3 cụm công nghiệp tập trung là Cổ Lễ, Cát Thành, Trực Hùng và có các làng nghề dệt, mộc mỹ nghệ, thêu ren… hoạt động ổn định, thu hút hàng nghìn lao động nông thôn ở các xã Trực Chính, Phương Định, Trung Đông và Thị trấn Cổ Lễ,… Đó là những tiềm năng, lợi thế để huyện Trực Ninh tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
Sản xuất trang phục xuất khẩu tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn KIARA Garment Việt Nam, Thị trấn Cát Thành. |
Quan điểm chỉ đạo phát triển công nghiệp của huyện là tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp chủ lực, có thế mạnh như cơ khí, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng, sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ... UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Công thương xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất; căn cứ thực tế hoạt động và dự báo tình hình phát triển trong tương lai để tham mưu cho UBND huyện hoạch định chiến lược phát triển dài hơi. Phòng Công thương đã triển khai rà soát thực tế các ngành sản xuất tại các địa phương để tham mưu cho UBND huyện trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đến năm 2025. Căn cứ thực tế quỹ đất và dự báo tình hình phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện và qua rà soát, Phòng Công thương đã tham mưu cho UBND huyện trình UBND tỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng 2 cụm công nghiệp mới đến năm 2025 là cụm công nghiệp Trực Nội, diện tích 30ha và cụm công nghiệp Trực Đại, diện tích 20ha. Bên cạnh đó, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu về điện phục vụ sản xuất cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, huyện Trực Ninh đã chủ động phối hợp với ngành Điện đầu tư nâng cấp hệ thống trạm biến áp và cải tạo lưới điện nông thôn, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện khi gia tăng sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. UBND huyện đã giao Phòng Công thương huyện phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện sử dụng linh hoạt nguồn vốn từ Quỹ Khuyến công quốc gia kết hợp với nguồn vốn từ Đề án 1956 tập trung đào tạo ngắn hạn tại chỗ các nghề: may công nghiệp, sửa chữa cơ khí cho người lao động địa phương để vừa tiết kiệm thời gian, vừa liên tục bổ túc kỹ thuật mới cho công nhân đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với UBND các xã, thị trấn tạo điều kiện tối đa về thủ tục, mặt bằng để các dự án đầu tư trong và ngoài nước (đã được UBND tỉnh cấp chứng nhận đăng ký đầu tư) có thể sớm triển khai xây dựng, nhanh chóng hoàn thiện đưa vào hoạt động chính thức. Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện đã đạt 6.203 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2017. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển ổn định đã góp phần quan trọng nâng giá trị tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người của huyện lên 55 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm xuống còn 0,58%. Toàn huyện đã phát triển được gần 400 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đa dạng ngành nghề trong 3 cụm công nghiệp, 9 làng nghề và ở tất cả 21 xã, thị trấn trên địa bàn giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục nghìn lao động. Cụm công nghiệp Cổ Lễ đã thu hút được 23 doanh nghiệp, cơ sở đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh các ngành nghề dệt may, cơ khí, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng... tạo việc làm cho trên 400 lao động. Cụm công nghiệp Cát Thành có 9 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: dệt may, đóng mới và sửa chữa phương tiện và kinh doanh dịch vụ vận tải thủy... tạo việc làm cho trên 1.000 lao động. Cụm công nghiệp Trực Hùng có 19 doanh nghiệp, cơ sở đầu tư sản xuất đa dạng ngành nghề, tạo việc làm cho gần 200 lao động. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và các thương hiệu lớn trong nước cũng đang hoạt động hiệu quả, vừa mang đến nguồn thu lớn vừa giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Shin Myung First Vina (Hàn Quốc) đầu tư 20 tỷ đồng xây dựng nhà máy may xuất khẩu tại xã Trung Đông, tạo việc làm cho 700 lao động; Công ty Trách nhiệm hữu hạn AMARA Việt Nam đầu tư trên 20 triệu USD tại Thị trấn Cổ Lễ, tạo việc làm cho trên 8.200 lao động; Công ty Trách nhiệm hữu hạn KIARA Garment Việt Nam (Hồng Kông, Trung Quốc); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sungwon Vina (Hàn Quốc) đầu tư nhà máy may công nghiệp ở Thị trấn Cát Thành tạo việc làm cho trên 800 lao động. Từ năm 2018, dự án đầu tư nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em xuất khẩu trị giá 15 triệu USD của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dream Plastic đã bước vào hoạt động, tạo việc làm cho 2.400 lao động. Bên cạnh các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh đã chọn Trực Ninh là "điểm đến" đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh như: Công ty Cổ phần May 9 đầu tư dự án tại xã Trực Phú thu hút trên 1.000 lao động; Công ty Cổ phần May 1 (Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định) đầu tư tại xã Trực Hưng thu hút trên 300 lao động.
Quý I năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Trực Ninh ước thực hiện đạt 1.567 tỷ đồng, tăng 11,92% so với cùng kỳ năm 2018. Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới huyện Trực Ninh tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chủ yếu vào các ngành: cơ khí, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng và thêu ren các loại… Tập trung chỉ đạo, khuyến khích các thành phần kinh tế tích cực xúc tiến thương mại, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ hàng hoá sản phẩm. Khuyến khích và tạo thuận lợi đẩy mạnh phát triển các ngành nghề nông thôn sẵn có theo hướng chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ trang thiết bị tiên tiến, công tác tổ chức và quản lý sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tạo đà hoàn thành thắng lợi mục tiêu năm 2019, ngay từ đầu năm huyện đã đề ra là: phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 7.070 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010); kim ngạch xuất khẩu đạt 180 triệu USD./.
Bài và ảnh: Thành Trung