Qua 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở vật chất nói chung ở nông thôn tỉnh ta đã chuyển biến vượt bậc, điều kiện làm việc, sinh hoạt của người dân nông thôn được cải thiện, đổi thay mạnh mẽ. Cùng với hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, phúc lợi xã hội điện, đường, trường, trạm…, cơ sở vật chất đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn cũng được đầu tư đạt nhiều kết quả hết sức tích cực.
Tuy nhiên, như ý kiến của đồng chí Phạm Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cùng nhiều đại biểu khác nêu tại Hội thảo “Đánh giá các giải pháp và bài học kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp” do Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức mới đây, thì đạt chuẩn về môi trường đã khó, giữ được chuẩn mới càng khó hơn, nan giải hơn. Trong đó, nguyên nhân khách quan là sự thay đổi quy định về tiêu chí môi trường nông thôn mới với các yêu cầu cao hơn do yêu cầu hoàn thiện tiêu chí môi trường ở các giai đoạn xây dựng nông thôn mới là khác nhau. Một loạt các xã có làng nghề được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn trước nếu không hoàn chỉnh phương án bảo vệ môi trường theo quy định thì có thể bị thu hồi quyết định công nhận; một số làng nghề, ngành nghề nông thôn đang hoạt động, mang lại nguồn thu nhập cho người dân nông thôn nếu không có giải pháp xử lý môi trường đạt yêu cầu theo quy định pháp luật thì buộc phải cưỡng chế dừng sản xuất. Cũng theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, “vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn còn nhiều bất cập, trong đó các quy chuẩn Việt Nam về khoảng cách an toàn của công trình chưa thực sự phù hợp với điều kiện mật độ dân cư khu vực nông thôn vùng đồng bằng”. Việc thu gom xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn được thực hiện theo phạm vi quản lý của các xã, thị trấn dẫn đến việc thu gom, xử lý rác thải ở các khu vực giáp ranh giữa các địa phương đang bị “bỏ trống” dẫn đến nhiều vùng giáp ranh, khu vực bờ đê, kênh mương trở thành nơi tập kết rác vô tội vạ của những người thiếu ý thức, trách nhiệm với cộng đồng kéo theo nhiều hệ lụy tai hại như gây ô nhiễm môi trường cảnh quan, lây nhiễm, lưu giữ và phát sinh bệnh dịch cho người và cây trồng, vật nuôi, hư hại đê điều…
Công tác bảo vệ môi trường ở các làng nghề nông thôn cũng đứng trước nhiều vấn đề khó khăn, bất cập, trong đó hạn chế về ý thức, trách nhiệm xã hội, cộng đồng của người sản xuất là một vấn đề không nhỏ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, chương trình xây dựng nông thôn mới nói riêng, việc khuyến khích phát triển các làng nghề nông thôn (bao gồm cả làng nghề truyền thống và làng nghề mới) là một nhiệm vụ, giải pháp nhằm nhiều mục tiêu thu hút đầu tư về nông thôn giải quyết việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn… Để ưu tiên các mục tiêu này, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, công tác bảo vệ môi trường trong phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức dẫn đến những tồn tại, bất cập mà việc xử lý khắc phục không đơn giản. Tỉnh ta có một số làng nghề truyền thống, làng nghề mới phát triển có tính đặc thù (như làng nghề mây tre đan ở Ý Yên, làng nghề cơ khí, tái chế nhôm ở xã Nam Thanh huyện Nam Trực, xã Hải Vân huyện Hải Hậu…) mà quá trình sản xuất gây nhiều tác động tiêu cực cho môi trường, đòi hỏi các giải pháp xử lý hết sức tốn kém vượt quá khả năng của cơ sở. Đối với các làng nghề này, đáng chú ý là người sản xuất dù thu lợi nhuận không nhỏ song thiếu trách nhiệm trong việc đầu tư cho xử lý chất thải để bảo vệ môi trường sống an toàn cho bản thân, gia đình họ và cộng đồng tại địa phương. Tại làng nghề Bình Yên xã Nam Thanh, thậm chí Nhà nước đổ tiền đầu tư công trình xử lý môi trường cho làng nghề, đến khi bàn giao lại thì địa phương và người sản xuất không tiếp tục duy trì vận hành. Và các hộ làm nghề cứ tiếp tục sản xuất kinh doanh thu lợi, “đầu độc” môi trường chung, còn cộng đồng gánh chịu hậu quả nặng nề cho đời sống, sức khỏe không chỉ trước mắt mà cả lâu dài. Theo đồng chí Phạm Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, thì mặc dù pháp luật quy định rõ thẩm quyền của chính quyền cấp xã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường của tổ chức, cá nhân từ 3-5 triệu đồng, nhưng cho đến nay tại xã Nam Thanh (Nam Trực) chưa xử phạt một trường hợp nào. Anh Sơn cũng cho biết, kinh nghiệm vừa qua tại huyện Giao Thủy, khi phát hiện 1 hộ dân cũng tự học nghề cô nhôm đưa về địa phương làm sinh kế. Khi Sở Tài nguyên và Môi trường nắm được thông tin đã chỉ đạo huyện kiểm tra, rà soát quy định pháp luật liên quan, kiên quyết cưỡng chế ngăn chặn ngay khi hộ sản xuất không đảm bảo các yêu cầu quy định, không để tồn tại và phát sinh thêm nhiều hộ mới dẫn đến khó xử lý khắc phục hậu quả.
Kinh nghiệm trên thế giới cũng cho thấy đầu tư để xử lý khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất lớn hơn rất nhiều đầu tư từ ban đầu. Thực tế tại các làng nghề ở tỉnh ta cũng như nhiều nơi trên cả nước thời gian qua đã cho thấy những hệ lụy tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội, sức khỏe, an ninh trật tự xã hội do việc không thực hiện nghiêm ngay từ đầu các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; phát triển kinh tế không gắn với bảo vệ môi trường. Làn sóng các nước Đông Nam Á từ chối nhập khẩu rác từ các nước phát triển như Mỹ, Canada mới đây cho thấy vấn đề xử lý rác thải và môi trường không chỉ là vấn đề “đau đầu” với các nước đang phát triển mà cả các nước phát triển, các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Các nước giàu đã tìm cách giảm hệ lụy tiêu cực do việc xử lý chất thải, rác thải tại nước họ bằng cách “xuất khẩu rác sang các nước đang và kém phát triển”?! Một số quốc gia Đông Nam Á đã thể hiện thái độ, trách nhiệm với môi trường, tương lai bằng cách kiên quyết trả lại số rác nhập khẩu này!
Chi phí “phòng bệnh” luôn rẻ hơn “chữa bệnh”. Còn nhớ trước đây, một cuộc điều tra tại làng rèn Vân Chàng, Thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực đã cho thấy một kết quả “giật mình” về tuổi thọ bình quân của người dân ở đây thấp hơn tuổi thọ bình quân chung của cả nước, đến nỗi có người gọi đây là “làng nghề tổn thọ”. Một trong những nguyên nhân gây hại cho sức khỏe người dân khi đó được xác định là tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí do các chất độc hại thải ra từ quá trình sản xuất của làng nghề. Sau đó đã có một loạt dự án với sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài đổ vào để xử lý cải tạo môi trường làng nghề, thay đổi tư duy, nhận thức và hành vi của người sản xuất để cứu môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân địa phương. Làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh mới có khoảng 30 năm tuổi, tạo sinh kế cho khoảng 50% số hộ dân của xã song đã nhiều lần các cơ quan chuyên môn và chính người địa phương phải lên tiếng “kêu cứu” vì gây ô nhiễm môi trường, nhiều dự án với tổng chi phí gần 90 tỷ đồng đã đổ vào để khắc phục. Tại hội thảo đánh giá các giải pháp và bài học kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp qua gần 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã đưa ra một loạt giải pháp từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, vấn đề quản lý, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường làng nghề… đến công tác tuyên truyền vận động, giáo dục, xây dựng nếp sống văn hóa trong bảo vệ môi trường, làm cho mỗi người dân phải là một nhân tố tích cực bảo vệ, gìn giữ môi trường, kiên quyết đấu tranh với các hành vi gây hại cho môi trường. Đặc biệt công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp xả thải, vi phạm về bảo vệ môi trường cần đảm bảo tính kịp thời, trách nhiệm vì mục tiêu chung, không né tránh, trông chờ cấp trên. Có như vậy mới đảm bảo giữ vững chất lượng tiêu chí môi trường nông thôn mới, để các miền quê thực sự phát triển hiện đại và an toàn./.
Vân Thi