Tháo gỡ khó khăn, tăng cường quản lý, phát triển các cụm công nghiệp

08:10, 23/10/2018

Ngày 25-5-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP quy định về quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất, kinh doanh trong CCN; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển CCN và quản lý Nhà nước đối với các CCN, có hiệu lực từ ngày 15-7-2017. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để khắc phục những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động của CCN, đồng thời thúc đẩy và phát huy vai trò của các CCN trong phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Cùng với những cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư được ban hành tại Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 7-5-2012 của UBND tỉnh là hành lang pháp lý quan trọng để tỉnh ta tăng cường công tác quản lý Nhà nước (về quy hoạch, thành lập, mở rộng) các CCN, phát huy tối đa vai trò của các CCN trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sản xuất trang phục xuất khẩu tại Cty CP May Sông Hồng, CCN Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường).
Sản xuất trang phục xuất khẩu tại Cty CP May Sông Hồng, CCN Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường).

Trong hơn một năm triển khai Nghị định số 68 của Chính phủ, công tác điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cũng như thành lập, mở rộng các CCN... trên địa bàn đã được Sở Công thương tích cực tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng thủ tục, trình tự quy định. Công tác quản lý CCN tại các địa phương từng bước được hoàn thiện trong các hoạt động quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng chung, quản lý đầu tư và sản xuất của các doanh nghiệp; thực hiện thu thập, báo cáo thông tin, số liệu thống kê về hoạt động của các CCN trên địa bàn theo quy định tại Thông tư số 15/2017/TT-BCT của Bộ Công thương, tạo cơ sở để hình thành hệ thống dữ liệu về CCN trên địa bàn, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phát triển CCN nói riêng, ngành CN-TTCN nói chung của tỉnh và Bộ Công thương. Đồng thời, Sở Công thương cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố trình UBND tỉnh thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư vào CCN theo quy định của Nghị định số 68. Sở đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành và UBND các địa phương tiến hành rà soát nhu cầu, định hướng phát triển trong tương lai để trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 4-4-2017 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo quy hoạch được duyệt, đến năm 2025 toàn tỉnh có 56 CCN, với tổng diện tích 1.588,07ha. Trong đó, đến năm 2020 quy hoạch 41 CCN, với diện tích 783,27ha; giai đoạn 2021-2025 quy hoạch mới 15 CCN với diện tích 804,8ha; mở rộng 23 CCN với diện tích 426,7ha. Trong 6 tháng đầu năm 2018, UBND tỉnh đã quyết định điều chỉnh quy hoạch mở rộng diện tích 1 CCN lên 25ha; đưa tổng diện tích các CCN được quy hoạch trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là 1.613,07ha. Hiện tại UBND tỉnh đang cho phép các nhà đầu tư thực hiện thủ tục triển khai xây dựng CCN Thanh - Côi (Vụ Bản) với diện tích khoảng 50ha; CCN Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) với diện tích 34,9ha; mở rộng CCN Xuân Tiến (Xuân Trường) với diện tích 9,2ha. Đồng thời một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đang nghiên cứu, khảo sát để thực hiện các dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng các CCN khác trên địa bàn tỉnh. Việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch CCN đã tạo điều kiện để các địa phương bố trí được quỹ đất sạch cho mục tiêu thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất CN-TTCN, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương. Như vậy đến nay, toàn tỉnh có 21 CCN được thành lập với tổng diện tích 424,5ha; trong đó 20 CCN đã đi vào hoạt động với diện tích 374,5ha; tỷ lệ lấp đầy trung bình của các CCN đạt khoảng 82%. UBND tỉnh đã quyết định đầu tư mở rộng 2 CCN Đồng Côi (Nam Trực) và Thịnh Lâm (Giao Thủy); thành lập mới CCN Yên Dương (Ý Yên) với tổng diện tích 96,8ha, tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật được duyệt là 825 tỷ đồng. CCN Đồng Côi mở rộng giai đoạn II thêm 24,8ha, nâng tổng diện tích toàn CCN thành 39,95ha; tổng mức đầu tư mở rộng giai đoạn II được duyệt là 193 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. CCN Thịnh Lâm mở rộng diện tích lên 22ha, tổng mức đầu tư là 206 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành mở rộng vào tháng 12-2018. CCN Yên Dương được thành lập với tổng diện tích giai đoạn I là 50ha, tổng mức đầu tư là 426 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2019. Thực hiện Nghị định số 68 đã tạo điều kiện để UBND tỉnh kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN, khắc phục tình trạng thiếu vốn xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các CCN trong quy hoạch đã được phê duyệt. Hiện tại ở 20 CCN đã đi vào hoạt động trước năm 2010, hạ tầng kỹ thuật như hệ thống giao thông nội bộ, hệ thống điện, hệ thống cấp, thoát nước tương đối hoàn chỉnh; 3 CCN đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng vốn đầu tư là 27,5 tỷ đồng. Đến tháng 6-2018, 20 CCN đang hoạt động đã thu hút được 478 dự án với số vốn đăng ký đầu tư là 2.983,2 tỷ đồng, số vốn thực hiện là 2.706,7 tỷ đồng, thu hút 19.700 lao động. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 173,29ha; tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 82%, nhiều CCN đã lấp đầy 100% như CCN Thị trấn Cổ Lễ, CCN Cát Thành (Trực Ninh), CCN La Xuyên, CCN Tống Xá (Ý Yên),…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 68 đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế ảnh hưởng lớn tới sự phát triển bền vững của các CCN. Chẳng hạn khoản 2 Điều 20 Nghị định số 68 quy định, chủ đầu tư được huy động vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN theo quy định của pháp luật, tuy nhiên việc huy động như thế nào chưa có hướng dẫn cụ thể nên khó khăn cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, nhất là đối với các dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng CCN do Trung tâm phát triển CCN các huyện, thành phố làm chủ đầu tư. Nghị định 68 và Thông tư số 15/2017/TT-BCT của Bộ Công thương cũng chưa hướng dẫn cụ thể việc bàn giao chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các CCN được đầu tư từ ngân sách Nhà nước hiện do các đơn vị sự nghiệp công lập quản lý (Trung tâm phát triển CCN huyện) cho các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng để đầu tư mở rộng CCN. Để tạo điều kiện thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN, Sở Công thương đã trình UBND tỉnh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét, quy định cụ thể một số nội dung: Quy định cụ thể việc huy động vốn của chủ đầu tư và việc ứng vốn hoặc góp vốn để xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật của nhà đầu tư thứ cấp. Bổ sung quy định về việc bàn giao chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các CCN từ các đơn vị sự nghiệp công lập quản lý (Trung tâm phát triển CCN) cho các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng CCN, tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý và kêu gọi thu hút đầu tư./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com