Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh

07:09, 10/09/2018

Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 29-5-2018, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã ban hành Chương trình hành động số 25-CTr/TU; ngày 28-6-2018 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND với mục tiêu tổng quát là phát huy sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực để tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển bền vững, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Sản xuất sợi nguyên liệu phục vụ công nghiệp dệt may tại Nhà máy Sợi (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định).
Sản xuất sợi nguyên liệu phục vụ công nghiệp dệt may tại Nhà máy Sợi (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định).

Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là: Đến năm 2020 giá trị sản xuất CN-TTCN (giá so sánh năm 2010) tăng bình quân từ 13-14%/năm; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 47% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; phấn đấu công tác thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020 đạt 3 tỷ USD vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) và trên 30 nghìn tỷ đồng từ các nguồn vốn đầu tư trong nước. Phấn đấu đến năm 2030 tỉnh ta cơ bản hoàn thành mục tiêu CNH-HĐH, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá về sản xuất công nghiệp trong vùng đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2045 tỉnh ta trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại. Để thực hiện và hoàn thành được mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là: điều chỉnh phân bố không gian phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp với định hướng phát triển các vùng kinh tế của tỉnh; tổ chức thực hiện tốt định hướng phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi cho phát triển sản xuất công nghiệp và các doanh nghiệp công nghiệp; xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp; phát triển công nghiệp gắn với đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội... Theo đó, để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong sản xuất công nghiệp của tỉnh hiện nay, tỉnh ta sẽ tập trung triển khai thí điểm xây dựng các cụm liên kết ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao là: dệt may; cơ khí chế tạo; điện tử - cơ điện tử và công nghiệp phần mềm; sản xuất thuốc và hóa dược; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Đây đều là những ngành công nghiệp được tỉnh xác định là ngành chủ lực trong các chiến lược phát triển của địa phương, những năm qua luôn đạt tốc độ tăng trưởng ổn định và ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, ngành dệt may sản xuất ổn định và đạt mức tăng trưởng cao nhất với nhiều doanh nghiệp như: Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, Cty CP May Sông Hồng, Cty CP Dệt may Sơn Nam… đã vươn lên tốp hàng đầu trong ngành dệt may cả nước. Tỉnh ta đã hình thành các “trung tâm” sản xuất cơ khí như: huyện Xuân Trường chuyên sản xuất các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng, khai thác và chế biến lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng…; huyện Nam Trực từ thế mạnh truyền thống chuyên sản xuất các chi tiết thiết bị, phụ tùng xe, máy đã phát triển thêm các sản phẩm cơ khí phục vụ thi công xây dựng, giao thông, sản xuất thép nguyên liệu, thiết bị nội thất xây dựng…; các làng nghề đúc của huyện Ý Yên phát triển mạnh dòng sản phẩm đúc mỹ nghệ (tượng, tranh, đồ thờ). Cơ cấu sản phẩm công nghiệp cơ khí ngày càng đa dạng từ: luyện cán thép (làm nguyên liệu); đúc thép; đúc hợp kim; sản xuất động cơ; đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy (có tải trọng đến trên 10 nghìn tấn); đúc chi tiết máy công nghiệp... Các ngành công nghiệp khác của tỉnh ta cũng có sức cạnh tranh đáng kể là: sản xuất thuốc và hóa dược; công nghiệp chế biến (đặc biệt là công nghiệp chế biến gỗ)... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao của tỉnh ta vẫn còn bộc lộ một số yếu điểm, hạn chế cần được quan tâm khắc phục trong định hướng phát triển lâu dài như: công nghiệp dệt may phần lớn vẫn gia công, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên giá trị gia tăng thấp. Ngành công nghiệp cơ khí vẫn còn thiếu những doanh nghiệp lớn, công nghệ sản xuất hiện đại, khối lượng sản phẩm lớn; số lượng doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến còn ít, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh ta... 

Trước thực trạng trên, để phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của các ngành công nghiệp có tiềm năng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung các quy hoạch (phát triển kinh tế - xã hội; phát triển sản xuất CN-TTCN; quy hoạch phát triển các ngành có liên quan và quy hoạch vùng huyện) để hình thành rõ nét định hướng phát triển công nghiệp ở từng vùng. Đối với khu vực Thành phố Nam Định: đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án lớn của các ngành công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ... Đối với vùng kinh tế biển: tập trung chỉ đạo xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông để thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm phụ trợ ngành dệt may; xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1 và phát triển các ngành công nghiệp: đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy; chế biến thủy sản... Đối với vùng sản xuất nông nghiệp: khuyến khích phát triển các ngành có thế mạnh, tiềm năng sẵn có của địa phương như: cơ khí, chế biến lương thực - thực phẩm,... đồng thời tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đang hoạt động trong các làng nghề, làng nghề truyền thống di dời vào các CCN đã được quy hoạch; từng bước phát triển các cụm liên kết ngành công nghiệp cho các lĩnh vực: dệt sợi và may mặc; chế biến lương thực - thực phẩm; chế tạo máy nông nghiệp... UBND tỉnh yêu cầu các ngành Công thương, KH và ĐT phối hợp với các sở, ngành và các huyện, thành phố trong giai đoạn 2018-2030 tích cực tham mưu cho tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hóa dược, cơ khí, điện tử (nhất là các ngành sản xuất máy công nghiệp, công nghiệp chế biến - chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp) có công nghệ hiện đại, sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đối với các dự án FDI ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm”, sử dụng nhiều nguyên liệu, linh - phụ kiện sản xuất trong nước, trong tỉnh; có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ; ưu tiên các dự án liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong tỉnh. Thu hút có chọn lọc các doanh nghiệp dệt may, da giày ở khu vực nông thôn trên cơ sở cân đối nguồn lao động, quỹ đất nhằm giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ và góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM. Trên nền tảng phát triển đó, giai đoạn 2030-2045 tỉnh ta ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp: cơ khí, điện tử, vật liệu mới, công nghệ thông tin và viễn thông, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghiệp chế biến nông - thủy sản... 

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com