(Tiếp theo và hết)
II. Tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp
Tại hội nghị đối thoại thường niên giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp tổ chức cuối tháng 1 vừa qua, ông Trần Xuân Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh cho biết: "Thời gian qua, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã nỗ lực giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiếp cận với các đối tác nước ngoài. Đặc biệt, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, giảm tối đa các thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực: thuế, ngân hàng, hải quan, đất đai...; đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh đã tích cực cải thiện rõ rệt lề lối, tác phong làm việc. Cụ thể như, nhiều thủ tục hành chính đã được quan tâm giải quyết nhanh trong 2-3 ngày; các công chức của ngành Thuế tỉnh, các cán bộ làm thủ tục tại bộ phận hành chính “một cửa” đã niềm nở, hướng dẫn chi tiết khi các doanh nghiệp, người dân thực hiện các thủ tục hành chính theo yêu cầu". Đúng như đánh giá của đại diện doanh nghiệp những năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển theo chiều sâu, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực như: dịch vụ hải quan, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, đầu tư, các vấn đề pháp lý, tiếp cận thị trường cho hàng hóa, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan…
Sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại Công ty cổ phần May 1 Dệt Nam Định. |
Để tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng hiệu quả các cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành chức năng tập trung thực hiện Kế hoạch 113/KH-UBND ngày 19-12-2018 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 4-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn. Các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có tính thực tiễn cao nhằm hướng dẫn, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, lành mạnh, phù hợp và thuận lợi, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, thực thi các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể để cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành, thực hiện tốt việc cung cấp, giải quyết các thủ tục hành chính qua Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính công ích; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất và xuất khẩu. Tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định có liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh; hạn chế tối đa việc ban hành mới các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không cần thiết, thực hiện nghiêm nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục rà soát để thực hiện đơn giản hóa và rút ngắn thời gian làm thủ tục thành lập doanh nghiệp; bảo đảm giải quyết tối đa trong 2 ngày làm việc; giảm 50% thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; giảm 50% thời gian lấy ý kiến, thẩm định trình quyết định chủ trương đầu tư, kết nối các thủ tục thuế, lao động, bảo hiểm, ngân hàng nhằm rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh cho doanh nghiệp. Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong thực hiện các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước (bảo lãnh, trợ cấp lãi suất, vốn đối ứng theo yêu cầu của ngân hàng); áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, đăng ký sử dụng mã số, mã vạch cho sản phẩm, hàng hóa; chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan cung cấp thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, nhất là các sản phẩm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất dữ liệu của các sở, ngành, doanh nghiệp để giảm số lượng hồ sơ khi thực hiện các thủ tục liên quan đến hàng hóa nhập khẩu; sớm chuyển 100% thủ tục hành chính từ chế độ tiền kiểm sang hậu kiểm, đáp ứng quy định của pháp luật, đảm bảo điều kiện thông thoáng; giảm 40% thời gian giải quyết hồ sơ (từ 5 ngày xuống 3 ngày) đối với thủ tục đăng ký hợp chuẩn, hợp quy đối với các sản phẩm hàng hóa; thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo vào ngày thứ bảy, chủ nhật khi doanh nghiệp có yêu cầu nhằm giảm thời gian ngưng máy của doanh nghiệp. Ngành Ngân hàng tập trung thực hiện tốt các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi trọng điểm; tiếp tục cải tiến, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng, tiết kiệm chi phí để có điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay... Ngay trong quý I-2019, ngành Công thương sẽ tổ chức hội nghị tập huấn, cung cấp đầy đủ, cập nhật các thông tin về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế; hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp, người dân nắm bắt, hiểu biết các cơ hội có thể tận dụng, các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu và đối phó các biện pháp phòng vệ thương mại nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu; cung cấp cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh những vấn đề liên quan đến thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế. Tập trung triển khai Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 28-6-2018 của UBND tỉnh về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để huy động mọi nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, nhất là các ngành, lĩnh vực công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, xây dựng lại cơ cấu thị trường, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu; chuyển dịch sản xuất hàng xuất khẩu theo hướng tăng sản phẩm chế biến và chế biến sâu, xuất khẩu trực tiếp. Từng bước phát triển thị trường xuất khẩu nông sản thực phẩm chế biến, nhất là thịt lợn, ngao thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Tập trung thực hiện Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 19-10-2018 của UBND tỉnh về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh với các chính sách, chương trình hỗ trợ về vốn, mặt bằng, đào tạo, tiếp cận thông tin, công nghệ, thị trường; ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, tạo chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm ưu tiên, đặc thù của tỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát, cơ cấu lại sản xuất nhằm phát huy tối đa thế mạnh của các địa phương trong phát triển kinh tế; phối hợp thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm giúp người sản xuất tiếp cận công nghệ sản xuất an toàn, hiệu quả; nâng cao hiệu quả việc thẩm định cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ cho các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm chất lượng, an toàn. Tỉnh sẽ ưu tiên giúp đỡ nhóm doanh nghiệp chủ lực của tỉnh, các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm thủy sản và chế tạo cơ khí thông qua việc cung cấp thông tin, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hàng hóa, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm tại thị trường quốc tế; đặc biệt hướng tới thị trường các nước là thành viên Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Mỹ./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy