Củng cố, phát triển kinh tế tập thể: Những vấn đề đặt ra (kỳ 2)

08:06, 25/06/2019

(Tiếp theo và hết)

II. Kết quả và những vấn đề đặt ra

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Đảng, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh được đánh giá ổn định, đổi mới và phát triển, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nòng cốt trong phát kinh tế của địa phương. Số lượng tổ hợp tác, hợp tác xã mới thành lập tăng nhanh đa dạng về loại hình, đều các ngành và các lĩnh vực kinh tế của tỉnh; xuất hiện ngày càng nhiều hợp tác xã kiểu mới, góp phần xây dựng nông thôn mới và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân ở khu vực nông thôn. Đặc biệt phong trào phát triển kinh tế hợp tác xã được thực hiện thực chất hơn, nhiều loại hình hợp tác xã ra đời và hoạt động hiệu quả, nhất là các hợp tác xã chuyên ngành.

Sản xuất rau hữu cơ tại Hợp tác xã Bắc Cường, xã Yên Cường (Ý Yên).
Sản xuất rau hữu cơ tại Hợp tác xã Bắc Cường, xã Yên Cường (Ý Yên).

Toàn tỉnh thành lập mới 96 hợp tác xã, nâng tổng số lên 433 hợp tác xã, 47 tổ hợp tác, 42 quỹ tín dụng nhân dân. So với thời điểm năm 2003, số hợp tác xã tăng 24 đơn vị nhưng số thành viên giảm hơn 91 nghìn người do các hợp tác xã tổ chức lại hoạt động theo mô hình mới, bộ máy quản lý tinh gọn đủ 6 vị trí chức danh cơ bản. Hầu hết các hợp tác xã đổi mới theo 3 hình thức: giải thể hợp tác xã cũ, thành lập hợp tác xã mới; tổ chức lại hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 thông qua Đại hội xã viên nhiệm kỳ (2009-2014) và hợp tác xã chuyên ngành thành lập mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Hầu hết các hợp tác xã đều có phương án sản xuất, kinh doanh, tổ chức dịch vụ, tổ chức cho xã viên sản xuất nông sản hàng hóa với giá trị gia tăng cao. Doanh thu và thu nhập bình quân hàng năm của hợp tác xã đều tăng với mức tăng trưởng 5-6%. Năm 2018 bình quân doanh thu 1 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đạt 1 tỷ 180 triệu đồng, tăng 424 triệu so với năm 2003. Kết quả rà soát, đánh giá phân loại hợp tác xã năm 2018 có 110 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, chiếm 36,6%, tăng 2% so với năm 2003. Một số hợp tác xã nông nghiệp đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm và lãi trên 400 triệu đồng/năm, điển hình như các hợp tác xã Minh Tân, Lê Lợi, Hợp Hưng (Vụ Bản), Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng)… Đối với tổ hợp tác, hiện tại có hàng nghìn mô hình đang hoạt động nhưng chỉ có 47 tổ hợp tác đăng ký hoạt động theo quy định của Nghị định số 151/2007/NĐ-CP. Doanh thu bình quân của tổ hợp tác có đăng ký năm 2018 đạt 440 triệu đồng/năm, lợi nhuận 23 triệu đồng/năm (tăng gần 5 lần so với năm 2003). Hoạt động của tổ hợp tác chủ yếu tập trung vào hỗ trợ vốn, sản xuất, trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau về thông tin và thị trường tiêu thụ sản phẩm, đề cao tinh thần tương thân, tương ái, vì cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Trưởng thành từ cái nôi hợp tác xã kiểu cũ, qua nhiều lần chuyển đổi, thực hiện theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và nỗ lực đổi mới, tiếp cận quy trình sản xuất tiên tiến, đến nay thành công với mô hình sản xuất rau an toàn được đánh giá là cuộc “cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) Nguyễn Văn Dự cho biết: trước xu thế thị trường tiêu dùng và yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động, là cầu nối gắn kết người dân trong sản xuất, hợp tác xã chọn phương án tổ chức cho nhân dân sản xuất rau an toàn theo công nghệ hiện đại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện tại, sản phẩm rau hữu cơ canh tác trên diện tích 7ha của hợp tác xã luôn được xuất khẩu và tiêu thụ ở thị trường trong nước với giá cao. Ngoài điển hình Nam Cường, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác khác cũng đang đổi mới sản xuất, đổi mới phương pháp quản lý phù hợp với thị trường như mô hình Hợp tác xã Toàn Thắng xã Hải Toàn (Hải Hậu) với sản phẩm đặc trưng là gạo đặc sản các loại, trong đó sản phẩm gạo tám bao tử canh tác theo quy trình hữu cơ được tiêu thụ trên thị trường với giá gấp 3 lần so với sản phẩm cùng loại khác; Hợp tác xã Bốn Thuận, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) tổ chức dịch vụ cung ứng gạo sạch cho các bếp ăn tập thể trên toàn quốc với sản lượng 1.000 tấn/tháng; Hợp tác xã cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường) chuyên sản xuất các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp; Hợp tác xã chăn nuôi Sơn Nam (Hải Hậu), Hợp tác xã rau sạch Trường Xuân (Giao Thủy), Hợp tác xã Hoa cây cảnh Nam Phong (Thành phố Nam Định). Thành công trên không chỉ khẳng định chủ trương, chính sách tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế tập thể là đúng đắn, phù hợp với thực tế địa phương mà còn ghi dấu sự nỗ lực của các hợp tác xã trong việc nêu cao nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tổ chức hoạt động khép kín từ sản xuất tới thu hoạch, tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên.

Đồng chí Vũ Đình Mạc, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết: Nguyên nhân chính của những tồn tại do nhận thức của nông dân và một bộ phận cán bộ, đảng viên ở nông thôn về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa thật đầy đủ và rõ ràng; chưa hiểu đầy đủ, sâu sắc, thậm chí hiểu chưa đúng về bản chất của mô hình hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã. Các cấp chính quyền ở một số địa phương chưa thực sự chú ý, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; công tác quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa được quan tâm đúng mức, lực lượng công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể vừa thiếu về số lượng vừa hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ. Khung chính sách pháp luật về phát triển kinh tế tập thể chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, tính khả thi thấp. Năng lực nội tại của khu vực kinh tế tập thể yếu, sức cạnh tranh kém so với các khu vực kinh tế khác. Công tác tuyên truyền vận động phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều hạn chế. Bản thân các hợp tác xã và thành viên hợp tác xã còn nặng tư tưởng trông chờ vào sự giúp đỡ, bao cấp của Nhà nước, chưa chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vấn đề đặt ra để phát triển kinh tế tập thể là phải giải quyết tốt 4 nội dung cơ bản: mỗi hợp tác xã cần phải xây dựng lực lượng đủ mạnh trong lĩnh vực của mình, ít nhất là có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, giỏi chuyên môn, các thành viên nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của hợp tác xã; nâng cao năng lực quản trị, khắc phục tình trạng sản xuất, kinh doanh trong cơ chế thị trường nhưng không biết nhu cầu, diễn biến thị trường đối với nhóm hàng đó; đẩy mạnh liên kết giữa các hộ dân, các hợp tác xã và hình thành doanh nghiệp trong hợp tác xã tạo thành liên hiệp hợp tác xã theo chuỗi giá trị hoàn thiện từ khâu sản xuất nguyên liệu đến tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với xây dựng nhãn hiệu, chứng nhận xuất xứ cho từng sản phẩm và phải đổi mới nhận thức của các cấp, các ngành, thành phần kinh tế và quần chúng nhân dân về vị trí, vai trò của hợp tác xã nông nghiệp, hạn chế sự can thiệp của chính quyền làm hành chính hóa hoạt động hợp tác xã.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế yếu kém của kinh tế hộ phân tán, góp phần cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh hướng tới nông nghiệp thông minh, thích ứng và hiệu quả cao, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định tiếp tục phát triển toàn diện kinh tế tập thể gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp với các mục tiêu cụ thể về số lượng hợp tác xã được thành lập mới tới năm 2030 có 95% số hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có lãi, có tích lũy; có 70-80% số hợp tác xã nông nghiệp tham gia các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực và chương trình OCOP ở địa phương; xây dựng được 60 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, trong đó đến cuối năm 2025 có 40 hợp tác xã. Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh yêu cầu phải xử lý dứt điểm các hợp tác xã yếu; nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã; thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Theo đó, ngay trong năm 2019 các hợp tác xã yếu kém phải tự hoàn thành việc giải thể. Các hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả sẽ được tạo điều kiện tiếp cận Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã và Quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế của Hội Nông dân để vay vốn đầu tư phát triển nhưng phải chuyển đổi toàn diện theo 5 nội dung hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012; chủ động đổi mới phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; nâng cao chất lượng phục vụ và phát triển quy mô các dịch vụ đang thực hiện, phát triển thêm các dịch vụ mới. Phát huy năng lực các hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện để các hợp tác xã tham gia vào chương trình phát triển nông sản chủ lực của địa phương; tham gia chương trình mỗi xã 1 sản phẩm; hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật sản xuất và cung cấp kiến thức, thông tin thị trường; hướng dẫn và tạo điều kiện để các hợp tác xã được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước và tiếp cận các nguồn vốn vay, các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Ưu tiên lựa chọn công nghệ, lựa chọn lĩnh vực áp dụng để xây dựng mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong canh tác, nuôi trồng, bảo quản; công nghệ tự động hóa, bán tự động và công nghệ tin học trong quản lý và kinh doanh của hợp tác xã./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com