Sau khi 5 huyện được công nhận đạt chuẩn huyện NTM gồm: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường và Giao Thủy, trên cơ sở kết quả thực hiện chương trình ở các địa phương, tỉnh đặt kế hoạch phấn đấu đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn tất chương trình xây dựng NTM tại tất cả các huyện còn lại vào năm 2019. Cụ thể, phấn đấu trong tháng 11-2018, Thành phố Nam Định được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; trong tháng 12-2018 các huyện Vụ Bản, Ý Yên được công nhận huyện đạt chuẩn NTM; trong quý II-2019 huyện Nam Trực, Mỹ Lộc được công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, đến nay ở các huyện còn lại đều có một tiêu chí chưa đạt trọng tâm và khó giải quyết nhất là tiêu chí số 17 về môi trường.
Xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt tại xã Liêm Hải (Trực Ninh). |
Tại Ý Yên, để thực hiện tiêu chí môi trường, huyện đã ban hành kế hoạch 662/KH-UBND về quản lý chất thải rắn trên địa bàn giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025. Hiện nay 100% các xã, thị trấn trong huyện đã thành lập tổ đội thường xuyên thu gom rác thải sinh hoạt. Trên địa bàn huyện có 12 lò đốt rác đang hoạt động hiệu quả, 5 xã đang xây dựng hoàn thiện lò đốt rác, 11 xã có bãi xử lý rác thải tập trung đang vận hành. 3 CCN (Yên Ninh, Yên Xá và Thị trấn Lâm) đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường được Sở TN và MT phê duyệt và đang triển khai thực hiện. Hội LHPN huyện đã phát động phong trào "đường hoa" NTM tại các xã, thị trấn; ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên, đến nay huyện Ý Yên chưa có hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn; một số cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ chưa thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT); 2 CCN Yên Ninh và Thị trấn Lâm chưa có khu xử lý nước thải công nghiệp, CCN Yên Xá có khu xử lý nước thải nhưng chưa đưa vào vận hành. Còn 4 xã khó khăn trong xây dựng lò đốt rác đã có phương án liên kết với các xã lân cận để xử lý rác. Tại huyện Mỹ Lộc, Phòng TN và MT đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng phương án quản lý, xử lý chất thải trên địa bàn huyện giai đoạn 2018-2020. Các xã, thị trấn giao cho tổ chức hội, đoàn thể huy động tối đa người dân chung sức thực hiện hiệu quả phong trào giữ gìn cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, trồng hoa và cây xanh trên các tuyến giao thông. Tuy nhiên, đến nay các xã, thị trấn chưa ký được hợp đồng thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt với Cty CP Môi trường Nam Định. Huyện đang tổ chức thu gom và xử lý rác thải tại các bãi rác của thôn xóm. Trong khi việc phân loại, xử lý rác thải theo phương thức chôn lấp tại các bãi rác nhỏ lẻ tại thôn, xóm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Một số cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh dịch vụ trên địa bàn huyện chưa thực hiện đúng các quy định về BVMT. Huyện Nam Trực đến nay chưa đạt chuẩn tiêu chí môi trường do còn những tồn tại: UBND huyện chưa ban hành Đề án quản lý chất thải rắn trên địa bàn. Dù đã tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt tại các xã, thị trấn nhưng tại Thị trấn Nam Giang và các xã Điền Xá, Hồng Quang, Nam Thanh còn vướng mắc trong thực thi hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Huyện có hai CCN đang hoạt động là CCN Vân Chàng và CCN Đồng Côi nhưng cả hai CCN chưa có trạm xử lý nước thải tập trung; mới chỉ đầu tư xây dựng hồ lắng nước thải và hồ sinh học. Tại CCN Vân Chàng tình trạng dân cư sinh sống xen kẽ còn phổ biến; hệ thống hồ sinh học, rãnh thoát nước thải của CCN đã bị xuống cấp trầm trọng; nhiều cơ sở sản xuất xả trực tiếp nước thải vào mương dẫn không qua hố ga lắng đọng; nhiều cơ sở sản xuất trong cụm chưa có hồ sơ pháp lý về môi trường. CCN Đồng Côi chỉ mới xử lý sơ bộ nước thải của các cơ sở sản xuất rồi thải vào cống thu gom dẫn đến hồ lắng đọng và hồ sinh học, sau đó thoát ra kênh nông nghiệp. Trạm xử lý nước thải tập trung của làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh sau khi vận hành thử nghiệm và bàn giao cho UBND xã quản lý lại không tiếp tục vận hành do UBND xã chưa thu được kinh phí của các hộ sản xuất trong làng nghề. Công tác BVMT làng nghề chưa được quan tâm, ý thức BVMT của các hộ làm nghề còn hạn chế. Chất thải nguy hại, chất thải rắn thông thường của cơ sở sản xuất chưa được thu gom, xử lý theo quy định. Tình trạng khiếu nại, tố cáo doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm các quy định BVMT còn phức tạp, chưa được giải quyết triệt để.
Để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ kế hoạch chương trình xây dựng NTM của tỉnh, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành liên quan nâng cao hiệu quả phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương giải quyết từng bất cập còn tồn tại về tiêu chí môi trường. Theo đó, huyện Mỹ Lộc hiện đang tập trung thúc đẩy việc ký hợp đồng với doanh nghiệp thu gom xử lý rác thải cho 6 xã còn lại; tổ chức cho các cơ sở sản xuất chế biến dịch vụ ký cam kết và thực hiện đúng các quy định về BVMT; Phấn đấu hoàn thành trên thực tế và hồ sơ chứng minh trong quý IV năm 2018. Huyện Ý Yên đang tập trung thực hiện Đề án vệ sinh môi trường, củng cố hệ thống xử lý nước thải CCN, tập trung chỉ đạo các xã hoàn thiện xây dựng lắp đặt các lò đốt rác tập trung và đưa vào hoạt động. Chỉ đạo Thị trấn Lâm chỉnh trang lại lò đốt rác bảo đảm đúng tiêu chuẩn. Rà soát các cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ và yêu cầu các đơn vị ký cam kết đảm bảo thực hiện đúng các quy định về môi trường. Chỉ đạo các xã, thị trấn, Hội LHPN huyện làm tốt công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện. Tại Nam Trực, UBND huyện đã chỉ đạo rà soát, bảo đảm tính khả thi của hợp đồng thu gom vận chuyển xử lý rác thải giữa doanh nghiệp với 5 xã, thị trấn Nam Giang, Nam Mỹ, Điền Xá, Tân Thịnh, Hồng Quang. Tiếp tục thực hiện kế hoạch đảm bảo môi trường làng nghề Bình Yên; hướng dẫn UBND xã Nam Thanh xây dựng HTX dịch vụ môi trường làng nghề theo kế hoạch. Ngoài ra, các huyện cũng tập trung nâng cao chất lượng thực hiện đề án quản lý chất thải rắn trên địa bàn huyện; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và vận hành khu xử lý rác thải bằng lò đốt; trong trường hợp không xây dựng lò đốt phải ký hợp đồng xử lý rác thải với các doanh nghiệp xử lý môi trường. Tại các xã, thị trấn đang nâng cao chất lượng vận hành khu vực xử lý rác thải theo đúng hướng dẫn của Sở TN và MT. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT của các cơ sở sản xuất trên địa bàn; yêu cầu các cơ sở sản xuất có biện pháp thu gom, hợp đồng xử lý triệt để các loại chất thải nguy hại phát sinh theo quy định. Rà soát các làng nghề không đủ điều kiện về số hộ sản xuất, có văn bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền đưa ra khỏi danh sách làng nghề. Khẩn trương xây dựng kế hoạch phương án thu tiền xử lý nước thải của các hộ sản xuất trong làng nghề để vận hành thường xuyên trạm xử lý nước thải của các làng nghề đã có. Tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất trong làng nghề có biện pháp xử lý sơ bộ, lắng lọc nước thải trước khi thải vào hệ thống chung của làng nghề. Yêu cầu chủ đầu tư các CCN phải xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, đối với các CCN đã có hệ thống thu gom nước mưa, nước thải của các hồ sinh học, hồ lắng của cụm phải cải tạo, nâng cấp và duy trì hiệu quả hoạt động. Chỉ đạo, giao cho đơn vị có liên quan quản lý và tổ chức thực hiện công tác tổng vệ sinh môi trường; tăng cường trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân, phát động phong trào tổng vệ sinh môi trường, xử lý triệt để rác thải phát sinh trên địa bàn huyện, xã. Các thôn, xóm định kỳ hằng tuần tổ chức các đợt tổng vệ sinh trên địa bàn, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Bên cạnh đó, hiện nay các địa phương cũng đang tập trung giải quyết triệt để khiếu nại, tố cáo liên quan đến BVMT trên địa bàn. Sở TN và MT, UBND các huyện tập trung hướng dẫn, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn chủ động thực hiện lập hồ sơ tiêu chí môi trường đối với huyện đạt chuẩn NTM khi đủ điều kiện./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy