Đối với Thành phố Nam Định là đô thị loại I thuộc tỉnh, trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, khoa học của tỉnh và vùng Nam đồng bằng sông Hồng thì quy hoạch thoát nước mưa và nước thải phải là một trong những quy hoạch ưu tiên hàng đầu cần sớm được hoàn thiện. Mặc dù trong những năm qua, mạng lưới thoát nước đã được đầu tư nhưng vẫn chưa giải quyết được tình trạng ngập úng cục bộ. Thành phố cần có quy hoạch phù hợp đảm bảo thu hút xã hội hoá đầu tư cho hạng mục thoát nước mưa và nước thải.
Tuyến đường Hàng Thao (Thành phố Nam Định) là “điểm đen” về ngập úng do cốt nền thấp nhất ở thành phố. |
Với sự hợp tác giúp đỡ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Thành phố Nam Định đã làm chủ đầu tư lập quy hoạch hệ thống thoát nước mưa và nước thải của thành phố. Đến nay, quy hoạch đã cơ bản hoàn thành với định hướng đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu phát triển hạ tầng thoát nước thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu hiện nay. Theo đó về quy hoạch hệ thống thoát nước mưa, quy hoạch được lập theo dự báo lượng mưa có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của thành phố từ 268,78-299,15 mm/ngày. Trên cơ sở đó, hướng thoát nước mưa chính của thành phố được quy hoạch chia làm 2 lưu vực chính là bắc và nam sông Đào. Ngoài các tuyến thoát nước mưa theo quy hoạch chung xây dựng Thành phố Nam Định đến năm 2025, đơn vị tư vấn đề nghị bổ sung một số tuyến cống cấp 1 chính như: Bổ sung tuyến cống tiêu thoát nước mặt lưu vực Khu đô thị Hoà Vượng ra tuyến kênh T3-11 đã được cải tạo thành cống hộp thuộc đường Kênh, bổ sung các tuyến cống ngầm nối các hồ với hệ thống tiêu thoát kênh T3-11; Bổ sung tuyến cống thoát nước chính kích thước 5x3m điểm đầu ngã 3 đường Võ Nguyên Giáp và Trần Thánh Tông dọc theo đường Lưu Hữu Phước đi qua Khu đô thị Mỹ Trung và nối vào kênh T3-11. Bổ sung tuyến cống chính 2x2m trên đường Thái Bình về trạm bơm Quán Chuột. Bổ sung tuyến cống kích thước 2,5x2,5m dọc đường Vị Hoàng - Võ Nguyên Giáp đấu nối với tuyến cống cấp I dọc theo đường Lưu Hữu Phước. Bổ sung một số tuyến cống cấp I để nối các tuyến cống thoát nước mưa theo điều chỉnh quy hoạch chung thành phố thành một hệ thống hoàn chỉnh để giảm thiểu thời gian nước chảy trong cống về trạm bơm Kênh Gia. Đối với lưu vực từ Kênh Gia - Trần Huy Liệu - Văn Cao - Lương Thế Vinh - Nguyễn Hiền, một phần hồ Hàng Nan, đường Hà Huy Tập, Thành Chung, đề nghị bổ sung tuyến cống kích thước 3x2m thuộc đường Lương Thế Vinh đến ngã 3 đường Lương Thế Vinh - Văn Cao, bổ sung tuyến cống kích thước 4x2m dọc đường Văn Cao thu gom nước mưa từ tuyến cống đường Lương Thế Vinh. Đối với lưu vực các đường Hai Bà Trưng - Trần Hưng Đạo - Trần Đăng Ninh - một phần đường Nguyễn Văn Trỗi, hồ Đông An, đề nghị bổ sung tuyến cống kích thước 2x2,5m trên đường Trần Đăng Ninh và bổ sung tuyến cống kích thước 2x2m từ ngã tư các đường Trần Phú - Trần Hưng Đạo đến ngã ba đường Trần Phú - Đinh Bộ Lĩnh. Bổ sung các tuyến cống thu gom nước trên đường Hàng Thao; bổ sung tuyến cống từ ngã ba đường Hoàng Hoa Thám - Trần Đăng Ninh đến Trần Phú, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Văn Trỗi vào hồ Đông An. Đối với lưu vực Kênh Gia - Văn Cao - nút giao đường Trần Quang Khải, Văn Cao, Trường Thi đến đường Trần Nhân Tông đến trạm bơm Kênh Gia, bổ sung thêm 2 tuyến cống: tuyến cống từ hồ Đông An đến đường Trần Nhân Tông; tuyến cống từ đường Song Hào vào tuyến cống đường Trần Bích San tiêu thoát cho khu vực Kênh Gia. Các lưu vực khác nội thị tiếp tục bổ sung thay thế bằng các tuyến cống đường kính từ DN1200-DN1800, cống hộp từ 2x2m đến 6x3m để đảm bảo tiêu thoát nước dài lâu cho các khu đô thị. Đồng thời, nâng công suất trạm bơm thuỷ lợi Vạn Diệp lên 22 m3/s. Ngoài các hồ hiện hữu, đơn vị tư vấn đề nghị bổ sung thêm 4 hồ gồm hồ gần trạm bơm Kênh Gia (4,27ha); hồ trên kênh T3-11 (2ha), hồ tại cống Vạn Diệp (7,3ha), hồ trước trạm bơm tiêu thoát Vạn Diệp (5,28ha).
Về hệ thống thoát nước thải, lượng nước thải phát sinh tính toán dựa trên dân số tại khu vực quy hoạch đến năm 2030 là 334.420 m3/ngày đêm và đến năm 2050 là 451.326 m3/ngày đêm. Đối với khu vực thành phố, tập trung xây dựng nhà máy xử lý nước thải thuộc xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), sau khi xử lý được bơm vào kênh dẫn chảy ra sông Hồng. Xây dựng các giếng tách nước mưa và nước thải, các tuyến cống chính từ DN600-DN1.700 và 2 trạm bơm chuyển tiếp nước thải. Ngoài ra, dự kiến đầu tư một nhà máy xử lý nước thải tại xã Đại An (Vụ Bản); xây dựng các tuyến cống nước thải từ DN600-DN1.400 và 1 trạm bơm chuyển tiếp nước thải. Khu vực phía nam sông Đào ngoài hình thức thu gom và xử lý theo hình thức phân tán sẽ bố trí 2 nhà máy xử lý nước thải tập trung tại xã Nam Mỹ công suất dự kiến đến năm 2030 là 3.780 m3/ngày đêm và nhà máy xử lý nước thải tại xã Nghĩa An đều thuộc huyện Nam Trực có công suất dự kiến đến năm 2030 là 1.500 m3/ngày đêm. Công nghệ xử lý đối với khu vực nội thị đã có các tuyến cống thoát nước sử dụng chung và không có khả năng tách riêng thì sử dụng các hệ thống giếng tách nước mưa và nước thải ngay từ đầu vào các tuyến cống, thu gom. Đối với khu vực đô thị xây mới, sử dụng hệ thống tiêu thoát nước thải tách riêng với hệ thống thoát nước mưa. Đối với các khu vực ngoại vi thành phố hiện hữu, sử dụng mô hình thu gom và xử lý nước thải theo dạng phân tán. Ước tính vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước (bao gồm hệ thống thoát nước mưa, nước thải, trạm xử lý nước thải) từ nay đến năm 2030 là 6.474 tỷ đồng bằng các nguồn vốn Nhà nước, xã hội hoá (các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính quốc tế: JICA, ODA, WB...), vốn huy động từ các thành phần kinh tế khác.
Có thể nói, quy hoạch hệ thống thoát nước được hoàn thành xây dựng sẽ giúp thành phố kiểm soát, quản lý tình trạng ngập lụt và tiêu thoát nước đô thị phù hợp với đặc điểm hiện trạng, thuỷ văn, địa hình và các quy hoạch khác trên địa bàn thành phố. Đồng thời, giảm thiểu ô nhiễm nước thải thông qua thu gom và xử lý; cải tạo chất lượng nước các sông, hồ trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cấp mỹ quan, môi trường đô thị. Thời gian tới, UBND thành phố sẽ tập trung nghiên cứu các giải pháp thiết kế, công nghệ hợp lý, hướng tới tái sử dụng nước đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn tài nguyên nước. Ứng dụng công nghệ thi công tiên tiến và các biện pháp hợp lý, hạn chế thấp nhất các tác động đến môi trường, tránh tác động xấu đến các khu di tích có giá trị cao về văn hoá. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch quản lý và giám sát môi trường đảm bảo phù hợp với quy định. Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm phục vụ công tác quản lý và vận hành hệ thống thoát nước khi có mưa lớn. Xây dựng quy trình quan trắc môi trường đảm bảo phòng ngừa, phát hiện và xử lý sự cố của công trình xử lý nước thải, bùn thải; nâng cao năng lực quản lý và vận hành hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, bùn thải./.
Bài và ảnh: Đức Toàn