Hiện nay, diện tích nuôi thủy hải sản của huyện Hải Hậu đạt gần 2.400ha. Để nghề nuôi thủy sản của huyện tiếp tục thực hiện chuyển đổi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng nuôi tập trung, thời gian qua Ngân hàng NN và PTNT chi nhánh tỉnh Nam Định (Agribank Nam Định) đã có nhiều giải pháp phù hợp để mở rộng tín dụng, hỗ trợ nguồn vốn giúp các hộ dân phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.
Người dân vùng quy hoạch thủy sản xã Hải Đông luôn được ngân hàng đáp ứng vốn đầu tư sản xuất. |
Bám sát địa bàn và nắm bắt được nhu cầu vốn để đầu tư cho việc cải tạo, xây dựng mới ao, đầm, các công trình thủy lợi, công trình điện, cống tưới - tiêu, đường giao thông, hệ thống ao nuôi, ao lắng, các loại vật tư... bảo đảm phát triển bền vững, thời gian qua Agribank Nam Định đã tập trung chỉ đạo các chi nhánh Agribank huyện Hải Hậu, Thị trấn Cồn và Thị trấn Thịnh Long chủ động thực hiện hiệu quả các giải pháp về tăng trưởng tín dụng, thực hiện tốt chủ trương cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát triển thủy sản theo chủ trương của Chính phủ. Trong đó chú trọng phát triển hoạt động cho vay qua các tổ vay vốn trong cộng đồng dân cư thông qua các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác ở các xã, thị trấn. Đồng thời Chi nhánh cũng thường xuyên phân công cán bộ nắm bắt cơ sở, chủ động cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh và ngành Ngân hàng cho người dân, có giải pháp hữu hiệu đáp ứng nhu cầu vay vốn hợp lý của khách hàng, từ đó có thêm nguồn lực để đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do tác động của môi trường, thời tiết. Do đó, dư nợ cho vay phát triển nuôi thủy sản của các chi nhánh Agribank trên địa bàn huyện Hải Hậu không ngừng tăng trưởng với tổng nguồn vốn trên 200 tỷ đồng. Số hộ vay liên tục tăng qua từng năm, hiện đang có trên 1.000 khách hàng có dư nợ tại các chi nhánh. Vài năm trở lại đây nhiều hộ dân chuyên nuôi thủy sản của huyện đã nghiên cứu, chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm theo hướng công nghiệp nên đã cho năng suất, chất lượng ngày càng ổn định. Trước đây gia đình anh Nguyễn Văn Liêm ở xóm Cồn Tròn tây, xã Hải Hòa, chủ yếu nuôi tôm theo phương pháp quảng canh. Điểm nổi bật ở phương pháp này là dễ làm, chỉ cần thả tôm giống theo mật độ nhất định rồi đợi đến ngày thu hoạch. Tuy nhiên, phương pháp này phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết nên năng suất ao nuôi thường đạt thấp, hiệu quả kinh tế không cao, người nuôi không chú trọng đến việc đầu tư các công trình nuôi. Nhận thấy những hạn chế từ việc nuôi tôm theo phương pháp cũ tiềm ẩn nhiều rủi ro do ảnh hưởng từ nguồn nước, năm 2015 anh Liêm quyết định vay hơn 500 triệu đồng của Agribank Thị trấn Cồn để đầu tư xây dựng hệ thống ống lọc nước qua cát và cải tạo các ao nuôi. Theo đó, nước biển được bơm lên từ độ sâu khoảng 1,5-4m qua giếng khoan về khu xử lý, từ đó phân phối qua dàn ống đục lỗ, phun trực tiếp trên mặt bể lọc. Qua lớp cát, nước được lọc sạch rồi đưa sang bể chứa trước khi được cấp tới các ao nuôi. Với việc xử lý ngay từ đầu nên nguồn nước luôn được đảm bảo trong sạch, góp phần giúp tôm phát triển khỏe mạnh và cho năng suất cao. Nhờ đó với 1,5ha nuôi tôm thẻ chân trắng đã mang lại nguồn thu mỗi năm cho gia đình anh bình quân từ 700 đến 800 triệu đồng. Theo những hộ nuôi tôm ở đây thì ưu điểm nổi trội của hình thức nuôi này là giúp tôm lớn nhanh, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và mầm bệnh phát triển, chất lượng sản phẩm tôm thương phẩm được nâng lên. Hiện nay, trên địa bàn huyện Hải Hậu đã có nhiều hộ mạnh dạn đầu tư nuôi tôm theo hình thức này. Với sự hỗ trợ nguồn vốn từ Agribank Nam Định, không chỉ con tôm mà các giống con nuôi khác như: cá diêu hồng, cá mú, cá trắm... cũng đang được người dân đầu tư nuôi ở khắp các địa phương trong huyện. Nhờ đó tổng sản lượng thủy sản của huyện luôn tăng trưởng ổn định, giá trị thu nhập từ các vùng nuôi thủy sản tập trung đạt cao hơn 4-5 lần so với cấy lúa. Tuy nhiên, hiện nhu cầu vay vốn đầu tư cho việc chuyển đổi sản xuất của người dân vùng thủy sản ở Hải Hậu là rất lớn nhưng dư nợ cho vay trong lĩnh vực nuôi thủy sản mới chiếm khoảng gần 10% tổng dư nợ của chi nhánh, số khách hàng được vay lĩnh vực thủy sản cũng còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, khó khăn lớn nhất hiện nay làm người dân nuôi thủy sản khó tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng là do chính sách quản lý về đất đai vùng bãi bồi chưa ổn định, do đó người dân không có tài sản để thế chấp, hơn nữa mức độ rủi ro trong nuôi thủy sản cao, tài sản thế chấp khác lại không có nên ngân hàng cũng khó “mạnh dạn” cho vay vốn sản xuất lĩnh vực thủy sản.
Những kết quả đạt được trong lĩnh vực nuôi thủy sản của huyện Hải Hậu đã khẳng định tính đúng đắn trong phát triển kinh tế biển của địa phương và mở ra cơ hội giúp nhiều hộ dân giảm nghèo bền vững, từng bước vươn lên khá giả. Tuy nhiên, ngành nuôi thủy sản hiện đang gặp không ít khó khăn do vốn đầu tư cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì thế đây không chỉ là vấn đề người nuôi thủy sản quan tâm, mà còn là bài toán đặt ra đối với các cấp, ngành liên quan trong việc tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn cho người nuôi thủy sản./.
Bài và ảnh: Văn Đại