Xuân Trường đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

07:03, 11/03/2019

Thực hiện Quyết định số 1346/QÐ-UBND ngày 30-7-2014 của UBND tỉnh Nam Ðịnh về phê duyệt Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Ðịnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Xuân Trường đã ban hành các văn bản chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/HU ngày 3-6-2016 về đẩy mạnh thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện giai đoạn 2016-2020; UBND huyện ban hành Quyết định số 3928/QÐ-UBND ngày 11-8-2016 về phê duyệt Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 11-8-2016 về đẩy mạnh thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện giai đoạn 2016-2020. Ðồng thời, UBND huyện ban hành một số cơ chế hỗ trợ phù hợp nhằm thu hút, khuyến khích tạo điều kiện các cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, Huyện ủy tổ chức hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết số 28-NQ/HU cho tất cả cán bộ chủ chốt từ huyện đến cơ sở.

Khu nuôi trồng thủy sản của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa, xã Xuân Hòa.
Khu nuôi trồng thủy sản của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa, xã Xuân Hòa.

Quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và huyện, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động về đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Công tác tuyên truyền về các quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, huyện và của địa phương về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được quan tâm, triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tại các hội nghị của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; lồng ghép vào hội nghị tập huấn kỹ thuật thâm canh lúa hàng vụ của các cơ quan chuyên môn; tuyên truyền trên Ðài phát thanh huyện, hệ thống truyền thanh các xã, thị trấn... từ đó nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân về tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần thay đổi nhận thức, tập quán từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn. Huyện đã tiến hành quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung quy hoạch 3 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; 23 vùng sản xuất lúa cánh đồng lớn với quy mô 1.446ha; 2 vùng sản xuất hạt lai F1 quy mô 85ha; 35 vị trí trang trại với diện tích 196,1ha; 5 cơ sở giết mổ tập trung tại các xã Xuân Tiến, Xuân Ðài, Xuân Hồng, Thọ Nghiệp và Thị trấn Xuân Trường; quy hoạch xây dựng một nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại xã Thọ Nghiệp. UBND huyện đã tổ chức công khai quy hoạch vùng huyện để nhân dân, các tổ chức liên quan biết và thực hiện. Từ việc công khai các quy hoạch và kết quả của công tác dồn điền đổi thửa đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉnh trang đồng ruộng, hệ thống hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, tích tụ ruộng đất, sản xuất theo cánh đồng lớn và hướng cánh đồng lớn..., góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng nhanh thành tựu khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn và bền vững. Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện tiếp tục duy trì ổn định diện tích sản xuất lúa đảm bảo an ninh lương thực, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nâng cao năng suất, sản lượng lương thực. Ðến nay, lĩnh vực trồng trọt đã từng bước chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, sản xuất hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng rộng rãi, có hiệu quả. Ngoài ra, các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa như: Dự án nông nghiệp công nghệ cao do Tập đoàn Vingroup đầu tư sản xuất tại xã Xuân Hồng (140ha), tạo việc làm cho gần 300 lao động tại địa phương với thu nhập ổn định từ 3,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng, sản xuất các sản phẩm rau, quả sạch, an toàn cung cấp thị trường nội địa. Công ty trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Ðình Mộc đã tích tụ và thuê mượn 42ha để sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp nuôi trồng thủy sản, trồng cây dược liệu, rau các loại, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động với thu nhập từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, Công ty đang liên kết với Công ty trách nhiệm hữu hạn Hiệp Hòa, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại tổng hợp Xuân Trường đầu tư trồng măng tây, sản xuất hạt giống lúa lai F1. Công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Tân, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại tổng hợp Xuân Trường liên kết với các nhóm hộ nông dân của 2 xã (Xuân Ninh, Xuân Thượng) sản xuất hạt giống lúa lai F1, quy mô 100ha. Các công ty chịu trách nhiệm thu mua và tiêu thụ toàn bộ hạt lai F1 cho nông dân; nâng cao thu nhập từ 20 đến 25 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa thường. Công ty Hoàng Diệu tích tụ ruộng đất sản xuất cây dược liệu (đinh lăng, gấc) kết hợp chăn nuôi, nuôi thủy sản tại vùng bãi xã Xuân Thành, Xuân Tân với quy mô 13ha, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 4 đến 6 lần so với trồng lúa. Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Mai đầu tư trang trại quy mô 7.000m2 tại Xuân Ninh sản xuất, cung ứng giống nấm liên kết với nông dân ở các xã Xuân Ninh, Xuân Kiên, Xuân Phú, Xuân Thành... triển khai trồng nấm thương phẩm. Trong chăn nuôi, huyện tập trung chỉ đạo các hình thức sản xuất đang chuyển đổi nhanh từ phương thức chăn nuôi nông hộ sang phương thức chăn nuôi gia trại, trang trại, công nghiệp và bán công nghiệp, đối tượng vật nuôi chủ yếu là lợn và gia cầm. Hiện nay, toàn huyện có 57 trang trại và 283 gia trại chăn nuôi, tăng 258 trang trại, gia trại so với năm 2010 (45% số trang trại, gia trại thực hiện xử lý chất thải chăn nuôi bằng hệ thống biogas), trong đó có một trang trại chăn nuôi lợn được cấp chứng nhận VietGAHP và 28 trang trại đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Các trang trại chăn nuôi đã đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và áp dụng, chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo các quy trình về chăn nuôi theo hướng VietGAP, chăn nuôi an toàn sinh học nhằm tạo ra sản phẩm an toàn từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi hàng hóa. Bước đầu đã bắt đầu hình thành các mô hình chăn nuôi trang trại điển hình như: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chăn nuôi Phú Lộc, xã Xuân Thượng, chăn nuôi lợn quy mô 400 lợn nái ngoại và 1.000 lợn thịt (đạt chứng nhận VietGAHP). Hàng năm Công ty xuất bán ra thị trường 270 tấn thịt hơi và 7.500 con lợn giống thương phẩm. Trang trại nuôi gà đẻ của hộ ông Phạm Thế Ðưởng, xã Xuân Thủy, quy mô chăn nuôi 5.000 con gà đẻ, xuất bán thị trường khoảng 1 triệu quả trứng gà/năm. Hiện nay trang trại đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất lên 10 nghìn con gà đẻ; Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Phú (Xuân Ninh) đầu tư xây dựng hệ thống chuồng kín chăn nuôi lợn nái ngoại sinh sản, quy mô 1.200 nái, đến nay Công ty đã hoàn thiện hệ thống chuồng trại và đi vào hoạt động sản xuất. Trong lĩnh vực thủy sản, đến nay toàn huyện có 646ha nuôi thủy sản, trong đó: diện tích ao hồ trong khu dân cư là 420,9ha; diện tích nuôi thủy sản trong các vùng dự án, vùng chuyển đổi tập trung là 225,1ha, chiếm 35% tổng diện tích nuôi thủy sản, với trên 160 hộ nuôi, tập trung chủ yếu tại các xã Xuân Hòa, Xuân Vinh, Xuân Ngọc, Xuân Châu, Xuân Thành, Xuân Tân, Xuân Thủy,... Ngoài ra, trên địa bàn ven sông Hồng, sông Ninh Cơ (Xuân Châu, Thị trấn Xuân Trường, Xuân Ngọc, Xuân Hồng) đã hình thành khoảng 50 lồng bè nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao. Các trang trại, hộ nuôi thủy sản luôn đa dạng hóa đối tượng nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm thiểu rủi ro. Ngoài các đối tượng chủ lực truyền thống như cá chép lai, cá trôi, trắm cỏ... còn có các đối tượng nuôi cho giá trị kinh tế cao như cá trắm đen, cá lăng, cá vược, tôm thẻ chân trắng. Phương thức nuôi đang chuyển dần từ phương thức nuôi quảng canh cải tiến, bán thâm canh sang nuôi thâm canh, thâm canh công nghiệp hạn chế dịch bệnh, tạo ra sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ môi trường.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết về “Ðẩy mạnh thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện giai đoạn 2016-2020”, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song được sự quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và các hộ nông dân, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao như: sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất lúa giống hạt lai F1, trồng cây dược liệu và các vùng chuyển đổi chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng trang trại, gia trại tập trung xa khu dân cư; cơ cấu giống lúa chuyển dịch sang các giống lúa thuần chất lượng (chiếm khoảng trên 80% diện tích), các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong trồng trọt được nhân rộng; chăn nuôi phát triển theo hình thức trang trại, gia trại, áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến hiện đại; các mô hình liên kết trong sản xuất từ cung ứng đầu vào đến đầu ra dần được nhân rộng. Nhìn chung sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đang từng bước phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới bền vững./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com