Trước đây chợ được xem là công trình phúc lợi xã hội, được Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng, sửa chữa và tổ chức quản lý. Tuy nhiên, theo quy định mới hiện nay, Nhà nước chỉ trích ngân sách hỗ trợ xây dựng các chợ vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn... Do đó việc xã hội hóa xây dựng chợ để phát triển hạ tầng thương mại khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua sắm trong thời kỳ mới là tất yếu. Việc xã hội hóa xây dựng chợ đã được nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện thành công, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, tuy nhiên tại tỉnh ta chưa thực hiện được vì còn gặp nhiều khó khăn.
Chợ dân sinh xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân. |
Thực hiện Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14-1-2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, cơ chế chính sách, quy hoạch nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển chợ. Trong đó có các quyết định quan trọng như: Quyết định số 3703/QĐ-UBND ngày 2-12-2005 phê duyệt chương trình phát triển chợ tỉnh Nam Định đến năm 2010; Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Quyết định phân loại và phân cấp quản lý chợ trên địa bàn; Quyết định số 23/2017/QĐ-UBND ngày 18-8-2017 quy định mức giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tỉnh khuyến khích, vận động một số doanh nghiệp nghiên cứu, khảo sát, thực hiện kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn. Trên cơ sở các quy hoạch và chương trình phát triển chợ đã được phê duyệt, các sở, ngành chức năng và chính quyền các địa phương tạo điều kiện về quỹ đất để mở mới, xây mới chợ ở những nơi có nhu cầu giao thương cao đảm bảo quy mô, tính chất đầu tư theo quy hoạch; triển khai thực hiện hỗ trợ vốn cho đầu tư, nâng cấp, cải tạo các chợ cũ đã xuống cấp. Do đó, hệ thống chợ trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng hoàn thiện về cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn phòng chống cháy nổ, từng bước thực hiện văn minh thương mại phục vụ tốt nhu cầu mua bán hàng hóa và tiêu dùng của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn 2011-2017, toàn tỉnh đã xây mới, nâng cấp, sửa chữa 47 chợ với chi phí khoảng 70 tỷ đồng, đảm bảo nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch nâng cấp, cải tạo, xây mới và bổ sung quy hoạch từ 10 đến 18 chợ nếu địa phương có nhu cầu, dự kiến tổng kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên số tiền này được trích từ nhiều nguồn ngân sách của tỉnh, huyện và nguồn vốn ngân sách xây dựng NTM mà chưa huy động được vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh ta có 201 chợ; trong đó có 2 chợ hạng I; 15 chợ hạng II; 183 chợ hạng III và 1 chợ đầu mối trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm (đang xây dựng). Trong số 201 chợ nằm trong quy hoạch của tỉnh, có 4 chợ (chợ Rồng, chợ Mỹ Tho, chợ Hạ Long và chợ đêm Phạm Ngũ Lão) do Cty Dịch vụ kinh doanh và quản lý chợ thuộc UBND Thành phố Nam Định quản lý và khai thác. Các chợ còn lại vẫn thuộc các xã, phường, thị trấn quản lý do chưa được xã hội hóa đầu tư và chuyển đổi mô hình quản lý. Phần lớn những chợ này có quy mô nhỏ, chỉ từ 20 đến 40 điểm kinh doanh cố định nên việc thu phí chợ chỉ đủ chi phí quản lý, trông coi và vệ sinh chứ không thể có phần tích lũy dành cho tu sửa, nâng cấp chợ. Do đó, nếu không thể kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ thì trong những năm tiếp theo việc xây mới, sửa chữa, nâng cấp chợ sẽ là một gánh nặng lớn cho ngân sách. Mặt khác việc duy trì các điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy; vệ sinh môi trường, an ninh trật tự cũng như việc kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trong chợ… cũng khó đảm bảo. Việc xã hội hóa xây dựng chợ hiện còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc do nhiều nguyên nhân. Trong đó trước hết là khó tìm nhà đầu tư có khả năng về tài chính và có nghiệp vụ về quản lý chợ để tham gia đấu thầu quản lý khai thác chợ. Phần lớn các chợ dân sinh lại nằm ở vùng ít lợi thế về vị trí thương mại, quy mô nhỏ, hệ thống cơ sở vật chất ít, lượng hàng buôn bán, giao dịch nhỏ lẻ, chi phí đầu tư nhiều mà hiệu quả khai thác không cao nên việc đấu thầu, thu hút nhà đầu tư vào xây dựng, nâng cấp quy mô hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách gặp khó khăn. Ngoài nguyên nhân khách quan vẫn còn tồn tại một số yếu tố chủ quan như công tác chỉ đạo của địa phương chưa tích cực. Vẫn còn tình trạng một số chợ có khả năng khai thác, phát triển, doanh nghiệp muốn đầu tư thì chính quyền địa phương muốn giữ để quản lý còn những chợ ở vị trí kém lợi thế khai thác thì doanh nghiệp lại không hào hứng đầu tư. Một khó khăn nữa là phần lớn tiểu thương lâu nay đều nặng tư tưởng được bao cấp trong kinh doanh ở các chợ do Nhà nước đầu tư, cộng với năng lực kinh tế, kiến thức thương mại của tiểu thương ở chợ nông thôn còn hạn chế, môi trường giao thương chưa sôi động nên không muốn bỏ tiền mua ki-ốt và trả phí cao hơn cho dù chợ mới khang trang và thuận tiện hơn.
Việc xã hội hóa để xây dựng chợ là khó khăn chung của nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Tuy nhiên mục tiêu xã hội hóa đầu tư chợ để nâng cấp hạ tầng thương mại, tiết kiệm ngân sách và giúp cơ quan Nhà nước kiểm soát hàng hóa, nâng cao chất lượng công tác quản lý thị trường tại các chợ được tốt hơn là điều tất yếu, cần sớm giải quyết. Để tiếp tục kiên trì mục tiêu này, trước mắt chính quyền địa phương cần có cơ chế công khai, tìm kiếm các nhà đầu tư có chuyên môn, năng lực. Ở một số chợ khu vực nông thôn, không đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp thì cần có cơ chế chính quyền địa phương bỏ ngân sách đầu tư cơ bản trước, rồi tiến hành đấu thầu giao cho doanh nghiệp quản lý, vận hành. Trong quá trình đầu tư xây dựng chợ phải chú ý giữ được đặc trưng văn hóa của một chợ truyền thống và phù hợp tập quán mua bán của người dân địa phương mới thu hút được người dân tham gia mua bán trao đổi hàng hóa, đảm bảo sức sống của chợ. Bên cạnh đó các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các hộ kinh doanh về chủ trương xã hội hóa đầu tư chợ để từ đó chấp thuận, cộng đồng trách nhiệm trong việc đóng góp, chấp hành những yêu cầu về chính sách thuế, đảm bảo các điều kiện an toàn khi kinh doanh, góp phần kích thích chợ phát triển, tạo đà cho trao đổi hàng hóa thuận tiện./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương