Nhận thức được việc quản lý chất thải rắn (CTR) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm, hướng tới phát triển bền vững nên từ nhiều năm nay, tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các hoạt động: nắm bắt thực trạng nguồn, số lượng CTR phát sinh, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn quản lý để người dân, các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chấp hành các quy định thu gom, xử lý CTR.
Thu gom rác thải trên địa bàn Thành phố Nam Định. |
Đối với nhóm CTR nguy hại phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chủ yếu là bóng đèn huỳnh quang thải, giẻ lau, găng tay nhiễm thành phần chất nguy hại, dầu thải, vỏ bao bì nhiễm thành phần nguy hại, bùn thải, tro xỉ và các loại chất thải nguy hại phát sinh theo từng loại hình sản xuất. Một số cơ sở phát sinh lượng thải nguy hại lớn chủ yếu hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp như: Công ty cổ phần TCE Vina Denim, Công ty trách nhiệm hữu hạn Youngone Nam Định (phát sinh khoảng 530 tấn CTR nguy hại/năm); Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam Định phát sinh khoảng 565 tấn CTR nguy hại/năm; Công ty cổ phần Dây lưới thép Nam Định phát sinh khoảng 23 tấn CTR nguy hại/năm; Công ty cổ phần Lâm sản Nam Định phát sinh khoảng 50,7 tấn CTR nguy hại/năm; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Kinh doanh khí hóa lỏng Nam Định phát sinh 27 tấn CTR nguy hại/năm; Công ty Đầu tư và Dịch vụ Phúc Thanh phát sinh 53 tấn CTR nguy hại/năm… Hiện nay, CTR nguy hại công nghiệp phát sinh từ hoạt động sản xuất trong khu, cụm công nghiệp đã được thu gom, lưu giữ và xử lý theo quy định. Các dự án đầu tư đã đi vào hoạt động ổn định nên khối lượng CTR nguy hại phát sinh trên thực tế có sự gia tăng, thay đổi so với nội dung Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại đã được cấp. Theo số liệu tổng hợp báo cáo hàng năm của các chủ nguồn thải chất nguy hại gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường thì khối lượng CTR nguy hại phát sinh trên toàn tỉnh khoảng 4.247,6 tấn/năm của 110 chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Năm 2017, CTR nguy hại được vận chuyển xử lý đạt khoảng 3.947,5 tấn; năm 2018, khối lượng CTR nguy hại có sự biến động tăng so với năm 2017 do phát sinh bùn của quá trình xử lý nước thải với khối lượng lớn như: Công ty cổ phần TEC Vina Denim, Công ty trách nhiệm hữu hạn Youngone Nam Định, Khu công nghiệp Hòa Xá, Công ty cổ phần Dệt nhuộm Sunsire LuenThai, Khu công nghiệp Bảo Minh… Tính đến cuối tháng 2-2019, có 90 cơ sở báo cáo tình hình quản lý CTR nguy hại năm 2018 với khối lượng phát sinh là 37.158,244 tấn; đã xử lý 36.957,7522 tấn. Trên địa bàn tỉnh có 14/18 bệnh viện đa khoa các tuyến tỉnh, huyện đã được đầu tư lò đốt rác thải y tế nguy hại. Tuy nhiên hiện nay lò đốt của Bệnh viện Đa khoa tỉnh (đơn vị đảm trách xử lý chất thải y tế nguy hại tại chỗ và các bệnh viện, phòng khám trên địa bàn Thành phố Nam Định) đã xuống cấp và dừng hoạt động. Để đảm bảo xử lý chất thải nguy hại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện, phòng khám trên địa bàn thành phố đã hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý; năm 2018 đạt tổng khối lượng chất thải y tế nguy hại được vận chuyển xử lý là 196,7 tấn. Riêng chất thải y tế lây nhiễm, từ năm 2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được dự án “Hỗ trợ xử lý chất thải y tế” do Ngân hàng Thế giới tài trợ, hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý CISA Concept 300 bằng công nghệ hấp ướt; dự án đã được bàn giao tháng 12-2017 và chính thức vận hành, đưa vào sử dụng từ tháng 6-2018. Hiện tại tỉnh có 1 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải nguy hại là Công ty cổ phần Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường ETC, được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại có mã số 1-2-3-4-5-6.093 ngày 30-5-2016, có hạn đến 30-5-2019. Năm 2018, Công ty đã vận chuyển, xử lý cho 329 cơ sở trên địa bàn tỉnh với tổng khối lượng vận chuyển, xử lý là 4.322,4 tấn chất thải nguy hại. Đối với CTR khu vực nông thôn, từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh đã hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình xử lý rác thải sinh hoạt quy mô cấp xã bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh hoặc sử dụng lò đốt. Đến nay, đã có 186/204 xã, thị trấn ở 9 huyện đầu tư xây dựng công trình xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh (30 xã có cả bãi chôn lấp và lò đốt); 98 xã, thị trấn đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt. Công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn đã dần đi vào nề nếp; 100% các xã, thị trấn đều thành lập tổ thu gom rác thải, đội vệ sinh môi trường hoặc hợp tác xã vệ sinh môi trường; ước tính tổng lượng rác thải vùng nông thôn phát sinh khoảng 660 tấn/ngày; tổng lượng rác thải thu gom ước tính khoảng 582 tấn/ngày, đạt 88%. Đối với CTR sinh hoạt trên địa bàn Thành phố Nam Định do Công ty cổ phần Môi trường Nam Định thu gom với tổng lượng rác thải khoảng 220 tấn/ngày và xử lý tại Khu liên hợp xử lý rác thải Lộc Hòa; chủ yếu theo phương thức chôn lấp. Dự kiến hết quý I-2019 bãi chôn lấp sẽ đầy, UBND Thành phố Nam Định đã chỉ đạo Công ty cổ phần Môi trường Nam Định thực hiện các biện pháp cải tạo bãi chôn lấp, lò đốt rác thải nhằm tiếp tục duy trì hoạt động của khu xử lý. Đồng thời, UBND thành phố cũng đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện dự án xây dựng khu xử lý rác thải Thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc tại xã Mỹ Thành với diện tích 91.834,5m2 bằng công nghệ điện rác, với công suất xử lý giai đoạn 1 là 300 tấn/ngày, giai đoạn 2 là 600 tấn/ngày. Đối với CTR phát sinh từ sản xuất nông nghiệp bao gồm rơm rạ, các phụ phẩm và CTR chăn nuôi, để giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ sau vụ gặt gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tác động tiêu cực đến môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu, thực hiện đề tài xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học với quy mô xử lý toàn bộ rơm rạ phát sinh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, gần đây các địa phương đã áp dụng công nghệ thu hoạch bằng máy gặt, đồng thời cày lật vùi rơm rạ xuống đất tạo mùn để tăng lượng hữu cơ cho đất nên cũng giảm lượng rơm rạ phải đốt. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng lượng phụ phẩm nông nghiệp thải bỏ (rơm rạ, tro trấu, vỏ củ quả…) trong năm 2018 là 776.552 tấn, trong đó tái sử dụng, tái chế đạt 18%. Tính đến năm 2018, toàn tỉnh có 319 cơ sở và khoảng 90 nghìn hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm; ước tính tổng lượng CTR phát sinh khoảng 16 nghìn m3/ngày. Một số xã, cơ sở đã được hỗ trợ xử lý chất thải bằng hệ thống hầm biogas; tuy nhiên tỷ lệ còn thấp (18%), phần lớn chất thải chăn nuôi được sử dụng làm phân bón trong nông nghiệp. Ngoài quan tâm xử lý CTR phát sinh từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt của địa phương, tỉnh cũng chủ động quản lý các đơn vị nhập khẩu phế liệu để trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất. Từ năm 2015 đến 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu cho 5 đơn vị; ngoài ra có Công ty cổ phần Trịnh Nghiên đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Sở tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu, đảm bảo kiểm soát và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở nhập khẩu phế liệu trong chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xử lý CTR, ngày 21-2- 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 352/STNMT-CCMT đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công việc thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình, tận dụng tối đa lượng rác thải để tái sử dụng, tái chế, làm phân hữu cơ; giảm thiểu tối đa lượng rác thải phải xử lý tập trung. Bố trí đầy đủ nguồn kinh phí cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn quản lý; tổ chức thu gom triệt để lượng rác phát sinh. Vận hành thường xuyên các công trình xử lý rác thải tập trung theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường. UBND các huyện căn cứ Quy hoạch về quản lý tổng hợp CTR vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030 đã được phê duyệt, rà soát các điểm, khu vực trên địa bàn thuộc Quy hoạch để tham vấn ý kiến nhân dân trước khi triển khai dự án xử lý CTR; nghiên cứu triển khai dự án xử lý CTR bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với thực tế địa phương. Khuyến khích thành lập mới hoặc mở rộng phạm vi hoạt động của các đơn vị dịch vụ môi trường, huy động cộng đồng tham gia dịch vụ quản lý CTR khu vực nông thôn. Rà soát, kiểm tra các điểm tập kết, cơ sở xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn, yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy định liên quan. Thành lập các tổ, đội tuần tra, giám sát thường xuyên các khu công cộng, những nơi có hiện tượng xả rác thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường; không để phát sinh các điểm tập kết rác thải tự phát. Tăng cường kiểm tra cơ sở chăn nuôi quy mô gia trại, hộ gia đình trên địa bàn; yêu cầu các cơ sở chăn nuôi lập hồ sơ về môi trường, tăng cường xử lý chất thải chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy