Tích cực thực hiện các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

07:08, 14/08/2018

Ngày 13-12-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 theo cảnh báo của Liên minh châu Âu (EC). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 119/KH-UBND ngày 13-12-2017 triển khai một số giải pháp cấp bách để thực hiện Chỉ thị số 45. Đồng thời giao Sở NN và PTNT xây dựng kế hoạch; phối hợp với các ngành chức năng thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh.

Bến cá xã Giao Hải (Giao Thủy).
Bến cá xã Giao Hải (Giao Thủy).

Hiện nay, toàn tỉnh có 2.127 tàu cá với tổng công suất trên 257.600CV; tạo việc làm cho khoảng 5.740 lao động trực tiếp. Trong đó, loại tàu có công suất nhỏ hơn 20CV là 1.243 chiếc, chiếm 58,4%; loại từ 20CV đến dưới 90CV là 163 chiếc, chiếm 7,7%; loại từ 90CV trở lên là 721 chiếc, chiếm 33,9%. Có 400 tàu chuyên nghề lưới kéo, chiếm 18,8%; nghề lưới rê là 1.556 tàu, chiếm 73,2%; 6 tàu dịch vụ hậu cần, chiếm 0,3%; 165 tàu làm nghề khác, chiếm 7,7%. Ngư trường khai thác chủ yếu là khu vực Vịnh Bắc Bộ và vùng biển miền Trung (theo 2 vụ cá Bắc và vụ cá Nam). Có 1 cảng cá kết hợp khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Ninh Cơ ở Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đã được xây dựng trên diện tích 10ha và đưa vào sử dụng từ năm 2008 với trên 192m cầu tàu, sức chứa 200 tàu và 5 bến cá do người dân tự tổ chức. Ngoài ra, tỉnh đang xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cửa Ninh Cơ, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) với diện tích 30ha, sức chứa 545 tàu (hiện đã đưa vào sử dụng âu neo đậu số 1 với diện tích 9,8ha) và Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp bến cá cửa Hà Lạn (Giao Thủy) với sức chứa 1.000 tàu. Triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân các quy định của pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; tổ chức 2 lớp tập huấn, in và phát miễn phí 1.000 tờ rơi cho ngư dân các huyện ven biển, dán 300 tờ rơi trên tàu cá công suất từ 90CV trở lên. Tổ chức vận động 600 chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không vi phạm ranh giới các vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra việc chấp hành đăng ký, đăng kiểm, an toàn hàng hải, sổ thuyền viên của ngư dân trước khi đi khai thác trên biển, kẻ biển số và vạch phân vùng đánh dấu tàu cá theo quy định. Để đảm bảo số lượng tàu cá phát triển không phá vỡ quy hoạch, từ năm 2016 đến nay, Sở NN và PTNT không cấp văn bản chấp thuận đóng mới phương tiện làm nghề lưới kéo, duy trì số lượng tàu cá xa bờ không vượt quá 700 chiếc. Triển khai lắp đặt, vận hành thiết bị kết nối vệ tinh trên tàu cá (Movimar) giám sát hành trình cho 20 tàu cá được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ thiết bị và kinh phí sử dụng. Có 23 tàu đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ được lắp máy thông tin liên lạc tầm xa (VX 1700). Công tác phát, thu sổ Nhật ký khai thác được thực hiện kèm theo khi chủ tàu đến làm các thủ tục đăng ký, đăng kiểm tàu cá tại Chi cục Thủy sản. Từ tháng 9-2017 đến nay đã phát được 1.000 sổ Nhật ký cho các tàu cá công suất từ 90CV trở lên và thu được 554 quyển. Chi cục Thủy sản đã phối hợp với UBND các địa phương; các ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vận động 700 chủ tàu cá, ngư dân ký cam kết không vi phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Đối với công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, năm 2017 và 2018 đã tổ chức thả được 3 triệu con giống thủy sản xuống sông Hồng và cửa sông Ninh Cơ; khuyến khích ngư dân tham gia khai thác hải sản trên vùng biển xa, giảm khai thác ven bờ, không khai thác mang tính hủy diệt và khuyến khích chuyển đổi nghề phù hợp thay thế các nghề xâm hại nguồn lợi. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực Thủy sản. Từ tháng 1-2017 đến tháng 7-2018, lực lượng chức năng đã tiến hành 12 đợt thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm vùng ven biển (trong đó có 1 chuyến phối hợp với Chi cục Kiểm ngư vùng I và các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An tuần tra, kiểm tra, giám sát vùng biển từ Nam Định đến Nghệ An thực hiện Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc tại Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ); phát hiện 16 vụ vi phạm. Các hành vi vi phạm: không có sổ nhật ký, thuyền viên, người lao động không có giấy tờ tùy thân, không ghi nhật ký khai thác theo quy định, không có tên trong danh bạ thuyền viên, không trang bị đầy đủ thiết bị cứu sinh... Thường xuyên kiểm tra vùng nội đồng, thu giữ: 23 kích điện, 7 bình ắc quy, 5 bộ lưới kéo. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN và PTNT, tháng 4-2018, Sở đã thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá. Ngay sau khi được thành lập, Văn phòng đã xây dựng và ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại Cảng cá Ninh Cơ. Tổ chức phân công trực theo ca, đảm bảo có cán bộ thường trực tại văn phòng phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá liên tục xuất, nhập bến.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp của tỉnh ta vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc: công tác kiểm tra, kiểm soát còn nhiều khó khăn; ngư dân chưa chấp hành các quy định về kiểm tra, kiểm soát tàu cá trước khi xuất, nhập bến, một số chủ tàu không thông báo cho Văn phòng đại diện trước khi xuất bến; ý thức của ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa cao. Tình trạng vi phạm các quy định trong khai thác còn gia tăng dưới nhiều hình thức, làm suy giảm nguồn lợi và phá hủy môi trường sống của các loài thủy sản trong khi lực lượng kiểm tra, giám sát chưa được tăng cường gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; cán bộ Văn phòng đều làm kiêm nhiệm, thời gian trực ca liên tục 24/24 giờ, ngoài ra còn phải thực hiện nhiệm vụ chính của cơ quan nên chưa kiểm tra, kiểm soát được 100% số tàu xuất, nhập bến; công tác phối hợp giữa các lực lượng, đặc biệt là phối hợp với lực lượng Biên phòng chưa được chặt chẽ, đồng bộ dẫn đến hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát còn nhiều hạn chế. Để công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp đạt hiệu quả cao, Sở NN và PTNT đã tham mưu với UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ NN và PTNT: bổ sung hành vi vi phạm không chấp hành quy định về kiểm tra, kiểm soát tàu cá (không có giấy xác nhận kiểm tra, kiểm soát tại cảng cá) vào Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; bổ sung quy định các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải có thiết bị giám sát hành trình vào Thông tư quy định về đăng ký, đăng kiểm tàu cá. Sở NN và PTNT kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá mua sắm một số thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác ngăn chặn, giảm thiểu, loại bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; ban hành quy chế phối hợp công tác giữa Sở NN và PTNT, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá; đề nghị BCH Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin và tích hợp kết quả kiểm tra, kiểm soát với hoạt động của Văn phòng đại diện kiểm tra, kiểm soát nghề cá./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com