Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trên quy mô toàn cầu, với tốc độ nhanh, trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đem lại nhiều cơ hội, nhưng cũng rất nhiều thách thức đòi hỏi các ngành, các lĩnh vực phải dựa vào công nghệ, tích cực đổi mới sáng tạo để thích ứng kịp thời. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình mới sẽ tạo ra những đột phá, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Sản xuất vật tư y tế tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Thương mại An Lành, cụm công nghiệp An Xá (Thành phố Nam Định). |
Hiện tỉnh ta đang triển khai thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” với mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Ngày 10-7-2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh với các nội dung: hỗ trợ xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, các hoạt động nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ các hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, phát triển kênh thương mại; hỗ trợ tham gia các giải thưởng: Chất lượng quốc gia, Chất lượng quốc tế, giải thưởng Khoa học và Công nghệ, các chương trình bình chọn về chất lượng và thương hiệu; các hội chợ triển lãm liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ; hỗ trợ chi phí đổi mới, chuyển giao công nghệ đối với các hợp đồng chuyển giao công nghệ có đăng ký chuyển giao được Sở Khoa học và Công nghệ xác nhận. Những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ trên 200 doanh nghiệp về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng; hỗ trợ trên 20 doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ, một số doanh nghiệp đã tham gia và đạt giải thưởng chất lượng trong nước và quốc tế. Điển hình là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Dược được giải vàng Chất lượng quốc gia 2 năm liên tiếp 2013-2014 và được giải Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2015 do Tổ chức Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương trao tặng. Ngoài ra, từ năm 2014-2017 tỉnh còn có các doanh nghiệp: Công ty Cổ phần May Nam Hà, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Thương mại An Lành, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đình Mộc đạt giải Chất lượng quốc gia… Thực hiện nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhằm khuyến khích nghiên cứu đổi mới sáng tạo, đến nay, toàn tỉnh đã có 2 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân, xã Trực Hùng (Trực Ninh) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Thiên Phú, xã Xuân Tiến (Xuân Trường). Đây là 2 doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh tập trung đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ; tổ chức nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ và nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học phục vụ sản xuất và đời sống. Thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 2848/QĐ-UBND ngày 9-12-2016 của UBND tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có trên 2.500 đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và 1.440 văn bằng được cấp, đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra, từ năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực chỉ đạo thực hiện đề án xây dựng Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo sự liên kết giữa nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ; thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ; tạo môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển giao, đổi mới công nghệ, nâng cao sức sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp; ưu tiên thu hút chất xám, công nghệ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị cao; bảo quản, chế biến nông sản, thủy sản… và một số lĩnh vực khác.
Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh còn đang khá mới mẻ. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp chính là việc doanh nghiệp hình thành ý tưởng, kết nối thị trường và tổ chức sản xuất. Để duy trì mô hình, dự án doanh nghiệp cần phải có kiến thức về quản lý, kinh doanh, kết nối vốn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên tại tỉnh ta, việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin về các nguồn đầu tư, các chương trình và tổ chức hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là thông tin về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Các doanh nghiệp khởi nghiệp thiếu vốn tự có, còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để triển khai các dự án kinh doanh; khó khăn trong việc chứng minh tiềm năng phát triển để thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm từ các quỹ, các nhà đầu tư. Trên thực tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh ta thường phải “tự lực” nhiều trong vấn đề tài chính và thường bỏ dự án giữa chừng do thiếu vốn. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cho rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp mới chỉ thuyết trình mạch lạc dự án kinh doanh của mình hoặc quá đề cao ý tưởng mà chưa hiểu sâu sắc về việc phát triển một mô hình kinh doanh hiệu quả.
Để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và đơn vị liên quan tập trung tuyên truyền, phổ biến Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh đến năm 2025 và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh. Cung cấp thông tin công nghệ, sáng chế, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ; sản phẩm, dịch vụ mô hình kinh doanh mới đến cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Xây dựng trang thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tích hợp trên Trang thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ và Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Xây dựng quỹ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh nhằm hỗ trợ kịp thời đến doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có ý tưởng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hiệu quả. Thực hiện các chuyên đề, phóng sự về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tuyên truyền, phổ biến các điển hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công của tỉnh, quốc gia và quốc tế. Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về khởi nghiệp nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng quản lý điều hành doanh nghiệp, kỹ năng khởi sự kinh doanh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Thiết lập mạng lưới liên kết giữa các sở, ban, ngành; các trường đại học, cao đẳng, các đoàn thể; các hội ngành nghề, hội doanh nghiệp; các tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất - kỹ thuật… nhằm hỗ trợ hoạt động kết nối trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực có liên quan đến doanh nghiệp để hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sớm gia nhập thị trường với thời gian và chi phí hợp lý./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh