Sản xuất theo chuỗi giá trị nâng cao thu nhập cho nông dân

08:04, 24/04/2019

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Với trách nhiệm của mình, những năm qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tập trung triển khai xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng các chuỗi cung cấp nông, thủy sản an toàn, kiểm soát được chất lượng từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ trên thị trường góp phần xây dựng thương hiệu, tạo lòng tin của người tiêu dùng vào chuỗi sản phẩm an toàn; hình thành thói quen, tập quán tiêu dùng thực phẩm có địa chỉ, nhãn mác hàng hóa, truy xuất được nguồn gốc của người dân.

Mô hình trồng bưởi diễn của gia đình ông Trần Văn Ấp, thôn La Xá, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) cho thu nhập cao.
Mô hình trồng bưởi diễn của gia đình ông Trần Văn Ấp, thôn La Xá, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) cho thu nhập cao.

Để tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận khoa học kỹ thuật, giao lưu với các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp để trao đổi thông tin, tiếp cận những thành tựu khoa học công nghệ mới, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tổ chức tư vấn, hỗ trợ, kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập. Đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh với 51 thành viên. Các huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng, Giao Thủy… cũng thành lập Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ hội nghề nghiệp do Hội Nông dân các cấp trong tỉnh chủ trì để giúp các hội viên liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, trao đổi kinh nghiệm, tìm đầu ra cho sản phẩm... Tiêu biểu như tổ hợp tác xã Giao Phong (Giao Thủy) tổ chức các dịch vụ thủy nông, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khoai tây giống… Hay tổ hợp tác nuôi cá bống bớp Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) hàng năm phối hợp với doanh nghiệp tiêu thụ hàng trăm tấn cá bống bớp cho thành viên; tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản, xã Hải Hòa (Hải Hậu) hợp đồng bao tiêu trên 500 tấn cá lóc bông mỗi năm. Các tổ hợp tác còn ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp tư nhân, Công ty AFB, Công ty Trường Khang (Hà Nội) hàng năm triển khai sản xuất và tiêu thụ 500-700 trăm tấn rau củ quả các loại cho nông dân. Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức cho hội viên xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết. Điển hình như chuỗi liên kết sản xuất gạo xuất khẩu của Hội Nông dân các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân hàng năm tổ chức liên kết, tiêu thụ hàng nghìn tấn gạo. Hội Nông dân xã Hải Toàn, Hải Lộc (Hải Hậu) thành lập tổ hợp tác trồng cây đinh lăng, cây thìa canh hợp đồng với Công ty Cổ phần Dược phẩm Traphaco, Công ty Cổ phần Nam Dược... bao tiêu hàng trăm tấn đinh lăng, dây thìa canh tươi mỗi năm.

Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở Công thương triển khai chương trình xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có sản phẩm. Trong đó, hàng năm, lựa chọn tham gia 10 gian hàng tại Hội chợ Thương mại - Công nghiệp do tỉnh tổ chức. Năm 2016 có một gian hàng tham gia Hội chợ tại cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng; năm 2018 tham dự một gian hàng hội chợ tại Hà Nội… Ngoài ra Hội Nông dân các huyện cũng đã tích cực phối hợp với Phòng Công thương huyện tổ chức Hội chợ thương mại, dịch vụ và nông nghiệp tại huyện để giới thiệu các sản phẩm của hội viên nông dân. Thông qua các chuỗi cung ứng, giá trị sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi ngày càng hiệu quả. Đặc biệt đã từng bước hình thành thói quen tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn cho người dân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, trên thực tế, quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, các hộ sản xuất chưa tổ chức liên kết thành hợp tác xã, tổ hợp tác do vậy sản phẩm cung cấp thị trường còn manh mún cả về số lượng và chất lượng. Tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp được sản xuất, phân phối tiêu thụ qua chuỗi giá trị còn thấp nên không thể tham gia vào hệ thống chuỗi cung ứng tại một số siêu thị trong nước hoặc phục vụ xuất khẩu… Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Đứng trước xu thế hội nhập của nền kinh tế hiện nay đòi hỏi ngành nông nghiệp tỉnh ta buộc phải chuyển đổi mạnh theo hướng hiện đại hóa và thương mại hóa, theo phương châm tăng giá trị, giảm đầu vào, hình thành các chuỗi giá trị trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm”. Để đạt được mục tiêu đó, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng quy trình sản xuất tốt; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp... tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước tham mưu với tỉnh xây dựng chiến lược cụ thể, kết hợp với doanh nghiệp quy hoạch sản phẩm đầu ra cho từng sản phẩm nông nghiệp nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân đối cung cầu. Cùng với đó, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã...  để đảm bảo nền sản xuất nông nghiệp hiện đại an toàn theo chuỗi giá trị; từ đó, gia tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống của lực lượng lao động trong nông nghiệp vốn có thu nhập thấp và không ổn định. Phối hợp với ngành Nông nghiệp thực hiện các hoạt động khuyến nông; đào tạo nghề, tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn và phát triển các hình thức liên kết sản xuất; xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế hợp tác sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản. Đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quản lý thị trường, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các sản phẩm đảm bảo yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm chiếm lĩnh thị trường trong, ngoài tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường đối với từng sản phẩm hàng hóa; tổ chức quản lý, sử dụng có hiệu quả các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và thương hiệu đã xây dựng, được bảo hộ gắn với phát triển chuỗi giá trị./.

Bài và ảnh: Thanh Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com