Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Nghị quyết “tam nông”), bằng nhiều nỗ lực, cộng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, huyện Nghĩa Hưng đã đạt được nhiều kết quả khởi sắc. Từ đó, góp phần đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn huyện Nghĩa Hưng nói riêng và tỉnh ta nói chung.
Nghị quyết “tam nông” mang đến “luồng sinh khí mới” đến các vùng nông thôn, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn đổi mới, phát triển. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Nghĩa Hưng đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Giá trị sản xuất của các ngành kinh tế tăng trên 360%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực từ nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng chính sang công nghiệp, xây dựng cơ bản và dịch vụ. Giá trị ngành nông nghiệp và thủy sản tăng từ 1.767 tỷ đồng năm 2007 lên 3.849 tỷ đồng năm 2017. Đến nay, huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: vùng trồng lúa chất lượng cao ở tất cả các xã, thị trấn với diện tích 6.200ha; vùng trồng lúa đặc sản với diện tích 1.700ha ở các xã Nghĩa Hùng, Nghĩa Hải, Nghĩa Bình, Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi; vùng sản xuất cây cà chua ở Thị trấn Quỹ Nhất, xã Nam Điền; vùng sản xuất rau màu ở Nghĩa Phong, Nghĩa Thành; vùng trồng hoa cây cảnh ở Thị trấn Liễu Đề; vùng trồng ngô ngọt xuất khẩu ở Nghĩa Thắng; vùng trồng cây dược liệu Nghĩa Thắng, Nghĩa Lạc... Những diện tích này đều cho thu nhập cao gấp 3-5 lần so với trồng lúa. Nhờ tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hình thành các vùng sản xuất lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học và công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đẩy mạnh liên kết nên giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha canh tác của Nghĩa Hưng năm 2018 đạt trên 115 triệu đồng. Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa quy mô trang trại, gia trại chăn nuôi an toàn sinh học ở các xã, thị trấn: Hoàng Nam, Nghĩa Lạc, Nghĩa Thành, Nghĩa Hùng. Nhiều trang trại có lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nuôi thủy sản được định hướng phát triển các con nuôi chủ lực phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, thu nhập bình quân của người nuôi đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm. Các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện phát triển tương đối ổn định, doanh thu tăng trưởng khá như ngành dệt may, gia công cơ khí, chế biến lương thực thực phẩm; tạo việc làm và thu nhập ổn định bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng. Các ngành nghề truyền thống như: khâu nón, đan cói, dệt chiếu, sản xuất miến dong, miến gạo tiếp tục được duy trì và phát triển. Đến hết năm 2018, thu nhập bình quân theo đầu người toàn huyện đạt 43,2 triệu đồng…
Vùng trồng cây dược liệu đinh lăng tập trung tại xã Nghĩa Lạc. |
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của Nghĩa Hưng được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều cách làm năng động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Do đó đến nay đã đạt được những kết quả toàn diện, nổi bật, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. 100% số xã, thị trấn của huyện được công nhận đạt chuẩn NTM và huyện Nghĩa Hưng được công nhận là huyện NTM từ năm 2017. Đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện; đường trục thôn, xóm và đường liên thôn, xóm; đường ngõ được nhựa hóa hoặc bê tông hóa 100%. Đường trục chính nội đồng được bê tông hóa trên 90%, đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Về cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục, y tế cũng được quan tâm đầu tư xây mới và nâng cấp, 26/26 trường mầm non, 33/33 trường tiểu học, 26/26 trường trung học cơ sở, 4/6 trường trung học phổ thông có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Tất cả các xã trên địa bàn huyện đều có nhà văn hóa, có hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân trên địa bàn huyện. Mạng lưới y tế được củng cố từ huyện tới cơ sở, 25/25 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia y tế giai đoạn 2011-2020…
Phân tích bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện Nghị quyết “tam nông”, đồng chí Lê Hồng Thanh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghĩa Hưng cho biết: Huyện đã tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, nêu cao vai trò của các chi bộ Đảng và tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò tham gia của các đoàn thể, các tổ chức xã hội. Kế hoạch, chương trình thực hiện Nghị quyết được xây dựng cụ thể, chi tiết, phân công rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm kịp thời trong suốt quá trình thực hiện. Làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Xác định đúng những khó khăn, thuận lợi trong xây dựng NTM ở từng cơ sở, từ đó tạo sự thống nhất, quyết tâm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, huy động tối đa sự tham gia đóng góp của cộng đồng cả về trí tuệ, công sức và nguồn lực vật chất. Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất theo quy hoạch, chọn những sản phẩm hoặc nghề là thế mạnh của đơn vị để nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả sản xuất. Quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, trước hết ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ phát triển kinh tế như thủy lợi, giao thông, các công trình phúc lợi xã hội như: trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... Trong quá trình đầu tư kiến thiết, phải kế thừa tối đa các công trình đã có, kết hợp với bổ sung, nâng cấp, xây dựng mới phù hợp với điều kiện từng địa phương, cơ sở nhằm tiết kiệm nguồn lực, giảm đóng góp của người dân để không tạo gánh nặng do xây dựng NTM. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng tiếp tục định hướng thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế bền vững, kiến tạo và duy trì cảnh quan môi trường thường xuyên “xanh - sạch - đẹp”. Tiếp tục xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ, giàu bản sắc truyền thống; xã hội nông thôn trật tự, an toàn, bình yên; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Huyện phấn đấu đến năm 2024 sẽ đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu “Văn minh - sạch đẹp và bình yên”./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh