Liên kết chăn nuôi theo chuỗi để phát triển bền vững

08:03, 04/03/2019

Thực tiễn hoạt động chăn nuôi của tỉnh ta những năm qua có thể thấy khó khăn lớn nhất mà người chăn nuôi gặp phải vẫn là đầu ra sản phẩm và giá. Điển hình gần đây là dịp cuối năm 2016 đến hết năm 2017, giá lợn hơi cả nước liên tục lao dốc và chạm đáy làm nhiều hộ chăn nuôi khốn đốn vì lỗ. Một vấn đề đặt ra cho ngành chăn nuôi của tỉnh ta nói riêng, cả nước nói chung là làm thế nào để người chăn nuôi có kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định, không phấp phỏng lo về giá bán? Lời giải nằm ở việc thực hiện liên kết theo chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi.

Trang trại chăn nuôi lợn bằng thảo dược của ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh).
Trang trại chăn nuôi lợn bằng thảo dược của ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh).

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất chăn nuôi của tỉnh những năm gần đây đang chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hoá, giảm mạnh chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo mô hình doanh nghiệp, trang trại, gia trại với hình thức công nghiệp, bán công nghiệp. Đến nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh đạt gần 755 nghìn con; đàn gia cầm đạt 7,7 triệu con; đàn trâu, bò đạt hơn 37 nghìn con. Toàn tỉnh hiện có 313 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí mới. Bước đầu hình thành các cơ sở và vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, trang trại đạt tiêu chuẩn thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP, chăn nuôi lợn hữu cơ. Xác định hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi hiện nay là phải gắn với tiêu thụ sản phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... thời gian qua ngành Nông nghiệp cùng một số địa phương đã hỗ trợ, thúc đẩy liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, đã xây dựng được một số chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Điển hình là chuỗi liên kết sản xuất lợn sạch, gà sạch của Hợp tác xã Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) liên kết, hợp đồng với Công ty cổ phần Vina-HTC (Thành phố Nam Định), Trại gà giống Lương Huệ (Hải Phòng) khép kín các khâu cung ứng thức ăn chăn nuôi, con giống các loại; ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty trách nhiệm hữu hạn Tuệ Hương. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng sản phẩm, hướng dẫn xây dựng cơ sở chăn nuôi và kỹ thuật nuôi theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; hỗ trợ xây dựng và chứng nhận cơ sở giết mổ đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong chuỗi liên kết này, doanh nghiệp lo cả đầu vào, đầu ra sản phẩm cho người chăn nuôi từ con giống, thức ăn chăn nuôi… đến xuất bán sản phẩm. Nhờ sản xuất khép kín, tuân thủ các quy trình, nguyên tắc trong chăn nuôi nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã và thành viên được đánh giá là đảm bảo lợi nhuận. Một chuỗi liên kết khác trong chăn nuôi lợn từ tổ chức sản xuất đến sơ chế giết mổ là của Công ty trách nhiệm hữu hạn Ngọc Minh, xã Trực Thuận (Trực Ninh). Ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Công ty cho biết: Hiện nay, quy mô trang trại của Công ty gồm 170 con lợn nái và 1.000 con lợn thịt được đầu tư cải tạo, xây mới hệ thống chuồng trại hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dịch bệnh; ngoài ra, Công ty còn xây dựng khu giết mổ động vật. Quy trình sản xuất của Công ty khép kín từ sản xuất con giống đến nuôi lợn thịt, giết mổ, sơ chế tại chỗ rồi vận chuyển cung ứng cho các bếp ăn công nghiệp và Trung tâm Giới thiệu nông sản sạch của tỉnh. Nhờ đó đã kiểm soát tối đa mối nguy gây mất an toàn thực phẩm và đảm bảo truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Hiện Công ty đã được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, giết mổ và được chứng nhận cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP. Sản phẩm của Công ty bước đầu nhận được sự ủng hộ của người dân trong tỉnh. Chuỗi liên kết của Công ty trách nhiệm hữu hạn Công Phượng, xã Hải Xuân (Hải Hậu) với các sản phẩm như: trứng gà cao cấp Công Phượng, trứng vịt quê Công Phượng được tiêu thụ tại các hệ thống phân phối thực phẩm ở miền Bắc và miền Trung. Hệ thống trang trại của Công ty đạt theo tiêu chuẩn VietGAHP với quy mô 100 nghìn con gia cầm, sản lượng 4.500 quả trứng mỗi ngày. Tất cả các sản phẩm của Công ty đều được cấp chứng chỉ VietGAHP, chứng nhận chăn nuôi không tồn dư kháng sinh. Các sản phẩm đều được vận chuyển bằng xe chuyên dụng để bảo đảm ngăn chặn các mối nguy mất an toàn xâm nhiễm, mang lại cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch và an toàn.

Các mô hình chuỗi liên kết này cho thấy đã khắc phục được tình trạng bấp bênh, thiếu ổn định trong sản xuất đối với người chăn nuôi và đảm bảo truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm sử dụng, đồng thời hỗ trợ công tác quản lý an toàn thực phẩm. Như vậy, để chăn nuôi phát triển bền vững thì việc thực hiện liên kết theo chuỗi phải là xu hướng tất yếu của ngành chăn nuôi của tỉnh ta. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, liên kết chuỗi trong chăn nuôi của tỉnh ta còn rất ít; quy mô nhỏ, số lượng sản phẩm ít, số thành viên tham gia liên kết cũng ít; chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng. Tỉnh thiếu chính sách hấp dẫn khuyến khích phát triển chuỗi, đặc biệt là hỗ trợ tiêu thụ, bảo quản sản phẩm… nên chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi liên kết. Bên cạnh đó, các sản phẩm chăn nuôi an toàn có nguồn gốc vẫn phải cạnh tranh không bình đẳng với các sản phẩm chăn nuôi thông thường, không rõ nguồn gốc, nhất là về giá bán. Do vậy, sản lượng tiêu thụ còn thấp, chưa tác động mạnh kích thích người chăn nuôi để mở rộng sản xuất và nhân rộng các mô hình liên kết từ sản xuất đến thị trường.

Để chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa, mang tính bền vững cần đẩy nhanh tốc độ phát triển các trang trại chăn nuôi công nghiệp gắn với giết mổ, chế biến tập trung và liên kết theo chuỗi giá trị. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương tích cực thực hiện quy hoạch phát triển chăn nuôi bền vững; tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại và phát triển công nghiệp chế biến… Để tạo bước đột phá trong phát triển chăn nuôi, các cấp, các ngành tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, doanh nghiệp, hiệp hội trang trại, câu lạc bộ chăn nuôi để phổ biến kinh nghiệm, thông tin giá cả thị trường, tiến bộ kỹ thuật mới, tạo cơ sở ký kết hợp đồng xây dựng chuỗi liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tập trung đầu tư đồng bộ các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo các chuỗi khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”. Khuyến khích hình thức chăn nuôi gia công hoặc chăn nuôi theo hợp đồng giữa các chủ trang trại có điều kiện về vốn, tiêu thụ sản phẩm liên kết với các gia trại, trang trại nhỏ hơn. Xây dựng cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, các trang trại của tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn giao dịch nông sản để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm đối tác liên kết./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com