Đầu tư tín dụng hiệu quả phục vụ nông nghiệp, phát triển nông thôn

08:03, 26/03/2019

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong nhiều năm qua, ngành ngân hàng đã tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, chương trình tín dụng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNNT) nhằm tạo điều kiện cho người nông dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất hợp lý.

Tín dụng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn

Nếu như trước đây chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay lĩnh vực NNNT thì hiện nay có tới 70 ngân hàng thương mại, hơn 1.100 Quỹ Tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia cho vay phát triển NNNT. Mô hình ngân hàng lưu động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội đặt tại hầu hết các xã, thôn, bản của 63 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ tài chính và cung cấp dịch vụ ngân hàng tới đại đa số người dân trên phạm vi cả nước, kể cả người dân ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực NNNT tăng trưởng đều qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm trở lại đây đạt gần 20% và luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế, trong đó năm 2017 và 2018, tốc độ tăng trưởng tín dụng NNNT đạt mức 25,5% và 21,4%, cao hơn nhiều so với tốc độ 18,24% và 13,88% của tín dụng chung toàn nền kinh tế. Tính đến cuối tháng 12-2018, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực này đạt 1.786.353 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 25% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình đã được nâng lên đến 200 triệu đồng.

Ngân hàng Chính sách xã hội hiện nay đang triển khai khoảng 20 chương trình tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó có hơn 85% dư nợ cho vay phục vụ phát triển lĩnh vực NNNT. Đến cuối tháng 12-2018, dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 187.792 tỷ đồng, tăng 9,31% so với năm 2017, với hơn 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ. Vừa qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo…

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố và triển khai trong toàn hệ thống chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng phục vụ mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết của khách hàng cá nhân, hộ gia đình như các nhu cầu mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình, chi phí học tập, khám, chữa bệnh… các nhu cầu vốn không quá 30 triệu đồng, thời gian sử dụng vốn ngắn và khách hàng chứng minh được nguồn trả nợ sẽ được ngân hàng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm với mức lãi suất hợp lý và giải ngân trong ngày.

Kết quả đầu tư tín dụng nêu trên của hệ thống các tổ chức tín dụng đã góp phần không nhỏ giúp người dân, doanh nghiệp có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân khu vực nông thôn, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng đối với ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó tốc độ tăng trưởng năm 2018 đạt 3,76%, cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, góp phần tích cực tạo sự bứt phá trong tăng trưởng GDP năm 2018 với mức tăng 7,08%.

Tiếp tục mở rộng tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn

Trước nhu cầu phát triển NNNT và những diễn biến phức tạp của nạn tín dụng đen trong thời gian qua, trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trương chỉ đạo hệ thống ngân hàng thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: Đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp và mở rộng cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân khu vực nông thôn nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực NNNT và giảm nạn tín dụng đen tại khu vực này. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương này.

Cụ thể, sẽ tiếp tục hoàn thiện và bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng cho vay sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại các khu vực NNNT nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết, giúp tăng giá trị gia tăng trong sản xuất, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu  các tổ chức tín dụng tiếp tục coi NNNT là một trong các lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong đầu tư và mở rộng tín dụng. Xây dựng và triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với người nông dân và đặc thù của sản xuất nông nghiệp. Triển khai kịp thời các quy định mới về chính sách tín dụng phục vụ NNNT tại Nghị định số 116/2018/NĐ-CP và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực NNNT ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất. Tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục tín dụng, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, chú trọng phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho người dân thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác. Đẩy mạnh tuyên truyền, ứng dụng và cung ứng các sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0 phù hợp để khuyến khích người dân, doanh nghiệp khu vực nông thôn sử dụng các tiện ích ngân hàng hiện đại. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, như: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ... tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách về tín dụng NNNT và chuyển tải vốn đến người nông dân một cách hiệu quả nhất./.

Tiến sĩ ĐÀO MINH TÚ   
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Theo qdnd.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com