Tăng cường công tác quản lý, phát triển rừng

08:05, 15/05/2019

Tỉnh ta có trên 3.100ha rừng, chủ yếu là rừng ngập mặn và phi lao tập trung ở ven biển. Là tỉnh chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu nên mặc dù diện tích không nhiều nhưng các khu rừng này vẫn có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đê biển, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản… Do đó, những năm qua, tỉnh đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiện có.

Trồng thí nghiệm cây bần không cánh ngoài thực tiễn tại cửa sông Ba Lạt (Giao Thủy).
Trồng thí nghiệm cây bần không cánh ngoài thực tiễn tại cửa sông Ba Lạt (Giao Thủy).

Do biến đổi khí hậu, cùng mức sụt lún hàng năm, vùng ven biển ở tỉnh ta thường chịu tác động rất lớn của mực nước biển dâng. Sự thay đổi dòng chảy, các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều, mực nước biển dâng cao kết hợp với triều cường và sóng biển gây ảnh hưởng ngày một nhiều hơn tới diện tích rừng ngập mặn. Các cơn bão lớn, áp thấp nhiệt đới, đợt rét đậm trong những năm qua cũng làm thiệt hại, khiến diện tích rừng ven biển của tỉnh suy giảm. Trong khi đó, công tác trồng và phát triển rừng ngập mặn cũng gặp nhiều khó khăn khi rừng non mới trồng thường bị con hà bám làm cây sinh trưởng kém, dễ bị chết. Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và chủ rừng để bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng bằng nhiều hình thức như: cắm biển cảnh báo, phát tờ rơi, tuyên truyền trên đài phát thanh của huyện, xã… Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc chủ rừng và chính quyền các xã có rừng thực hiện nghiêm quy định về phòng cháy, chữa cháy tại các khu rừng có nguy cơ cháy cao. Cùng với công tác tuyên truyền, UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy và chính quyền các xã có rừng thường xuyên tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép… Trong năm 2018, các lực lượng đã phát hiện, xử lý hành chính 6 vụ vi phạm về quản lý rừng và bảo vệ lâm sản, thu nộp ngân sách Nhà nước 45,4 triệu đồng. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên cập nhật số liệu, diễn biến rừng; tiến hành lập hồ sơ và giao khoán bảo vệ rừng ngay từ đầu năm. Đến nay, toàn bộ diện tích rừng của tỉnh cơ bản được bảo vệ tốt, trong khoảng 5 năm trở lại đây không để xảy ra vụ cháy rừng nào. Trong công tác sử dụng và phát triển rừng, tỉnh đang triển khai một số dự án như: dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2020; dự án giảm sóng, ổn định bãi và trồng rừng ngập mặn bảo vệ nam Cồn Xanh huyện Nghĩa Hưng; dự án đầu tư phát triển vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Thủy. Năm 2018, tỉnh đã trồng được gần 20ha rừng phòng hộ ven biển, trồng bổ sung, làm giàu 113ha rừng; trồng 500 nghìn cây phân tán. Trước thực trạng một số loại cây không thích ứng kịp với biến đổi khí hậu và bị chết làm giảm diện tích rừng ngập mặn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Vườn quốc gia Xuân Thủy thực hiện các nghiên cứu, đánh giá tập đoàn cây ngập mặn nhằm lựa chọn ra loại cây trồng phù hợp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cây bần không cánh là một trong các loại cây trồng ngập mặn có ưu thế về sinh khối, sinh thái, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và đáp ứng tốt mục đích phát triển hệ sinh thái dải rừng ngập mặn ven biển ở tỉnh ta. Tuy vậy nguồn giống cây bần không cánh hiện đang khá hạn chế, nếu chỉ chờ tái sinh tự nhiên sẽ không thể đáp ứng nhu cầu trồng cây tôn tạo cảnh quan môi trường và phòng hộ ven biển của tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Vườn quốc gia Xuân Thủy thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng quy trình gieo ươm và trồng cây bần không cánh góp phần phục hồi, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển tỉnh Nam Định”. Trong năm 2018, đề tài đã thực hiện khảo sát, lựa chọn địa điểm, thiết kế và xây dựng các công thức gieo ươm, nhân giống hữu tính cây bần không cánh; cuối tháng 3-2019 đã hoàn thành nhân giống hữu tính và đưa cây giống ra trồng thực nghiệm tại khu vực bãi bồi cửa Ba Lạt (Giao Thủy). Thành công này sẽ là cơ sở để tỉnh tổ chức sản xuất tại chỗ giống cây bần không cánh ổn định, đủ tiêu chuẩn, chất lượng nhằm đáp ứng kế hoạch phát triển rừng cũng như tôn tạo cảnh quan, môi trường sinh thái ven biển tỉnh ta trong những năm tới.

Thời gian tới, tỉnh triển khai thực hiện các quy định mới của Luật Lâm nghiệp năm 2018. Tiếp tục tập trung chỉ đạo quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ và rừng ngập mặn hiện có với nhiều giải pháp: Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân tham gia ngăn chặn các hành vi phá rừng. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ triển khai tích cực các dự án, chương trình trồng rừng. Xây dựng các mô hình đồng quản lý rừng, sử dụng khôn khéo các nguồn lợi từ rừng ngập mặn, đảm bảo sinh kế của người dân sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản dưới tán rừng nhưng không làm ảnh hưởng đến rừng. Thực hiện tốt quy chế chia sẻ lợi ích và quản lý, phát triển bền vững Vườn quốc gia Xuân Thủy./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com