Bồi dưỡng xây dựng đội ngũ công nhân thời đại công nghiệp 4.0

08:05, 02/05/2019

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, còn gọi là cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, đặt ra yêu cầu không chỉ các doanh nghiệp phải vào cuộc đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ mà bản thân người lao động cũng phải có ý thức học tập và rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, tác phong để thích ứng với xu thế hội nhập. Với hơn 80 nghìn công nhân, lao động công tác tại các nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh việc nỗ lực học hỏi, phát huy sáng tạo để nắm bắt nhanh các tiến bộ khoa học, công nghệ là yêu cầu bức thiết để bảo đảm khả năng hội nhập, cơ hội việc làm, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ công nhân lao động theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Công nhân tổ cơ điện Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định nghiên cứu cải tiến thiết bị tiết kiệm điện.
Công nhân tổ cơ điện Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định nghiên cứu cải tiến thiết bị tiết kiệm điện.

Đã ngoài 50 tuổi, ngoài giờ làm việc, anh Dương Văn Khang, cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần May Nam Hà, tác giả của nhiều giải pháp cải tiến kỹ thuật lại cặm cụi tay sách, tay bút ghi chép những ký tự bàn phím máy tính, những câu lệnh cơ bản của phần mềm điều hành sản xuất hệ thống dây chuyền treo thông minh mà Công ty mới đầu tư trang bị. Anh cho biết: Mặc dù không trực tiếp đứng máy nhưng là kỹ thuật viên nên chúng tôi tự nhắc mình phải hiểu biết tất cả những kỹ thuật liên quan đến sản xuất tại phân xưởng. Trước đây với chuyền may thủ công, chúng tôi thuộc như lòng bàn tay mọi chi tiết máy, máy móc nên có hỏng hóc trục trặc ở đâu, chỉ cần nghe công nhân mô tả hiện tượng là đã có phương án sửa chữa, khắc phục nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu tiến độ sản xuất của cả dây chuyền. Công ty thực hiện đổi mới công nghệ đưa vào sử dụng hệ thống chuyền treo thông minh, chúng tôi phải học, tìm hiểu tất cả các thao tác, quy trình vận hành… của công nghệ để có biện pháp khắc phục khi phát sinh lỗi kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Với tinh thần trách nhiệm, ý thức tự học tập nâng cao tay nghề kỹ thuật nghiệp vụ của tập thể cán bộ Phòng Kỹ thuật đã giúp việc đổi mới công nghệ đưa dây chuyền mới vào khai thác và hợp lý hóa quy trình lao động của Công ty được nhanh chóng, tiết kiệm thao tác, thời gian, góp phần tăng năng suất lao động lên đến 4 lần, chất lượng sản phẩm ổn định. Để đáp ứng đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngoài việc đầu tư đổi mới công nghệ, Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định còn chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho phù hợp với bối cảnh nền sản xuất yêu cầu công nghệ mới được ưu tiên hàng đầu thông qua việc tuyển chọn lao động đầu vào có trình độ cao; cử cán bộ, công nhân viên đi đào tạo ngắn hạn; học tập kinh nghiệm thực tế tại các tập đoàn sản xuất lớn trong toàn quốc. Từ năm 2017 đến nay, hơn 40 cán bộ chủ chốt của Tổng Công ty và các nhà máy thành viên được luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng; gần 1.000 lượt công nhân được cử đi đào tạo nâng cao trình độ và học tập chuyên môn nghiệp vụ đảm bảo đáp ứng yêu cầu sử dụng, khai thác hiệu quả thiết bị công nghệ mới; liên tục nghiên cứu cải tiến thiết bị, hợp lý hóa lao động… Nhà máy Sợi Hòa Xá đã được Tổng Công ty đầu tư công nghệ hiện đại với tỷ lệ tự động hóa cao trên 50%, với quy mô 3,12 vạn cọc sợi, công suất 7.000 tấn/năm nhưng nhà máy chỉ cần 210 cán bộ, công nhân thay cho khoảng 500 lao động như trước đây. Đồng chí Nguyễn Quang, phụ trách Nhà máy Sợi Hòa Xá cho biết: Dây chuyền công nghệ mới đòi hỏi mỗi công nhân lao động phải tự học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn. Ngoài chương trình đào tạo nâng cao tay nghề do Nhà máy Sợi tổ chức, nhiều công nhân tự tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về tự động hóa, công nghệ thông tin, quản lý nhân sự… Nhờ đó đến nay, Nhà máy có trên 30% cán bộ, công nhân có trình độ đại học, cao đẳng. Chính lực lượng lao động có tri thức, chất lượng cao này đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất, đặc biệt đã giải quyết nhiều khó khăn liên quan đến công nghệ mới. Trong đó, các kỹ sư ở tổ điện, tổ cơ khí đã nghiên cứu thành công việc lắp đặt bộ phận cảm biến chiều dài dung lượng quả sợi; kết nối các máy nén khí trục khít với nhau hay bổ sung biến tần đối với hầu hết các loại máy…, góp phần giảm lượng điện năng tiêu thụ và tăng năng suất lao động của công nhân. Ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thắng Lợi, Cụm công nghiệp An Xá (Thành phố Nam Định), công nhân kỹ thuật đã thành công trong việc nghiên cứu phương pháp khai thác hiệu quả dây chuyền đúc tự động trị giá đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng, công suất 10 nghìn tấn/năm, bằng công nghệ làm khuôn cát tươi của hãng DISAMATIC (Đan Mạch). Giám đốc Công ty Phùng Đình Thông cho biết: Mặc dù được đánh giá là công nghệ tiên tiến bậc nhất hiện nay và hoàn toàn tự động, điều khiển qua chương trình đã lập trình sẵn nhưng để khai thác hiệu quả thiết bị ở các khâu từ chuẩn bị hỗn hợp làm khuôn tự động, lập trình điều khiển tự động; thí nghiệm nhanh, kiểm soát chặt chẽ các thông số hỗn hợp nguyên liệu; trộn hỗn hợp cao tốc TM 190-55; nấu hợp kim đúc được trong lò điện cảm ứng; làm nguội sản phẩm và tái sinh hỗn hợp cát trong tang quay dây chuyền băng tải lạnh... trong điều kiện yêu cầu các đơn hàng không giống nhau dẫn đến không sử dụng hết tất cả các chức năng của thiết bị cũng như yêu cầu phải tiết kiệm điện năng và xử lý nguyên vật liệu dư thừa sau sản xuất… là những yêu cầu đòi hỏi các cán bộ kỹ thuật của công ty phải nghiên cứu để có giải pháp. Tại làng nghề cơ khí xã Xuân Tiến (Xuân Trường), hơn chục doanh nghiệp thành viên của Hợp tác xã Khoa học công nghệ Thanh niên Xuân Trường đang tích cực nghiên cứu và ứng dụng các nghiên cứu khoa học vào thực tiễn. Hợp tác xã đã thành công trong nghiên cứu, chế tạo nhiều sản phẩm như: công nghệ xử lý rác thải, máy đóng bịch nấm liên hoàn, máy thu gom và băm rơm, rạ làm thức ăn chăn nuôi hoặc sử dụng chế phẩm sinh học ủ làm phân bón; máy nghiền thức ăn chăn nuôi. Anh Trần Sơn Ca, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Thuận Phát đã chế tạo thành công nhiều sản phẩm máy nông cụ như dây chuyền nghiền đất tự động, dây chuyền sản xuất muối sấy cho biết: Là lớp thanh niên của làng nghề truyền thống, ngoài nhiệm vụ kinh doanh, kiếm tiền cho bản thân và gia đình, chúng tôi đang nỗ lực tập trung đầu tư công sức cho việc nghiên cứu công nghệ, chế tạo ra nhiều sản phẩm mới có hàm lượng khoa học công nghệ cao đáp ứng yêu cầu sản xuất, giữ vững thương hiệu và sự phát triển cho làng nghề.

Không ai có thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để đảm bảo việc làm trong bối cảnh thị trường lao động mới, công nghệ kỹ thuật phát triển nhanh, đặc biệt là công nghệ rô-bốt và trí tuệ nhân tạo… mỗi người lao động phải nhận thức và ý thức được trách nhiệm nỗ lực tự học tập, trang bị kiến thức để nâng cao kỹ năng, làm chủ công nghệ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com