Nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới về tầm quan trọng của tài nguyên nước và vận động chính sách quản lý bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt, Đại hội đồng Liên hợp quốc phát động tổ chức Ngày Nước thế giới vào ngày 22-3 hàng năm trên quy mô toàn cầu. Ngày Nước thế giới năm 2019 có chủ đề là “Nước cho tất cả - không để ai bị bỏ lại phía sau”, hướng đến giải quyết tình trạng nhiều người dân trên thế giới đang bị thiếu nước và tạo điều kiện để cộng đồng được bảo đảm vệ sinh, tiếp cận nguồn nước an toàn, thực hiện cam kết của Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, mọi người đều phải được hưởng lợi: “Dù bạn là ai, dù bạn ở đâu, nước là quyền của bạn”. Tại tỉnh ta, từ nhiều năm nay, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo sát sao đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch theo hướng sử dụng bền vững nguồn tài nguyên, nâng dần tỷ lệ người dân được tiếp cận, sử dụng nước an toàn.
Công nhân Nhà máy nước Khu công nghiệp Bảo Minh kiểm tra chất lượng nước trước khi cấp cho người sử dụng. |
Thực hiện Chiến lược quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã tích cực tìm giải pháp thúc đẩy đầu tư các công trình cấp nước an toàn cho người dân. Theo quy hoạch điều chỉnh cấp nước sạch nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2016-2020 sẽ đầu tư xây dựng mới 12 công trình cấp nước tập trung, công suất trên 44 nghìn m3/ngày đêm; cấp bổ sung cho khoảng 368.600 người và tiến hành cải tạo đấu nối 38 công trình cấp nước tập trung, công suất tăng thêm 49.510 m3/ngày đêm, cấp bổ sung cho khoảng 412.700 người. Giai đoạn 2021-2030, nâng cấp, cải tạo, đấu nối 15 công trình cấp nước tập trung, tăng thêm công suất khoảng 24.220 m3/ngày đêm cấp bổ sung cho khoảng 202 nghìn người. Tổng nguồn vốn để thực hiện quy hoạch khoảng 2.086 tỷ đồng từ ngân sách (vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới, vốn ODA, vốn hỗ trợ xã hội hóa của tỉnh), vốn doanh nghiệp và người dân đóng góp. Quy hoạch cũng đề xuất giải pháp đầu tư, khai thác, cấp nước ngọt cho từng địa bàn đảm bảo sử dụng tiết kiệm tài nguyên và cấp nước an toàn cho người dân. Trong đó, tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt do chịu tác động mạnh của xâm nhập mặn, nước biển dâng (gồm toàn bộ huyện Giao Thủy, Hải Hậu; 16 xã thuộc huyện Nghĩa Hưng; 2 xã thuộc huyện Xuân Trường), phải quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác nước ngầm, đảm bảo vị trí nguồn cấp nước an toàn, xây dựng các nhà máy khai thác nước mặt với công suất, công nghệ xử lý nước thích hợp, đáp ứng tốt yêu cầu mở rộng mạng lưới cấp nước cho phạm vi lân cận trong giai đoạn tiếp theo. Tại vùng chịu tác động trung bình của xâm nhập mặn, nước biển dâng (gồm 9 xã phía trên huyện Nghĩa Hưng, 18 xã huyện Xuân Trường, Nam Trực, Trực Ninh), phải xây dựng các nhà máy quy mô liên xã, khai thác nước mặt tại các sông lớn và có công nghệ xử lý nước phù hợp, hạn chế khai thác nước ngầm. Đối với vùng ít chịu tác động của biến đổi khí hậu gồm Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và các xã ngoại thành Thành phố Nam Định, sử dụng nước từ các nhà máy quy mô liên xã và có công nghệ xử lý nước ô nhiễm. Tỉnh đã chủ động rà soát, chuyển giao các dự án cấp nước sạch có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (do UBND xã, HTX quản lý nhưng hoạt động kém hiệu quả) cho đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp quản lý; đồng thời, tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch ở địa bàn nông thôn. Kết quả đến nay, ngoài 3 đơn vị, doanh nghiệp chủ đạo là Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh nông thôn Nam Định, Công ty cổ phần Cấp nước Nam Định, đã có thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn của tỉnh. Tháng 11-2018, UBND tỉnh đã tổ chức buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có 11 dự án gặp khó khăn, vướng mắc thủ tục về đất đai, đê điều… trong quá trình xây dựng hoặc lập thủ tục đầu tư nhà máy cung cấp nước sạch để bàn phương án tháo gỡ tất cả các vướng mắc; thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ, giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc; ưu tiên hướng dẫn, đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt các thủ tục cần thiết. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm chỉ đạo ngành Ngân hàng bố trí hợp lý nguồn vốn, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nông thôn vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư cho chương trình cung ứng, sử dụng nước sạch. Đến nay 11 dự án có vướng mắc đều tập trung hoàn tất thủ tục, điều kiện và đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, đầu tư mới các nhà máy cấp nước sạch. Các công trình cấp nước sạch tập trung ngày càng tiến xa hơn về các khu vực nông thôn, đưa mạng lưới đường ống dẫn nước tới từng hộ gia đình, từng đơn vị có nhu cầu sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững. Hết năm 2018, tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh ước đạt 99,78%, tương đương 1.770.200 người; trong đó ước đạt 64,3% người dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn. Không chỉ đẩy mạnh đầu tư nhà máy cung cấp nước sạch cho người dân, công tác quản lý chất lượng nước cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo và hướng dẫn cộng đồng bảo vệ nguồn nước, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước. Tỉnh đã yêu cầu các đơn vị quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch tập trung thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước, đảm bảo chất lượng và đủ nước cấp cho người dân sinh hoạt, sản xuất đúng theo quy định. Các công ty khai thác công trình thủy lợi đã tích cực ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới trong xây dựng, thi công, quản lý, vận hành công trình thủy lợi, chủ động điều tiết nước hợp lý và tạo đủ nguồn cho các vùng khó khăn; thực hiện hiệu quả công tác ngăn chặn, giải tỏa các vi phạm lấn chiếm, cản trở dòng chảy và hành lang an toàn công trình thủy lợi, gắn với công tác bảo vệ môi trường nước. Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương đã áp dụng quy chuẩn sản xuất sạch hơn vừa tiết kiệm nước, vừa hiệu quả cho cây trồng, không làm ô nhiễm nguồn nước sông. Trong sản xuất công nghiệp, các nhà máy sử dụng lượng nước lớn đã áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, trong đó có chương trình kiểm soát lượng nước cung cấp tại nguồn, bảo đảm vừa tiết kiệm lượng nước sạch đầu vào vừa giảm thiểu lượng nước thải ra gây ô nhiễm. Từ đầu năm 2018 đến nay, các địa phương đã tập trung thu hút đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường trong các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; chú trọng thu hút đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung của khu, cụm công nghiệp. Các huyện tiêu biểu là Hải Hậu, Nam Trực, Ý Yên… đã đẩy mạnh xử lý tình trạng đổ rác thải, phế thải bừa bãi ra kênh mương làm ùn ứ, ách tắc dòng chảy, gây mùi hôi thối, mất cảnh quan và gây ô nhiễm môi trường.
Hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2019, ngoài các hoạt động cụ thể tập trung theo Kế hoạch số 31 ngày 12-3-2019 của UBND tỉnh từ ngày 12 đến 25-3, việc tiếp tục triển khai các dự án cấp nước đã được phê duyệt là cách hưởng ứng thiết thực nhất để đảm bảo mục tiêu “Nước cho ta tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, phấn đấu năm 2019 75% dân số nông thôn và 100% dân số đô thị được sử dụng nước sạch. Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2019 của tỉnh là chương trình tập huấn cho cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố; cán bộ quản lý tài nguyên môi trường của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp huyện; các doanh nghiệp phát sinh nước thải lớn để nâng cao nhận thức, ý thức, vai trò trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm quản lý, khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện và hiệu quả cao. Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh công tác cấp phép và giám sát việc khai thác tài nguyên nước theo quy định của pháp luật; đôn đốc và thẩm định tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với các đơn vị kê khai nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo Nghị định số 82/2017/NĐ-CP. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về tài nguyên nước; trong đó chú trọng kiểm tra, cưỡng chế và xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình chây ỳ, lách luật, không chấp hành quy định của pháp luật trong xả nước thải gây ô nhiễm môi trường và cơ sở có lưu lượng xả nước thải lớn (làng nghề, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất có lưu lượng nước thải lớn, các cơ sở chăn nuôi, chế biến gia súc, gia cầm), góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành quy định về bảo vệ, sử dụng nguồn tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng nông thôn mới bảo đảm thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và bao gói thuốc bảo vệ thực vật, chất thải rắn đô thị theo đúng quy trình hướng dẫn; kiểm soát, xử lý, không để phát sinh, tái diễn tình trạng xả rác thải bừa bãi ra các công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, khu vực công cộng làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy