Để chấn chỉnh công tác quản lý, từng bước khắc phục hậu quả do vi phạm về đất đai, ngày 17-7-2012, BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU (NQ17) chỉ đạo tăng cường công tác lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý và xử lý vi phạm đất đai. Việc tập trung lãnh đạo toàn diện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai đã nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của quản lý lĩnh vực đất đai trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, việc kiên quyết xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm về đất đai được đông đảo đảng viên, quần chúng nhân dân đồng tình, đánh giá là cần thiết, kịp thời và thể hiện tinh thần quyết tâm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
I. Lãnh đạo toàn diện công tác quản lý và xử lý vi phạm đất đai
Nghị quyết số 17-NQ/TU đặt ra mục tiêu: khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý Nhà nước, lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý và sử dụng đất đai; quản lý chặt chẽ tài nguyên đất trên địa bàn theo quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả.
Trong 6 năm qua, BCH Đảng bộ tỉnh, Ban TVTU đã quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai một cách đồng bộ ở tất cả các nhiệm vụ, bao gồm: công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; lập, phê duyệt và thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm; đo đạc lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu về đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; dồn điền đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra; công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng; thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai; quản lý sử dụng đất công ích của các xã, phường, thị trấn. UBKT Tỉnh uỷ đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu giúp Ban TVTU xây dựng kế hoạch, tiến hành kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện NQ17; đã tiến hành kiểm tra, giám sát đối với Ban Thường vụ các Huyện uỷ Trực Ninh, Giao Thuỷ, Nam Trực, Ý Yên, từ đó kiến nghị, tham mưu các chỉ đạo cụ thể đối với các cấp uỷ Đảng được kiểm tra, giám sát. Để cụ thể hóa các nhiệm vụ thực hiện NQ17 ngày 2-10-2012, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 54/KH-UBND với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; trong đó đặc biệt chú trọng tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, phân công rõ trách nhiệm của thường trực cấp ủy, UBND, người đứng đầu và cán bộ các phòng, ban, bộ phận chức năng của huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn trong công tác quản lý, xử lý vi phạm về đất đai. Khi Luật Đất đai năm 2013 được ban hành, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo ban hành Kế hoạch 29/KH-UBND để tổ chức thi hành Luật; kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền nhằm thực hiện NQ17 theo đúng pháp luật. Các huyện uỷ, thành uỷ đã nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo, thực hiện NQ17; UBND các huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện, phân công lãnh đạo phụ trách các địa bàn để kiểm tra, đôn đốc ở các xã, phường, thị trấn. UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra chuyên đề trong lĩnh vực đất đai, đề ra nhiều giải pháp xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm hoặc buông lỏng quản lý về đất đai.
Lực lượng chức năng huyện Ý Yên tháo dỡ vi phạm về đất đai trên địa bàn. |
Trước thực trạng vi phạm đất đai tồn tại hết sức phức tạp, tỉnh đã định hướng rõ cách thức xử lý vi phạm đối với các trường hợp vi phạm xảy ra trước và sau thời điểm ban hành NQ17 (sau ngày 17-7-2012). Trong xử lý vi phạm thống nhất quan điểm kiên quyết, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên có sai phạm dù ở vị trí công tác nào, đương chức hay đã nghỉ hưu… Tập trung chỉ đạo quyết liệt việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người liên quan đến vi phạm đất đai. Thường trực Tỉnh uỷ, Ban TVTU và BCH Đảng bộ tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại phức tạp. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, các địa phương rà soát, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự giải quyết các vụ việc liên quan đến đất đai, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài, đông người. Từ năm 2017, định kỳ hằng tháng, quý, tập thể lãnh đạo UBND tỉnh họp với các sở, ngành có liên quan để nắm bắt tiến độ, kết quả giải quyết các vụ việc liên quan đến đất đai, thống nhất quan điểm, phương pháp giải quyết. Sau các phiên họp đều có văn bản chỉ đạo, đôn đốc việc giải quyết của các huyện, thành phố. Để đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ theo NQ17, ngành TN và MT đã tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai, đặc biệt là cán bộ địa chính cấp xã, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, thái độ ứng xử, tiếp xúc khi giải quyết công việc với nhân dân, doanh nghiệp. Sở TN và MT đã chủ động rà soát, nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan để ban hành các văn bản hướng dẫn; hỗ trợ các địa phương rà soát thống kê toàn bộ các trường hợp đang sử dụng đất không hợp pháp, phân loại rõ nguồn gốc đất đai, xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, thời điểm vi phạm để đối chiếu, lập và tổ chức thực hiện phương án xử lý vi phạm dứt điểm nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất đai. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, cơ quan thông tin truyền thông phối hợp với ngành TN và MT và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về việc thực hiện NQ17, nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, xử lý vi phạm đất đai, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhằm ngăn chặn vi phạm, lập lại trật tự kỷ cương về quản lý đất đai.
Tại hội nghị Ban TVTU sơ kết 6 năm thực hiện NQ17, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Hồng Phong đánh giá, điểm nổi bật nhất trong thực hiện Nghị quyết là công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nền nếp; tình trạng cấp, bán đất trái thẩm quyền tràn lan đã từng bước được khắc phục. Bên cạnh đó, công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm; lĩnh vực giao đất, cho thuê đất các dự án đầu tư cơ bản được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Qua 6 năm thực hiện Nghị quyết, công tác giao đất đã được chấn chỉnh đảm bảo đúng pháp luật và đúng mục tiêu. Việc đấu giá quyền sử dụng đất ở, nhất là khu đô thị trung tâm các huyện đã thu được nguồn lực tài chính khá lớn cho địa phương để đầu tư phát triển. Công tác đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu về đất đai cũng từng bước được củng cố tại các địa phương. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quản lý Nhà nước về đất đai là dồn điền đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp đã được các cấp chính quyền chú trọng. Tính đến hết năm 2017, đã có 185 trong số 199 xã, thị trấn hoàn thành việc giao ruộng ngoài thực địa sau dồn đổi; có 2.956 trong số 2.986 thôn, đội đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, đạt 98,99%. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa cũng đạt kết quả cao. Để tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra đối với 87 doanh nghiệp. Trong quá trình kiểm tra phát hiện 69 doanh nghiệp vi phạm quy định về đất đai, với diện tích hơn 103ha; tỉnh đã có văn bản xử lý đối với 26 doanh nghiệp. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, tỉnh phát hiện hơn 418ha đất vi phạm, kiến nghị thu hồi 77,57ha. Đến nay đã có 9 thủ tục hành chính về đất đai được thực hiện thông qua hệ thống bưu chính; thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai đã giảm từ 1/4 đến 1/3 so với trước, tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Các lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai cũng được các cấp chính quyền chấn chỉnh, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý.
Đặc biệt, tình trạng vi phạm pháp luật đất đai như giao đất trái thẩm quyền, sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm hành lang ATGT, thủy lợi đã được hạn chế. Nhiều sai phạm liên quan đến đất đai được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời; đảm bảo quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất, tăng thu cho ngân sách Nhà nước. So với trước thời điểm ban hành NQ17: tổng số vi phạm của các hộ giảm 23,9 lần (1.904/45.423 vụ); tổng số vi phạm của các tổ chức, doanh nghiệp giảm 3,9 lần (23/91 vụ); tổng số vi phạm của các cơ sở tôn giáo giảm 24,8 lần (19/471 vụ). Các huyện, thành phố đã lập xong biểu thống kê phân loại 35.065/45.423 hộ vi phạm với diện tích 1.075,69ha; xây dựng phương án xử lý cho 17.152 hộ, diện tích 429,87ha, đạt 37,76%; xét duyệt phương án xử lý và tổ chức thực hiện phương án đối với 14.473 hộ, diện tích 377,77ha; đã thu vào ngân sách 214,91 tỷ đồng tiền sử dụng đất; đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 9.902 hộ. Với 1.904 hộ vi phạm sau Nghị quyết, UBND các huyện, thành phố đã buộc tháo dỡ, giải toả, hoàn trả mặt bằng 520 trường hợp, diện tích 7,14ha, chiếm 27,3%; đang lập phương án cưỡng chế 132 trường hợp, diện tích 2,46ha, chiếm 6,93%; lập biên bản giữ nguyên hiện trạng 1.150 trường hợp, diện tích 74,42ha chiếm 60,4%; đang lập phương án xử lý 150 trường hợp, diện tích 9,49ha, chiếm 7,9%; đang chờ kết luận của cơ quan điều tra 1 trường hợp diện tích 500m2. Đã thi hành kỷ luật 36 tổ chức Đảng, 273 đảng viên có sai phạm liên quan đến đất đai; trong đó khiển trách 124 đảng viên, cảnh cáo 98 đảng viên, cách chức 12 đảng viên, khai trừ 39 đảng viên. Đã điều tra, khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự 14 vụ việc, với 58 bị can tại 7 huyện, thành phố. Bên cạnh đó còn một số vụ việc các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện, củng cố hồ sơ để có giải pháp xử lý cụ thể.
Những kết quả nổi bật sau 6 năm thực hiện NQ17 là minh chứng rõ nét khẳng định: Quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết được triển khai bài bản, đồng bộ nên không chỉ trong cán bộ, đảng viên, mà về cơ bản, nhân dân đã biết đến và tích cực tham gia giúp cho Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống. Việc kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến đất đai chính là thông điệp mạnh mẽ của tỉnh thể hiện rõ sự thống nhất về ý chí và hành động cũng như khả năng nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng trong toàn Đảng bộ. Ngoài ra, những vụ án hình sự xét xử các cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về đất đai được thực hiện đúng người, đúng tội cho thấy sự tôn trọng kỷ cương, công lý của tổ chức Đảng, chính quyền; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước./.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Thanh Thuý