Để khai thác tiềm năng, lợi thế bờ biển dài 72km, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020) đã xác định tập trung đầu tư xây dựng vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực, phát triển bền vững, tạo thế ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế có lợi thế như: khai thác tài nguyên biển, vùng ven biển, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản; phát triển kinh doanh dịch vụ tại các khu du lịch ven biển hiện có, quy hoạch và xây dựng một số khu du lịch ven biển mới; hình thành một số khu công nghiệp, khu kinh tế trên các vùng đất nhiễm mặn để phát triển các ngành công nghiệp đóng, sửa chữa tàu thủy, dịch vụ, chế biến thủy sản, cảng, vận tải biển. Trong chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, tỉnh đặt mục tiêu, về lâu dài phải hình thành Khu kinh tế Ninh Cơ, từng bước hình thành thành phố ven biển Nghĩa Hưng, Hải Hậu.
Thi công tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. |
Tỉnh đã chủ động bổ sung quy hoạch vùng kinh tế biển bao gồm quy hoạch Khu kinh tế Ninh Cơ có quy mô 13.950ha trên địa bàn hai huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng và quy hoạch 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 500ha ở khu vực ven biển. Trong đó, Khu kinh tế Ninh Cơ đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập và bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020 với kỳ vọng trở thành trung tâm lớn trong giao thương quốc tế về công nghiệp, thương mại, du lịch và cảng biển của vùng nam đồng bằng sông Hồng; được tập trung xây dựng theo các tiêu chí về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế với các khu công nghiệp thành phần, gồm: Thịnh Long (Hải Hậu), Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), Dệt may Rạng Ðông (Nghĩa Hưng). Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông trọng điểm kết nối tới khu vực kinh tế biển của tỉnh. Trong đó, cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ nối 2 huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu được khởi công cuối tháng 9-2017, hiện đang được nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công để tháng 10-2019 có thể đưa vào khai thác. Cầu Thịnh Long hoàn thành sẽ nối liền các khu công nghiệp trong vùng kinh tế biển với các nhà máy đóng tàu, cảng Hải Thịnh nằm gần cửa biển Lạch Giang đã được quy hoạch là cảng nước sâu, Nhà máy Nhiệt điện Nam Ðịnh I, khu du lịch biển Hải Thịnh. Cầu Thịnh Long cũng tăng khả năng kết nối với các tỉnh, thành phố trong khu vực trên tuyến đường bộ ven biển: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, tiết kiệm chi phí cho vận tải đường bộ. Cuối năm 2017, tỉnh đã khởi công xây dựng tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng chiều dài 46km, đi qua 17 xã, thị trấn của hai huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng. Hết tháng 4-2019, giai đoạn 1 của dự án cơ bản hoàn thành trải lớp đá thải; dự kiến hết năm 2019 sẽ hoàn thành trải lớp cấp phối đá dăm trên phạm vi đã có mặt bằng. Tuyến đường này không chỉ góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông huyết mạch theo Quy hoạch phát triển giao thông - vận tải tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà còn rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Bắc - Nam, kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia, phát huy hiệu quả đầu tư các dự án kinh tế biển trọng điểm đã và đang triển khai như: cầu Thịnh Long, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Ðông… Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng thu hút đầu tư phát triển hạ tầng khai thác tiềm năng giao thông đường thủy nội địa đảm bảo đồng bộ, kết nối với giao thông vùng và cả nước. Năm 2015, cụm công trình cải tạo, chỉnh trị cửa Lạch Giang là cụm công trình đường thủy lớn nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ được đầu tư theo Dự án WB6 đã hoàn thành đưa vào khai thác. Công trình đã góp phần thúc đẩy khai thác hiệu quả hệ thống giao thông thủy nội địa khu vực đồng bằng sông Hồng, phát triển tuyến vận tải pha sông biển, giúp cho các tàu có trọng tải 1.000-3.000 tấn đến được các cảng trên sông Hồng và 2.000-3.000 tấn đến các cảng trên sông Ninh Cơ, cảng Ninh Phúc (Ninh Bình), tạo sự chuyển dịch nhanh, mạnh trong cơ cấu vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy. Triển khai thực hiện các kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế biển trong bối cảnh Chính phủ thắt chặt đầu tư công, khó khăn về vốn song với quyết tâm chính trị tỉnh đã từng bước thu hút được doanh nghiệp có tiềm lực quan tâm, quyết định đầu tư theo quy hoạch. Ðến nay, trong tổng thể Khu kinh tế Ninh Cơ đã khởi công dự án Khu công nghiệp Dệt may Rạng Ðông (Nghĩa Hưng) quy mô hơn 1.000ha với tổng mức đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng từ tháng 4-2017; nhà đầu tư đang gấp rút xây dựng hạ tầng giai đoạn một (gần 600ha) để sớm cung cấp cho các nhà đầu tư thứ cấp. Một số tập đoàn kinh tế lớn, tiêu biểu đã quan tâm nghiên cứu đầu tư vào các vùng biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng của tỉnh.
Ðể đạt mục tiêu xây dựng vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực, hiện nay tỉnh đang tập trung hoàn tất các thủ tục, sớm đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Ðịnh tại huyện Hải Hậu, cơ sở công nghiệp năng lượng quy mô lớn với phạm vi phục vụ cả vùng duyên hải Bắc Bộ; tuyến đường bộ ven biển, cầu vượt sông Ðáy nối đô thị Rạng Ðông với Quốc lộ 10 đi Thành phố Ninh Bình và các vùng đô thị lân cận. Ngoài nguồn vốn ngân sách, tỉnh tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi của nước ngoài, nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế và các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển đồng bộ hệ thống bến cảng, luồng tàu, tiếp nhận tàu trọng tải lớn, các tàu container thế hệ mới, xây dựng các cảng chuyên dùng, cảng hành khách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng cảng tổng hợp mới ở khu vực Hải Thịnh, Nghĩa Hưng phục vụ Khu kinh tế Ninh Cơ và Khu công nghiệp Dệt may Rạng Ðông theo Quy hoạch điều chỉnh phát triển giao thông vận tải tỉnh Nam Ðịnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 2693/QÐ-UBND ngày 22-11-2017). Cụ thể, theo Quyết định số 1037/QÐ-TTg ngày 24-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2367/QÐ-BGTVT ngày 29-7-2016 của Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030, cảng biển Hải Thịnh được xác định là cảng tổng hợp địa phương (loại II) gồm khu bến Hải Thịnh và bến cảng chuyên dụng cho Nhà máy Nhiệt điện Nam Ðịnh 1; năng lực hàng hóa thông qua dự kiến vào năm 2020 đạt khoảng 6,25 triệu tấn. Ngoài ra, theo Quyết định số 2223/QÐ-TTg ngày 13-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Nam Ðịnh cũng là một trong các tỉnh có quy hoạch cảng cạn tại khu vực kinh tế ven biển gồm các tỉnh Thái Bình, Nam Ðịnh, Hà Nam, Ninh Bình, phía tây Hà Nội và Hòa Bình. Ðể cụ thể hóa quyết tâm chính trị phát triển kinh tế biển thành vùng kinh tế động lực của tỉnh trong Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 5-12-2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XII) về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy chủ trương thường xuyên tuyên truyền để toàn thể nhân dân thống nhất tư tưởng, nhận thức, xác định nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; phát triển bền vững kinh tế biển là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền lợi của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Ðảng, chính quyền các cấp để đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, đảm bảo tính liên kết vùng và giữa các địa phương; gắn kết chặt chẽ, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của địa phương và những chủ trương, định hướng về phát triển kinh tế biển của Ðảng, Nhà nước, của tỉnh. Phấn đấu đưa kinh tế biển ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong kinh tế địa phương; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và điều tra cơ bản về biển; tập trung phát triển các ngành kinh tế biển, bao gồm: kinh tế thủy sản, kinh tế hàng hải, du lịch biển, phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề, ngành nghề nông thôn. Bảo đảm phát triển kinh tế biển bền vững, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, nước biển dâng; ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực, bảo tồn hệ sinh thái biển. Củng cố, đảm bảo quốc phòng an ninh, tuân thủ các quy định khi thực thi pháp luật trên vùng biển và khu vực ven biển./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy