Xây dựng là ngành tiêu thụ năng lượng rất lớn. Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay thì vấn đề tiết kiệm năng lượng trong ngành Xây dựng luôn được chú trọng trong các giai đoạn, từ khâu quy hoạch, thiết kế, thẩm định đến thi công, hoàn thiện và đưa công trình vào vận hành sử dụng. Hướng tới thực hiện nền xây dựng tăng trưởng xanh, nhiều năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD là quy chuẩn mới nhất về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả được Bộ Xây dựng ban hành tại Thông tư 15/2017/TT-BXD ngày 28-12-2017 có hiệu lực thi hành từ 1-6-2018.
Trồng cây xanh tạo không gian đệm giảm nhiệt công trình góp phần tiết kiệm năng lượng ở Trường Mầm non Giao Hà (Giao Thuỷ). |
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, đây là công cụ pháp lý quan trọng để góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Thủ tướng Chính phủ ban hành trên tất cả lĩnh vực. Quy chuẩn quốc gia là bước quan trọng thúc đẩy mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả thông qua thiết kế, thi công công trình xây dựng, góp phần giảm khoảng 20% tổng năng lượng tiêu thụ so với hiện nay. Thực tế cho thấy, lợi ích từ việc áp dụng các quy chuẩn tiết kiệm năng lượng và hiệu quả trong xây dựng các công trình là rất lớn và tính khả thi cao. Theo tính toán của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) đối với công trình tòa nhà, hệ thống điều hoà không khí sẽ tiêu thụ đến 40% năng lượng, tiếp đến là chiếu sáng chiếm 15-20%, hệ thống thang máy 5-10%, hệ thống nước nóng tiêu thụ 5-10%, hệ thống nước là 5-10%, thiết bị văn phòng khoảng 10-15%... Chi phí vận hành công trình sẽ có khả năng giảm từ 27-36% đối với công trình bệnh viện, 20-27% đối với nhà chung cư nếu trong quá trình xây dựng thực hiện đầy đủ các tiêu chí trong quy chuẩn về lớp vỏ bao che công trình hệ thống thông gió, hệ thống chiếu sáng, động cơ điện, hệ thống cấp nước nóng… trong khi chi phí đầu tư chỉ tăng 1-4%. Việc thúc đẩy xây dựng các công trình tiết kiệm năng lượng hiệu quả đã được Bộ Xây dựng từng bước quy định hình thành nên khung hệ thống quy chuẩn từ nhiều năm nay bao gồm QCVN 09:2005/BXD, tiếp đó là QCVN 09:2013/BXD và đến nay là QCVN 09:2017/BXD. Quy chuẩn mới nhất được đánh giá dễ vận dụng hơn trên thực tế so với các quy chuẩn trước. Ðặc biệt, quy chuẩn mới tập trung quy định rõ về lớp vỏ bao che của công trình hay tường bao, bởi đây là phần công trình tiếp xúc và chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, thời tiết bên ngoài đồng thời quyết định chỉ số tiêu hao năng lượng của công trình. Theo Phòng Quản lý xây dựng (Sở Xây dựng), QCVN 09:2017/BXD đã đảm bảo sát với thực tế biến đổi khí hậu hiện nay. Các đối tượng áp dụng hướng đến đều có tính thực tế cao, đặc biệt phù hợp với tiến trình chuyển đổi vật liệu xây dựng từ vật liệu nung truyền thống sang các loại vật liệu xây dựng mới, công nghệ tiết kiệm năng lượng mới thân thiện với môi trường hiện nay như: gạch không nung, kính có hệ số truyền nhiệt thấp, hấp thụ bức xạ mặt trời thấp; sử dụng đèn hiệu suất cao, hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, thiết bị tiết kiệm nước cho hệ thống cấp nước, ưu tiên sử dụng thang máy có bộ điều khiển, thiết bị điều hòa tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, hệ thống quy chuẩn cũng giúp các chủ đầu tư dễ dàng lựa chọn các vật liệu xây dựng phù hợp mà vẫn tiết kiệm được chi phí đầu tư thông qua tiết kiệm năng lượng trong quá trình vận hành và khai thác sử dụng góp phần tăng tuổi thọ công trình. Theo thống kê của ngành chức năng, hiện tại, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có công trình nào áp dụng đầy đủ các quy định theo quy chuẩn 09:2017/BXD. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư đã nhận thức rõ ràng về hiệu quả tiết kiệm năng lượng trong xây dựng và chủ động nghiên cứu áp dụng các giải pháp hiệu quả. Có thể kể đến như công trình trụ sở làm việc của Viettel trên đường Ðông A (TP Nam Ðịnh) sử dụng 100% gạch không nung và 70% tường bao bằng kính hấp thụ bức xạ nhiệt thấp. Khu phòng khách của Khách sạn Vị Hoàng với hơn 90% tường bao được thay thế bằng kính nhằm tận dụng ánh sáng tự nhiên tiết kiệm chi phí về đèn chiếu sáng, tạo không gian thông gió thoáng mát, hệ thống điều hoà và đèn LED tiết kiệm điện. Hầu hết các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước đều sử dụng vật liệu xây dựng không nung là vật liệu chính của vỏ bọc công trình. Việc sử dụng cây xanh để làm giảm nhiệt độ mặt đệm bên ngoài công trình và làm sạch không khí đối với công trình xây dựng cũng được các chủ đầu tư quan tâm, thiết kế và thực hiện tạo tính thẩm mỹ cao cho các công trình.
Có thể nói, việc đưa vào thực hiện QCVN 09:2017/BXD cần vai trò rất lớn của các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng ở địa phương, đặc biệt là Sở Xây dựng, là cơ quan dẫn dắt, chủ trì việc thực hiện quy chuẩn đảm bảo xuyên suốt từ công tác thẩm tra, thẩm định, cấp phép xây dựng, kiểm tra nghiệm thu cũng như giám sát quá trình hoạt động của công trình. Thời gian tới, nhằm đưa việc thực hiện QCVN 09:2017/BXD phổ biến hơn trong cuộc sống, Sở Xây dựng sẽ phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo, phổ biến nội dung, tăng cường năng lực chuyên sâu về các quy định của công trình tiết kiệm năng lượng hiệu quả cho các đối tượng tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh. Từng bước hướng dẫn nâng cao năng lực thiết kế công trình tiết kiệm năng lượng hiệu quả đối với lực lượng tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát. Tiến hành xây dựng cơ chế báo cáo, công cụ và quy trình quản lý dữ liệu về sử dụng năng lượng hiệu quả trong công trình xây dựng tại địa bàn. Ðồng thời, khuyến khích các chủ đầu tư nghiên cứu áp dụng, lựa chọn vật liệu, thiết bị tiêu thụ năng lượng trong các công trình xây dựng theo hướng tiết kiệm hiệu quả./.
Bài và ảnh: Đức Toàn