Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Nghĩa Hưng

08:04, 23/04/2019

Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Nghĩa Hưng đạt 1.798 tỷ đồng, tăng 18% so với kế hoạch. Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm, chủ lực của huyện như: cơ khí, dệt may, chế biến lương thực thực phẩm; chế biến gỗ; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu… đạt tốc độ tăng trưởng khá và tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Sản xuất trang phục xuất khẩu tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Nghĩa Hưng DEA YANG, xã Nghĩa Lạc.
Sản xuất trang phục xuất khẩu tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Nghĩa Hưng DEA YANG, xã Nghĩa Lạc.

Thúc đẩy phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp đi đôi với thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp địa phương làm hạt nhân tạo đột phá trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới bền vững, phát triển là định hướng, chủ trương được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Nghĩa Hưng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. UBND huyện đã giao Phòng Công thương phối hợp với các xã, thị trấn, các ngành chức năng xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề, có cơ chế hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp về vốn, mặt bằng, đào tạo nghề; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính ở các lĩnh vực, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư; ưu tiên nguồn vốn vay cho các dự án có tính khả thi đã được phê duyệt; cải tạo, nâng cấp lưới điện của các địa phương có làng nghề; khuyến khích phát triển các ngành nghề theo thế mạnh và phù hợp với từng địa phương. UBND huyện đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức rà soát, xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất nhằm tạo mặt bằng cho các dự án phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện; căn cứ tình hình thực tế của từng xã, thị trấn để định hướng thu hút đầu tư các ngành nghề cụ thể, đúng với chủ trương của UBND tỉnh. Trên cơ sở đề xuất của UBND huyện và quy hoạch phát triển chung UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 4-4-2017 của UBND tỉnh đến năm 2025, huyện Nghĩa Hưng sẽ có 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích 181ha là: Nghĩa Sơn, Liễu Đề, Quỹ Nhất, Nghĩa Thái, Nghĩa Phong, Nghĩa Minh và Nghĩa Lạc. Sau hơn 1 năm thực hiện quy hoạch điều chỉnh, 3/7 cụm công nghiệp của huyện đã có những bước phát triển mới. Có 5 doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Nghĩa Sơn hoạt động ổn định thu hút 2.610 lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó Công ty Cổ phần Cơ khí và Thương mại Nam Hà chuyên gia công mũ giày xuất khẩu với 4 xưởng may mũ giày hoạt động ổn định, mỗi tháng sản xuất được từ 50-60 nghìn sản phẩm xuất khẩu đi các thị trường: Đức, Pháp, Hồng Kông (Trung Quốc), tạo việc làm thường xuyên cho gần 800 lao động. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mai Thanh hiện có 20 dây chuyền sản xuất ống nhựa uPVC và phụ kiện theo công nghệ châu Âu, Nhật Bản có đường kính từ 20mm đến 500mm, 15 phụ kiện ống nước phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế, có công suất 12 tấn sản phẩm/ngày đêm; mỗi tháng Công ty xuất bán được hơn 300 tấn ống nhựa uPVC. Các cụm công nghiệp mới ở các xã Nghĩa Minh, Nghĩa Lạc, Nghĩa Thái đã thu hút được các dự án đầu tư trong và ngoài nước với số lượng vốn lớn, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Cụm công nghiệp Nghĩa Thái, diện tích giai đoạn I là 10ha đã thu hút được dự án đầu tư xây dựng nhà máy may xuất khẩu với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng của Công ty Cổ phần May Sông Hồng, tạo việc làm cho 2.300 lao động với mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Cụm công nghiệp Nghĩa Minh hiện đã thu hút được dự án của nhà đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy sản xuất giày da xuất khẩu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Golden Victory Việt Nam diện tích 9,3ha đi vào hoạt động trong năm 2017, tạo việc làm cho 3.400 lao động với mức lương bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Nghĩa Hưng DAEYANG ở Cụm công nghiệp Nghĩa Lạc thu hút 530 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài các doanh nghiệp hạt nhân đầu tư trong các cụm công nghiệp tập trung, các điểm công nghiệp, làng nghề truyền thống chủ lực khác của huyện như: công nghiệp đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy; công nghiệp chế biến vẫn được duy trì tốc độ phát triển. Công nghiệp chế biến hiện nay của huyện Nghĩa Hưng phát triển đa dạng các lĩnh vực như: chế biến thủy, hải sản; thức ăn chăn nuôi; sản xuất và chế biến muối; chế biến gỗ; chế biến lương thực, thực phẩm... tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở các địa phương. Đến nay, toàn huyện đã có trên 30 doanh nghiệp, hàng trăm cơ sở sản xuất chế biến nông, lâm, thủy sản… đang hoạt động hiệu quả. Nghề chế biến thủy, hải sản phát triển mạnh ở các xã: Nghĩa Thắng, Nghĩa Hải, Nghĩa Bình và Thị trấn Rạng Đông… Nghề chế biến lương thực, thực phẩm với sản phẩm chính là các loại miến dong, miến gạo phát triển ở các xã Nghĩa Tân, Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn... Làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ cói Đồng Nam, xã Nghĩa Lợi với hạt nhân là Doanh nghiệp Tư nhân Ánh Túy vẫn phát triển ổn định, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong xã và các xã xung quanh. 

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2019 huyện Nghĩa Hưng chủ trương chú trọng khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, từng bước hình thành các doanh nghiệp địa phương có quy mô sản xuất lớn, quy trình công nghệ tiên tiến trong các làng nghề cũng như ngoài làng nghề. Ưu tiên giao đất và miễn thuế đất cho các doanh nghiệp về đầu tư sản xuất tại các cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn huyện. Tiếp tục xúc tiến thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư­ xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp trong quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Phấn đấu năm 2019 hoàn thành chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 1.819 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010)./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com