Thời gian qua, hoạt động tích tụ ruộng đất để tạo nên những vùng chuyên canh quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đã từng bước phát triển. Tập trung ruộng đất đã tạo nền tảng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường, là tiền đề quan trọng thực hiện thành công các mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Vì vậy, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy tích tụ ruộng đất nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển các mô hình cánh đồng lớn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, đến nay việc tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn; mô hình tập trung ruộng đất chưa nhiều, diện tích tập trung chưa lớn.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc khó tích tụ ruộng đất được tỉnh xác định do tâm lý của người dân. Một bộ phận nông dân chưa “thông suốt” tư tưởng về tập trung đất đai, vẫn còn tâm lý giữ ruộng mặc dù đã “đầu quân” cho các doanh nghiệp và không làm nông nghiệp nữa. Đây cũng là nguyên nhân khiến diện tích ruộng bị bỏ hoang còn nhiều. Theo thống kê của Sở NN và PTNT, mỗi vụ gieo cấy bình quân người nông dân bỏ hoang khoảng 200ha đất nông nghiệp; trong đó diện tích ruộng bỏ hoang nhiều tập trung tại các huyện Ý Yên, Trực Ninh, Nam Trực, Mỹ Lộc. Trước đây, có những năm diện tích gieo trồng rau màu của tỉnh lên tới trên 17 nghìn ha thì đến năm 2017, diện tích cây vụ đông của tỉnh chỉ còn trên 11,5 nghìn ha. Đặc biệt, vụ mùa năm 2018, do nhiều người dân chuyển sang làm việc khác có thu nhập cao hơn cộng với diễn biến thời tiết khó lường nên diện tích ruộng bị bỏ hoang lên đến gần 1.000ha. Ngoài ra còn một nguyên nhân nữa khiến các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp chưa yên tâm tích tụ ruộng đất vì băn khoăn trước các quy định về hạn điền đối với nhóm hộ gia đình, cá nhân và thời hạn cho thuê đất đối với doanh nghiệp. Trong đó, đối với đất công, thời hạn cho thuê “theo nhiệm kỳ”. Đối với đất của nông dân, nếu thuê ngắn hạn thì doanh nghiệp không dám thuê để đầu tư, vì không đủ thời gian thu hồi vốn; nếu thuê dài hạn thì người dân e ngại mất đất. Để tháo gỡ nút thắt này, người dân và doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị với tỉnh và Trung ương cho phép: mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp hộ gia đình, cá nhân; cho phép các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và thuê đất của Nhà nước để đầu tư sản xuất lâu dài.
Nhờ tập trung ruộng đất, ông Cao Văn Ba, xóm Lâm Hồ, xã Giao Phong (Giao Thủy) có điều kiện đầu tư mô hình nuôi tôm công nghệ cao. |
Nhằm thúc đẩy tập trung ruộng đất, tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố rút kinh nghiệm từ triển khai các mô hình của Cty TNHH Cường Tân, Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc, Tập đoàn Vingroup và Cty TNHH Toản Xuân, chuẩn bị tốt các phương án vận động nhân dân cho thuê đất hoặc góp quyền sử dụng đất với doanh nghiệp để tham gia các chuỗi liên kết sản xuất, tiếp tục thực hiện các giải pháp tổ chức sản xuất cánh đồng lớn, các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung "cánh đồng lớn liên kết chuỗi giá trị" và các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, giúp các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp yên tâm, tin tưởng phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Trên cơ sở rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020, tỉnh tập trung chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức lại các mô hình sản xuất nông nghiệp (kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp...) cho phù hợp với trình độ của nền kinh tế và yêu cầu thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Tích cực cải thiện các chỉ tiêu về môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp. Đổi mới mô hình kinh tế hộ theo hướng khuyến khích các hộ chủ động thuê gom, tích tụ ruộng đất và nguồn vốn, mở rộng quy mô sản xuất tập trung chuyên môn hóa theo các mô hình trang trại, gia trại chuyên canh; tăng cường liên kết giữa các hộ, giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất và hình thành các chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản. Khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ liên kết doanh nghiệp - nông dân. Tập trung chỉ đạo các ngành có liên quan hướng dẫn và triển khai thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Thời gian tới, tỉnh chỉ đạo phổ biến đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan, đặc biệt là quy định về các quyền, nghĩa vụ cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong đó sẽ chú trọng tuyên truyền, cung cấp nội dung thông tin liên quan đến quy định về hạn điền, thời gian thuê đất. Cụ thể, đối với đất nông nghiệp quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được thực hiện theo các Điều 129 và Điều 130 Luật Đất đai năm 2013; Điều 44 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Các quy định về hạn mức theo Điều 44 Nghị định 43 được đánh giá là phù hợp với năng lực sản xuất của đại bộ phận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, quy định này cũng đảm bảo hạn chế tình trạng người có điều kiện tài chính tiến hành thu gom đất đai dẫn đến tình trạng nông dân không có đất sản xuất. Trường hợp đặc biệt, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu diện tích đất lớn hơn để sản xuất lớn có thể thành lập doanh nghiệp để thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp với quy mô sản xuất lớn. Về các đề xuất khác, đặc biệt là liên quan đến chính sách đất đai để thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất nông nghiệp đang được Bộ TN và MT nghiên cứu giải pháp để trình Chính phủ và Quốc hội quyết định trong thời gian tới./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy