Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất

07:03, 08/03/2019

Theo báo cáo của ngành Công thương, 2 tháng đầu năm 2019 mặc dù vào thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán song sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh ta đã đạt một số kết quả khả quan: giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 11.858 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 275,4 triệu USD, tăng 43,7% so cùng kỳ. Kết quả trên đã phản ánh rõ nét hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo cam kết của UBND tỉnh và của ngành Công thương trong thời gian qua.

Sản xuất nguyên, phụ liệu ngành dệt may tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Yulun, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản).
Sản xuất nguyên, phụ liệu ngành dệt may tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Yulun, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản).

Năm 2018, ngành Công thương tỉnh đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hướng tới hoàn thiện những dịch vụ công thuộc ngành theo hướng đảm bảo tiện ích, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp. Sở Công thương đã tổ chức kiện toàn Ban chỉ đạo Cải cách hành chính; duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng, công bố Hệ thống quản lý chất lượng của Sở Công thương phù hợp với tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008, kiện toàn bộ phận “một cửa” của Sở đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các Quyết định: số 1400/QĐ-UBND ngày 9-7-2018 công bố 74 thủ tục hành chính mới, bãi bỏ 44 thủ tục và số 2169/QĐ-UBND ngày 4-10-2018 công bố 38 thủ tục hành chính, bãi bỏ 22 thủ tục hành chính... thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công thương. Tổ chức tốt công tác tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa”; thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính qua Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Tiếp nhận và giải quyết 660 hồ sơ thủ tục hành chính; tất cả đều được giải quyết đúng quy định, đúng thời gian. Song song với công tác cải cách hành chính, Sở Công thương đã chủ động phối hợp với các sở, các địa phương nắm chắc tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, kịp thời đề xuất với tỉnh giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, lưu thông, bảo đảm cân đối cung cầu, đẩy mạnh xuất khẩu; phối hợp với các ngành, UBND các huyện tham mưu cho UBND tỉnh thành lập mới, điều chỉnh mở rộng, bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp địa phương đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Thực hiện kế hoạch chương trình khuyến công, Sở Công thương đã phối hợp với UBND các huyện, Thành phố Nam Định tổ chức thực hiện 15 chương trình, dự án khuyến công với tổng kinh phí 4.114,45 triệu đồng để hỗ trợ cho 8 chương trình xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ kinh phí động viên các doanh nghiệp tham gia Hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh để tăng cường giới thiệu, quảng bá xúc tiến thương mại cho sản phẩm công nghiệp địa phương. Từ nguồn hỗ trợ kinh phí cho 8 chương trình xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới đã tạo đòn bẩy động viên các doanh nghiệp đầu tư thêm gần 36 tỷ đồng để nghiên cứu, phát triển sản xuất các loại sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường, giải quyết thêm việc làm cho 176 lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, Sở đã chủ trì, phối hợp các sở, ngành và Thành phố Nam Định tổ chức Hội chợ Công nghiệp - Thương mại khu vực phía Bắc tại Thành phố Nam Định với quy mô trên 350 gian hàng; tăng cường giao lưu trao đổi hàng hóa các vùng miền. Ngoài ra Sở đã tổ chức, hỗ trợ cho trên 100 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại 11 hội chợ triển lãm thương mại tổ chức tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đắc Nông, Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Hưng Yên và 5 hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tại Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái. Các biện pháp tích cực đó tạo đà cho doanh nghiệp tiếp tục triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả ngay từ đầu năm 2019.

Năm 2019, để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch: giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) đạt 71.750 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD trở lên, ngành Công thương chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong các lĩnh vực của ngành (cải cách chế độ công vụ, công chức; rà soát, kiểm soát thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý điều hành); phấn đấu giảm 15-20% thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý. Triển khai tích cực Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 25-12-2018 của UBND tỉnh về thực hiện cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện các quy hoạch liên quan đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1; hạ tầng Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông; các cụm công nghiệp: Thịnh Lâm (Giao Thủy); Yên Dương (Ý Yên); Xuân Tiến (Xuân Trường); Đồng Côi (Nam Trực);... Tích cực hoàn thiện thủ tục để triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút xã hội hóa đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp trong quy hoạch. Tập trung thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển theo chiều sâu, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương. Tổ chức triển khai Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 28-6-2018 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 25-CT/TU ngày 29-5-2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 23/NQ-TW ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm huy động mọi nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, nhất là các ngành, lĩnh vực công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức thực hiện Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 19-10-2018 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 15-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với các chính sách, chương trình hỗ trợ về vốn, mặt bằng, đào tạo, tiếp cận thông tin, công nghệ, thị trường. Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, tạo chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh. Phát triển và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa trên cơ sở mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, xây dựng lại cơ cấu thị trường, mặt hàng xuất khẩu, chuyển dịch sản xuất hàng xuất khẩu theo hướng tăng sản phẩm chế biến và chế biến sâu, xuất khẩu trực tiếp; mở rộng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực hiện tại (dệt may, da giày, chế biến gỗ...), đồng thời tích cực phát triển các mặt hàng có tiềm năng thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực mới như nông, thủy sản, sản phẩm cơ khí... Từng bước phát triển thị trường, đưa mặt hàng nông sản thực phẩm chế biến, nhất là thịt lợn và ngao thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Tiếp tục triển khai các chương trình, đề án khuyến công từ nguồn kinh phí địa phương và Trung ương để xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất; xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp; bình chọn các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu… Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hàng hoá. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ thương mại trong nước và quốc tế để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hoá, đặc biệt là từ các nước thành viên Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Mỹ. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá, tiếp thị, xúc tiến thương mại, bán hàng trực tuyến, giao kết và thực hiện hợp đồng, thanh toán, thủ tục hải quan./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com