Thời điểm này, nông dân ở các địa phương trong tỉnh bắt đầu bước vào thu hoạch lúa mùa. Thời tiết những ngày qua nắng ráo là điều kiện thuận lợi để bà con tập trung phương tiện, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Đánh giá bước đầu của ngành Nông nghiệp, năng suất lúa vụ mùa này bình quân toàn tỉnh ước đạt khoảng 50 tạ/ha.
Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 75.153ha lúa, trong đó có 4.515ha lúa mùa sớm, 64.699ha lúa mùa trung và 5.939ha lúa đặc sản. Tỷ lệ các giống lúa chất lượng cao và đặc sản chiếm 72% diện tích. Bước vào vụ sản xuất, ngành NN và PTNT tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục chuyển dịch mạnh cơ cấu giống và thời vụ thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng các giống lúa ngắn ngày; có năng suất, chất lượng khá, chống chịu sâu bệnh, chịu úng, chống đổ khá… đưa vào sản xuất. Diện tích lúa thuần 68.097ha, bằng 90,6% diện tích (gồm: 12% là giống BT7 và 20,5% là giống BT7 kháng bạc lá, còn lại là giống BC15, lúa đặc sản và các giống lúa thuần khác). Diện tích gieo sạ 19.880ha (chiếm 26% tổng diện tích), giảm 680ha so với vụ mùa 2017, tập trung tại các huyện Ý Yên 6.792ha, Vụ Bản 5.030ha, Nghĩa Hưng 2.794ha, Nam Trực 2.200ha. Toàn tỉnh xây dựng được 56 cánh đồng lớn sản xuất lúa với diện tích 3.469ha, trong đó có 830ha được bao tiêu sản phẩm; gồm 300ha lúa thương phẩm của Cty TNHH Toản Xuân, 168ha lúa thương phẩm của Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, Cty CP Nông sản Tiến Vua 30ha lúa thương phẩm, Cty TNHH Cường Tân 300ha lúa giống… Chương trình sản xuất giống lúa lai F1 tiếp tục được duy trì và phát triển với diện tích 458ha (Cty TNHH Cường Tân 400ha, Cty CP Giống cây trồng tỉnh 35ha, Cty CP Sản xuất và thương mại tổng hợp Xuân Trường 23ha).
Thu hoạch lúa tại xã Bình Minh (Nam Trực). |
Sản xuất vụ mùa năm nay của tỉnh gặp khó khăn nhất là ảnh hưởng của mưa lũ đầu vụ và nguồn bệnh lùn sọc đen có sẵn trên đồng ruộng. Mặc dù công tác chuẩn bị sản xuất được các địa phương triển khai sớm hơn các năm trước song do mưa lớn và bão số 3 từ ngày 13 đến ngày 21-7 cùng thủy triều đúng vào giai đoạn “cuối nghén - đầu con nước” đã làm thiệt hại 110,9ha mạ, 31.411ha lúa (chiếm 41% diện tích). Trong đó có 26.344,6ha bị thiệt hại trên 70% phải gieo cấy lại, tập trung ở các huyện Nghĩa Hưng 5.951ha, Hải Hậu 5.760ha, Giao Thủy 4.772ha, Xuân Trường 3.540ha, Nam Trực 3.168ha…; 5.066,5ha bị thiệt hại từ 30-70% diện tích phải dặm tỉa. Đến ngày 10-8, toàn tỉnh mới khắc phục xong và hoàn thành gieo cấy lúa mùa. Vụ này nhiều hộ dân bỏ ruộng không cấy khiến diện tích bỏ hoang lên tới 3.142ha, tăng 2.000ha so với vụ mùa 2017. Ngoài ra do mưa lớn gây thiệt hại, nhiều diện tích phải cấy lại, dặm tỉa khiến cơ cấu giống và thời vụ ở các địa phương thay đổi lớn so với kế hoạch ban đầu. Lúa phân thành nhiều trà sinh trưởng khác nhau gây rất nhiều khó khăn cho việc chăm sóc và phòng trừ rầy đầu vụ. Kịp thời nắm bắt tình hình qua công tác kiểm tra sản xuất, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN và PTNT, các huyện, thành phố phân loại các trà, các giống lúa, hướng dẫn chăm sóc cụ thể từng trà lúa với phương châm “sử dụng cân đối dinh dưỡng, hạn chế sử dụng phân đạm” để giàn lúa khỏe, hạn chế sâu bệnh nguy hiểm. Đặc biệt công tác phòng chống bệnh lùn sọc đen được tỉnh chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu vụ, phòng ngừa tâm lý chủ quan gây nguy cơ dịch lùn sọc đen bùng phát trên diện rộng như vụ mùa 2017. Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, chính sự chỉ đạo quyết liệt trong phòng, chống bệnh lùn sọc đen từ tỉnh đến huyện, xã; sự phối hợp tuyên truyền chặt chẽ của ngành Nông nghiệp với các cơ quan: Hội Nông dân, MTTQ tỉnh, Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh đã góp phần giúp bà con nông dân nâng cao nhận thức và chủ động phòng ngừa ngay từ đầu vụ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh lùn sọc đen gây ra. Chi cục Trồng trọt và BVTV đã giám sát chặt chẽ biến động mật độ rầy lưng trắng, tỷ lệ rầy mang vi-rút và diễn biến phát sinh, gây hại của bệnh lùn sọc đen để tham mưu biện pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả. Công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật được tăng cường thông qua phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động, tờ rơi… để người dân hiểu và tự giác thực hiện. Tích cực kiểm tra, quản lý thị trường kinh doanh vật tư nông nghiệp ở các huyện, thành phố; chỉ đạo các đại lý, hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp cung ứng và hướng dẫn nông dân sử dụng vật tư phân bón, thuốc BVTV theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành. Ngoài bệnh lùn sọc đen còn có bệnh bạc lá lúa ở vụ này xuất hiện trên các giống BT7, BC15, lúa lai… với tỷ lệ bệnh trung bình 3-5%, nơi cao 30-40%, cục bộ 70-80%. Bệnh xuất hiện sớm hơn nhưng gây hại nhẹ hơn so với cùng kỳ năm trước.
Bù lại vất vả đầu vụ, từ khi hoàn thành công tác gieo cấy, thời tiết tương đối thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Đến ngày 5-9 đã có 4.350ha lúa trỗ bông (bằng 6% diện tích); ngày 20-9 có 53.230ha lúa trỗ bông (bằng 70% diện tích) và đến nay có khoảng 97% diện tích lúa mùa của tỉnh đã trỗ bông, những diện tích chưa trỗ là dàn lúa khắc phục muộn và lúa đặc sản. Từ ngày 24-9, một số địa phương bắt đầu tiến hành thu hoạch lúa; đến hết ngày 10-10, toàn tỉnh thu hoạch được 14.805ha, đạt 20% diện tích, tập trung ở các huyện: Ý Yên, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Trực Ninh… Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, trà lúa mùa sớm, mùa trung cho năng suất khá: giống BC15 ước đạt 57-60 tạ/ha, giống BT7 ước đạt 47-50 tạ/ha, các giống khác đạt từ 52-55 tạ/ha. Riêng các diện tích lúa bị nhiễm bệnh bạc lá năng suất trung bình giảm khoảng 10-15% (trong đó: giống BC15 giảm 10% năng suất, giống BT7 giảm 15% năng suất, nếp 97 giảm 5-10% năng suất). Năng suất dự kiến các tổ hợp lúa lai khoảng 25 tạ/ha. Năng suất lúa mùa bình quân toàn tỉnh ước đạt 50 tạ/ha. Về tình hình sâu bệnh, rầy cuối vụ có mật độ trung bình 500-800 con/m2, cao 3.000-5.000 con/m2, cục bộ trên 1 vạn con/m2, tuổi 3-4-5; các hộ nông dân đã phòng trừ được 11.450ha. Tỷ lệ bông bạc xuất hiện rải rác ở những diện tích không phun thuốc hoặc phun xong gặp mưa, nơi cao 5-7%, cục bộ 10-15%, diện tích đã phòng trừ sâu đục thân 2 chấm là 18.085ha, một số diện tích đã phun trừ lần 2. Nông dân cũng đã phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông được 15.145ha.
Từ nay đến cuối vụ nếu thời tiết không biến động lớn thì đây sẽ là một vụ mùa thắng lợi của tỉnh sau vụ mùa 2017 năng suất chỉ đạt 36,14 tạ/ha. Có thể khẳng định kết quả trên là từ sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của tỉnh trong cả vụ, từ cơ cấu giống lúa, thời vụ đến công tác khắc phục thiệt hại sau mưa bão và nỗ lực của nông dân, nhất là việc nghiêm túc thực hiện đúng các chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật của ngành, địa phương. Bên cạnh mặt tích cực, qua vụ mùa 2018 vẫn cho thấy công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất ở một số địa phương còn hạn chế, nhất là sau trận mưa lớn và bão số 3. Mặc dù tỉnh và các huyện không khuyến khích gieo sạ trong vụ mùa, đồng thời khuyến cáo chỉ những chân ruộng cao, tưới - tiêu chủ động hoàn toàn, gọn vùng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ dân gieo sạ tự phát ở những chân ruộng trũng, không gọn vùng nên khó tiêu thoát nước. Bên cạnh đó, năng lực tưới tiêu của hệ thống các công trình thủy lợi của tỉnh tiếp tục bộc lộ bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, nhất là khi mưa lớn xảy ra. Để khắc phục những bất cập trên, về lâu dài các Cty KTCTTL cần xây dựng quy trình vận hành hệ thống khoa học, đồng bộ; tham mưu cho tỉnh đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống mang tính chiến lược đồng bộ hơn, năng lực tốt hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp.
Trong thời gian tới, Sở NN và PTNT tiếp tục phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tăng cường kiểm tra, theo dõi và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh cuối vụ. Đôn đốc các địa phương thu hoạch lúa mùa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, tạo quỹ đất để sản xuất vụ đông đảm bảo kế hoạch đã đề ra cũng như phòng chống mưa úng cuối vụ. Ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương đánh giá năng suất các trà lúa; các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và mô hình “cánh đồng mẫu lớn” liên kết sản xuất lúa, rau màu để rút kinh nghiệm chuẩn bị cho những vụ tiếp theo./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh