Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua, tỉnh ta đã và đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, an toàn và đem lại sự yên tâm cho người tiêu dùng.
Hướng dẫn người tiêu dùng cách quét mã vạch QR code để truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Trung tâm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch Nam Định. |
Tỉnh xác định việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn có vị trí quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Do đó, tỉnh đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường liên kết, mở rộng quy mô sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế hộ và kinh tế trang trại; củng cố và phát triển các loại hình hợp tác xã; khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã xây dựng, phát triển được 25 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc. Trong đó, về nguồn gốc thực vật có các chuỗi: Chuỗi liên kết sản xuất gạo sạch chất lượng cao của Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân; chuỗi liên kết sản xuất lúa giống, gạo Japonica (Nhật Bản) của Công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Tân; chuỗi rau sạch của Công ty cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh, chuỗi sản xuất chế biến, tiêu thụ cây dược liệu của các công ty dược trên địa bàn tỉnh... Công ty trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Đình Mộc Xuân Trường đã tích tụ ruộng đất của hàng trăm hộ nông dân để sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn. Với phương châm sản xuất đa cây, đa con, hiện nay, Công ty đã có 5 sản phẩm nông sản chủ lực được người tiêu dùng biết đến như: măng tây, rau củ quả, vịt trời, cá chạch và lúa chất lượng cao. Hiện công ty đã hoàn thiện quy trình truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm măng tây qua tem điện tử thông minh. Đây là tiền đề cho việc minh bạch hóa thông tin các sản phẩm nông sản của công ty đến người tiêu dùng. Ông Đinh Xuân Mộc, Giám đốc Công ty cho biết: “Việc dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ trên sản phẩm giúp người tiêu dùng biết đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, chính xác, nhanh chóng thông tin về thực phẩm như: nơi sản xuất, nơi chế biến, nhà sản xuất, giá cả, địa điểm phân phối… tạo niềm tin của người tiêu dùng với công ty”. Đối với nguồn gốc động vật, thủy sản, tỉnh xây dựng được các chuỗi tiêu biểu như: Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến lợn sữa, lợn choai xuất khẩu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Công Doanh 2.000 con/ngày; chuỗi sản xuất chế biến ngao sạch xuất khẩu của Tập đoàn Thủy sản Lenger… Công ty trách nhiệm hữu hạn Công Phượng có hệ thống trang trại nuôi gà đẻ trứng được xây dựng trên khuôn viên hơn 500 nghìn m2 ở xã Hải Xuân (Hải Hậu). Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Công ty cho biết: Hệ thống nuôi của trang trại đạt theo tiêu chuẩn VietGAHP với quy mô 100 nghìn con, sản lượng 4.500 quả trứng mỗi ngày; công ty đã cung cấp cho các hệ thống phân phối thực phẩm sạch ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung các sản phẩm mang nhãn hiệu như: trứng gà cao cấp Công Phượng, trứng gà quê Công Phượng. Tất cả các sản phẩm của công ty đều được cấp chứng chỉ VietGAHP, chứng nhận chăn nuôi không tồn dư kháng sinh và truy xuất được nguồn gốc. Ngoài việc đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo liên kết chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc, tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng nhiều tài liệu tuyên truyền, quảng bá (71.500 tờ gấp; 142 pano) giới thiệu về những sản phẩm chủ lực, có chất lượng tốt, truy xuất được nguồn gốc. Mời gọi nhiều doanh nghiệp của các tỉnh đến thăm các vùng nguyên liệu và ký kết tiêu thụ sản phẩm nông sản thực phẩm với các doanh nghiệp trong tỉnh. Hiện nay, các sản phẩm rau, thịt, thủy sản an toàn của tỉnh ta đã được các doanh nghiệp của Thành phố Hà Nội ký kết tiêu thụ; sản phẩm muối, nước mắm được các doanh nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc ký kết; còn hải sản tươi sống và chế biến được tiêu thụ ở các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc. Ngoài ra, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản tiêu biểu của tỉnh đều đã được các siêu thị hợp tác ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm như BigC, Co.opmart, An Việt...
Việc phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta đã từng bước hình thành lực lượng lao động mới có tư duy phát triển nông nghiệp hàng hóa, sản xuất gắn với thị trường đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn tỉnh việc liên kết sản xuất dọc theo ngành hàng và liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp còn ít, doanh nghiệp chưa thực sự là “bà đỡ” cho sản phẩm của nông dân. Công tác kiểm soát, giám sát an toàn thực phẩm mới chỉ triển khai có kết quả tốt ở một số chuỗi sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, tập trung vào một số sản phẩm chủ lực của một số vùng mà chưa đồng đều cho tất cả các sản phẩm; chưa tạo được sự gắn kết, tham gia một cách tự giác của các doanh nghiệp nên hiệu quả còn hạn chế. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh đa phần quy mô nhỏ, lẻ, chưa chủ động đổi mới công nghệ, phương thức sản xuất, quản lý, tiếp cận thị trường; chưa quan tâm nhiều đến xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, chưa coi trọng thương hiệu là một giá trị tài sản của doanh nghiệp. Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến GMP, HACCP… để bảo đảm an toàn vệ sinh, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chưa nhiều. Việc điều tiết nguyên liệu cho công nghiệp chế biến còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa đáp ứng được các hợp đồng tiêu thụ ổn định với các đơn vị chế biến và siêu thị lớn để liên kết chuỗi.
Để tiếp tục phát triển các chuỗi sản xuất nông nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc, trong thời gian tới tỉnh tập trung triển khai xây dựng và thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” để đa dạng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp cung cấp cho người tiêu dùng trong cả nước. Đẩy mạnh việc hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến VietGAP, HACCP, ISO... Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa. Vận động, hướng dẫn các cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng mã tem QR code để quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả. Đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh để tăng cường hợp tác liên kết với các tỉnh bạn trong việc quảng bá giới thiệu sản phẩm sạch của tỉnh và cả nước, phục vụ người tiêu dùng. Kết nối giới thiệu các vùng sản xuất, các cơ sở thu mua, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản được kiểm tra, giám sát, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh