(Tiếp theo và hết)
II. Hỗ trợ phát triển hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao và tham gia chuỗi liên kết
Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh kể từ khi chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012 vẫn còn hạn chế, yếu kém. Việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất chưa mạnh, cơ chế hợp tác gắn kết còn hạn chế, đầu tư ứng dụng công nghệ mới, tỷ lệ cơ giới hóa còn thấp. Chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chưa cao; công nghiệp chế biến, dịch vụ ở nông thôn phát triển chưa nhiều; giá trị xuất khẩu thấp. Việc liên kết giữa các HTX, doanh nghiệp, nông dân, nhà quản lý, nhà khoa học chưa hiệu quả. Tổ chức sản xuất của HTX chưa gắn với quy hoạch vùng sau dồn điền đổi thửa.
Hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản tuy được đầu tư, nâng cấp song chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hoá. Toàn tỉnh hiện còn 134 HTX trung bình hoạt động chưa thực sự có hiệu quả, 70 HTX yếu kém (trong đó có 12 HTX đã ngừng hoạt động là: huyện Giao Thủy 3 HTX, huyện Ý Yên 3 HTX, huyện Nam Trực 3 HTX, huyện Hải Hậu 1 HTX, huyện Mỹ Lộc 1 HTX, huyện Vụ Bản 1 HTX). Đặc biệt, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có HTX ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp.
Thành viên Hợp tác xã sản xuất, dịch vụ sinh vật cảnh Nam Toàn (Nam Trực) chăm sóc cây cảnh. |
Từ thực trạng phát triển kinh tế hợp tác, HTX của tỉnh, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo phát triển toàn diện kinh tế hợp tác, nhất là các loại hình HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực hoạt động của HTX theo Luật HTX năm 2012, khuyến khích HTX ứng dụng hiệu quả CNC trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ của HTX và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Cụ thể, sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp gồm: xử lý dứt điểm các HTX yếu kém; nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp hoạt động chưa hiệu quả đồng thời duy trì, nâng cao chất lượng các HTX đang hoạt động hiệu quả; thành lập mới các HTX nông nghiệp chuyên ngành; phát triển mô hình liên kết HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản; phát triển các HTX ứng dụng CNC trong nông nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương đã đồng thời triển khai nhiều biện pháp: hỗ trợ các HTX thực hiện các chuỗi liên kết và ứng dụng CNC, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh dịch vụ; tập trung xử lý dứt điểm các HTX yếu kém, các ngành qua việc tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để các HTX này tổ chức được Đại hội xã viên và tiến hành thủ tục giải thể tự nguyện cũng như thành lập lại HTX theo Luật, phấn đấu hoàn thành giải thể HTX yếu kém, không còn khả năng phát triển trước ngày 30-6-2019. Đối với nhóm HTX hoạt động chưa hiệu quả và yếu kém nhưng có khả năng phát triển sẽ tiếp tục chuyển đổi toàn diện, đúng, đủ 5 nội dung hoạt động theo Luật HTX 2012 (theo Hướng dẫn số 420/HD-SNN ngày 4-7-2014 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tổ chức Đại hội thành viên HTXNN gắn với chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012), hoàn thành trước ngày 30-4-2019. Tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn HTX phát triển quy mô các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ mới như tín dụng nội bộ, bảo quản chế biến sản phẩm, nước sạch, thu gom rác thải và vệ sinh môi trường, nông thôn; hướng dẫn và hỗ trợ, tạo điều kiện để HTX tham gia vào Chương trình phát triển nông sản chủ lực của địa phương; Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP; hỗ trợ tư vấn kỹ thuật sản xuất và cung cấp kiến thức, thông tin thị trường cho các HTX. Hướng dẫn và tạo điều kiện để các HTX được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước và tiếp cận các nguồn vốn vay, các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Vận động những chủ trang trại và gia trại có quy mô sản xuất lớn hợp tác, liên kết cùng nhau thành lập HTX theo Luật HTX 2012; vận động các hộ nông dân và những người lao động sản xuất giỏi có kinh nghiệm, uy tín đối với cộng đồng đứng ra làm sáng lập viên thành lập HTX chuyên ngành sản xuất, kinh doanh dịch vụ các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương và tham gia chương trình OCOP. Các địa phương tạo điều kiện đẩy mạnh tập trung, tích tụ ruộng đất thành các vùng cánh đồng lớn, cánh đồng nguyên liệu để thu hút các doanh nghiệp, HTX cùng tham gia xây dựng thực hiện các chuỗi liên kết giá trị. Trên cơ sở kết quả thực hiện các dự án liên kết, khả năng thị trường và khả năng phát triển vùng nguyên liệu, các huyện, thành phố chủ trì chỉ đạo tổng kết, đánh giá và nhân rộng số lượng, quy mô các mô hình liên kết phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển các sản phẩm chủ lực trên địa bàn. Tập trung tổ chức đánh giá, bình chọn 4 nhóm sản phẩm lúa gạo, thịt, trứng, rau củ và dược liệu theo chu trình OCOP để hình thành các sản phẩm OCOP theo 3 cấp: quốc gia, tỉnh, huyện; phấn đấu có trên 50% số loại sản phẩm từ các chuỗi liên kết trở thành sản phẩm OCOP. Phấn đấu năm 2019 xây dựng mới 10-12 chuỗi liên kết với các sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, lúa đặc sản, thịt lợn sạch, lợn sữa, tôm, ngao…; hoàn thiện, phát triển 5-6 sản phẩm OCOP từ các chuỗi liên kết. Đến năm 2020, mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 dự án liên kết với 2-3 chuỗi liên kết gắn với từng loại sản phẩm; toàn tỉnh phát triển mới 13-15 chuỗi liên kết, nhân rộng ít nhất gấp 2 lần quy mô các chuỗi liên kết thực hiện năm 2019; hoàn thiện và phát triển 6-7 sản phẩm OCOP từ các chuỗi liên kết. Ngày 7-1-2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND về phát triển HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, HTX liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và HTX ứng dụng CNC trong nông nghiệp đến năm 2020. Mục tiêu của kế hoạch này là đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có 340 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, đúng luật (chiếm 90% tổng số HTX), không còn HTX nông nghiệp yếu kém; trong đó có khoảng 50% số HTX tham gia các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực ở địa phương và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Để đẩy mạnh phát triển các HTX ứng dụng CNC trên địa bàn, thời gian tới các huyện, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo việc lựa chọn công nghệ, lĩnh vực, áp dụng và chọn 3 HTX ở 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản của các huyện, thành phố để xây dựng mô hình HTX ứng dụng CNC. Trong đó, sẽ áp dụng tiêu chí lựa chọn các HTX để hỗ trợ xây dựng mô hình HTX ứng dụng CNC gồm: có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ưu tiên HTX đang bước đầu tiếp cận ứng dụng CNC vào hoạt động sản xuất; sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có liên kết với doanh nghiệp trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm; có đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNC vào sản xuất; có tiềm năng đất đai, vốn (kể cả vốn đối ứng các dự án CNC), có hạ tầng tốt để phục vụ sản xuất. Trên cơ sở xây dựng thành công các mô hình HTX ứng dụng CNC, các huyện, thành phố tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình có hiệu quả trên địa bàn, đảm bảo toàn tỉnh có 13 HTX ứng dụng CNC trong năm 2019 và đến năm 2020 có khoảng 20 HTX ứng dụng CNC./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy