Nằm cách Thành phố Nam Định (trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh) khoảng 35km, huyện Hải Hậu tiếp giáp với các huyện: Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh và Nghĩa Hưng. Với bờ biển dài 32km; nằm trên tuyến đường trục phát triển kinh tế ven biển nối với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, huyện Hải Hậu được định hướng phát triển thành một trong những trung tâm văn hóa, xã hội, kinh tế của tỉnh; trọng điểm là phát triển kinh tế biển với những mũi nhọn như: công nghiệp chế biến, dịch vụ - thương mại, du lịch và thủy sản. Để thực hiện mục tiêu trên, huyện Hải Hậu đã lập quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND tỉnh phê duyệt.
Một góc nông thôn mới xã Hải Hưng. |
Theo quy hoạch được phê duyệt, huyện đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 12%/năm, giai đoạn 2021-2030 đạt 13,4%; giá trị sản xuất bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 397 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế dần chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng giá trị các ngành công nghiệp và xây dựng lên 49%, giảm dần và giữ vững tỷ trọng nông, lâm, thủy sản 21%, còn lại là dịch vụ thương mại. Để đạt được mục tiêu đó, huyện Hải Hậu đã chủ động phân định 3 tiểu vùng không gian phát triển theo mô hình đa cực. Trong đó lấy các đô thị trung tâm và vùng phát triển kinh tế làm hạt nhân, từ đó phát triển các khu vực xung quanh. Vùng miền thượng của huyện lấy Thị trấn Yên Định trung tâm huyện lỵ làm hạt nhân phát triển, phát triển ra các xã xung quanh qua các trục đường chính (Quốc lộ 21, Quốc lộ 37B và các tuyến đường huyện). Đây là vùng phát triển đồng đều cả sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, dịch vụ - thương mại dựa trên sự phát triển của khu vực Thị trấn Yên Định; vùng sản xuất nông nghiệp của các xã: Hải Hà, Hải Lộc, Hải Quang và các cụm công nghiệp: Hải Hưng, Hải Thanh, Yên Định. Không gian vùng miền trung của huyện lấy khu vực Thị trấn Cồn làm hạt nhân phát triển ra xung quanh qua các trục đường chính là Quốc lộ 21, tỉnh lộ 488C và các tuyến huyện lộ. Đây là vùng tập trung phát triển các lĩnh vực: thương mại dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ kết hợp với sản xuất nông nghiệp do nằm tiếp giáp với Khu kinh tế Ninh Cơ, có Khu bảo tồn chứng tích biến đổi khí hậu nhà thờ đổ Xương Điền, xã Hải Lý và vùng sản xuất nông nghiệp của các xã: Hải Xuân, Hải Đông. Không gian phát triển vùng miền hạ của huyện lấy Khu Kinh tế Ninh Cơ, trong đó có Thị trấn Thịnh Long làm hạt nhân phát triển về kinh tế biển (với các mũi nhọn là: du lịch, dịch vụ vận tải biển, thủy sản) và công nghiệp nhiệt điện qua các trục đường chính là Quốc lộ 21, Quốc lộ 21B và các trục huyện lộ. Đến năm 2030, quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Hậu xác định 2 mũi nhọn phát triển kinh tế tổng thể là Khu kinh tế Ninh Cơ và khu vực phát triển tổng hợp đô thị, thương mại, dịch vụ, công nghiệp. Khu Kinh tế Ninh Cơ đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập và bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020 có tổng diện tích khoảng 13.950ha nằm trên địa bàn 2 huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu. Trong đó, huyện Hải Hậu có 4 xã, thị trấn là: Hải Ninh, Hải Châu, Hải Hòa, Thịnh Long. Không gian phát triển Khu Kinh tế Ninh Cơ gồm cả Thị xã Thịnh Long (trong tương lai), Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1 và khu du lịch biển. Khi hoàn thành sẽ là trung tâm lớn trong giao thương quốc tế về công nghiệp, thương mại, du lịch và cảng biển lớn của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, là động lực lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Khu vực phát triển tổng hợp đô thị, thương mại, dịch vụ và công nghiệp, tập trung tận dụng lợi thế về giao thông đường bộ do sẽ đầu tư xây dựng đường trục kết nối trung tâm huyện; hai bên tuyến đường sẽ quy hoạch diện tích khoảng 200ha (thuộc ranh giới các xã: Hải Hưng, Hải Bắc và Thị trấn Yên Định) để phát triển đô thị, thương mại dịch vụ và sản xuất công nghiệp. Theo quy hoạch, dự báo đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn huyện sẽ đạt khoảng 35%. Giai đoạn đến năm 2020 huyện sẽ có 2 đô thị loại V là các thị trấn: Cồn, Yên Định; 1 đô thị loại IV Thịnh Long (gồm địa giới hành chính của 3 xã, thị trấn là: Thịnh Long, Hải Châu, Hải Hòa). Đến năm 2030 huyện sẽ có 4 đô thị loại IV là: Thị trấn Yên Định, Thị trấn Cồn, đô thị Hải Phú và đô thị du lịch Hải Đông; 1 đô thị loại III (đô thị Thịnh Long kết hợp với đô thị Rạng Đông huyện Nghĩa Hưng trở thành trung tâm phía nam của tỉnh) tập trung phát triển các mũi nhọn: dịch vụ, thương mại, du lịch và kinh tế biển. Đến năm 2050 nâng cấp đô thị Thịnh Long và Rạng Đông lên đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Trong lĩnh vực kinh tế, huyện Hải Hậu chủ trương thành lập 3 trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ tại các khu vực: Thị trấn Cồn, Thị trấn Yên Định và đô thị Thịnh Long. Phát triển toàn diện sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao thông qua thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2030 ngành Nông nghiệp của huyện phát triển toàn diện, bền vững trên cả 3 lĩnh vực: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp áp dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp sản xuất và phân phối điện khi Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1 hoàn thành đi vào hoạt động; công nghiệp chế biến, cơ khí, dệt may - da giày, sản xuất vật liệu xây dựng; củng cố và phát triển các làng nghề hiện có; tập trung đầu tư xây dựng và tăng cường công tác thu hút đầu tư vào 9 cụm công nghiệp với tổng diện tích 230,6ha đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 4-4-2017. Về phát triển thương mại, dịch vụ huyện chủ trương phát triển đồng bộ, rộng khắp ở các địa phương theo các lĩnh vực: dịch vụ vận tải biển, dịch vụ tài chính - ngân hàng, xuất nhập khẩu... để phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân, hướng tới thị trường trong nước và nước ngoài. Hệ thống hạ tầng giao thông, điện lực, cấp thoát nước, thuỷ lợi… bám sát theo các quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch chung của toàn tỉnh.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Hậu là cơ sở để huyện và các xã, thị trấn cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng khung có định hướng trên địa bàn huyện. Với quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Hải Hậu tự tin bước vào giai đoạn phát triển mới trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu và nâng cao với những mũi nhọn phát triển: kinh tế biển, công nghiệp, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp sinh thái bền vững./.
Bài và ảnh: Thành Trung