Để đạt được mục tiêu giai đoạn 2016-2020 thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh hơn 3 tỷ USD, đầu tư từ các nguồn vốn trong nước đạt trên 30 nghìn tỷ đồng, những năm qua, tỉnh luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Trong đó, tỉnh chỉ đạo nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, BHXH, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin đầu tư, đất đai, hoàn tất các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp... Bên cạnh đó, tỉnh đã nỗ lực huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung vào các công trình lớn, quan trọng. Đối với các KCN, tỉnh chỉ đạo hoàn thiện quy hoạch theo hướng lâu dài, ổn định, phát huy lợi thế cạnh tranh của địa phương, hình thành những đô thị mới, đô thị vệ tinh phục vụ phát triển các KCN và tập trung củng cố, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ của các KCN chưa được lấp đầy để sẵn sàng cho nhà đầu tư lựa chọn. Toàn tỉnh hiện có 4 KCN đã sẵn sàng đón các nhà đầu tư thứ cấp là các KCN: Hòa Xá, Bảo Minh, Mỹ Trung và Dệt may Rạng Đông với tổng diện tích mặt bằng trên 1.110ha. Đi đôi với đầu tư củng cố hệ thống các KCN, các CCN cũng đặc biệt được quan tâm phát triển. Hệ thống giao thông huyết mạch có tính liên vùng, các dự án giao thông trọng điểm đóng vai trò quan trọng tạo động lực phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch biển của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Hồng. Cụ thể như: Quốc lộ 21B (tuyến đường bộ mới nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 21 và cầu Tân Phong vượt sông Đào), Quốc lộ 37B đoạn từ Thị trấn Ngô Đồng, Quốc lộ 38B đoạn từ nút giao Quốc lộ 10 đến bến đò Bến Mới, tỉnh lộ 485, tỉnh lộ 488 đoạn từ ngã ba Trái Ninh đến Thị trấn Thịnh Long, tỉnh lộ 488C, tỉnh lộ 489... Các tuyến giao thông đường bộ từ Thành phố Nam Định đến trung tâm 9 huyện và các thị trấn đều được nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III, IV đồng bằng, mặt đường thảm bê tông nhựa. Tất cả các xã đều có đường nhựa đến trung tâm xã... Đặc biệt, phải kể đến sự chủ động đầu tư mạnh mẽ hệ thống hạ tầng các khu vực kinh tế trọng điểm nhằm tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn. Trong đó, tỉnh ưu tiên xây dựng, phát triển hạ tầng Thành phố Nam Định từng bước hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng và khu trọng điểm phát triển kinh tế biển Rạng Đông. Tại đây, ngoài KCN Dệt may Rạng Đông quy mô diện tích hơn 1.000ha (giai đoạn 1 gần 600ha) là KCN xanh sạch, bền vững, còn có các công trình cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ nối đô thị Rạng Đông với hành lang kinh tế, kỹ thuật đô thị Quốc lộ 21, Quốc lộ 10; cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang (đầu mối giao thông đường thủy pha sông biển tạo tiềm năng xây dựng cảng nước sâu đô thị Rạng Đông); tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Hiện tỉnh cũng đang tập trung hoàn tất các thủ tục, sớm đầu tư tuyến đường bộ ven biển, cầu vượt sông Đáy nối đô thị Rạng Đông với hành lang kinh tế, kỹ thuật, đô thị Quốc lộ 10 đi Thành phố Ninh Bình và các vùng đô thị lân cận; dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định tại huyện Hải Hậu, cơ sở công nghiệp năng lượng quy mô lớn với phạm vi phục vụ vùng duyên hải Bắc Bộ... Những nỗ lực đồng bộ kể trên đã giúp tỉnh đạt bước tiến đáng ghi nhận trong thu hút đầu tư. Năm 2017, Nam Định đứng thứ 7/59 tỉnh, thành phố về thu hút vốn FDI; trong 7 tháng đầu năm 2018, thu hút đầu tư của tỉnh tiếp tục được đánh giá đạt kết quả khả quan trên cả nước.
Sản xuất sản phẩm may xuất khẩu tại Cty TNHH Phương Ngọc (TP Nam Định). |
Để Nam Định tiếp tục là “điểm đến” hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, tỉnh xác định liên tục cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong đó tỉnh chủ trương quyết liệt cải tạo, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện; triển khai áp dụng giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3 và 4 nhằm tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Triển khai thực hiện hiệu quả Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đề cao trách nhiệm đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần phục vụ nhà đầu tư, không sách nhiễu, gây phiền hà làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm, đặc biệt chú trọng vào các quốc gia có ngành công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... với các dự án ưu tiên, kêu gọi đầu tư như: Phát triển hạ tầng các KCN, công nghiệp dược phẩm và sản xuất dược liệu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí, dệt may, da giày, điện, điện tử... Hiện nay, tỉnh chỉ đạo tích cực phổ biến công khai thông tin các dự án trọng điểm cần thu hút đầu tư. Tại Thành phố Nam Định, các dự án ưu tiên và kêu gọi đầu tư vào phân khu 2 bên tuyến đường dẫn cầu Tân Phong bao gồm: Cắm mốc lộ giới các tuyến đường theo quy hoạch, đặc biệt là tuyến đường dẫn cầu Tân Phong; Xây dựng kè và tuyến đường giao thông hai bên sông Châu Thành; Xây dựng tuyến đường ven đê sông Hồng (địa phận xã Điền Xá); Xây dựng tuyến đường gom hai bên cầu Tân Phong; Xây dựng các khu du lịch dịch vụ thương mại, kho tàng, bến bãi: chợ đầu mối của thành phố, hệ thống các khu dịch vụ thương mại tổng hợp ven trục đường dẫn cầu Tân Phong; Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại đền Cây Quế; Nâng cấp các trục đường hiện có để đảm bảo tiêu chuẩn đường đô thị; Cứng hóa các đoạn đê bối thuộc địa phận xã Mỹ Tân; Xây dựng cảng sông Nam Định; Xây dựng các tuyến đường kết nối Quốc lộ 21 ra Cảng sông Nam Định; Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu; Xây dựng các công trình công cộng: trường học, văn hóa, thể thao, y tế, công viên - cây xanh... Các dự án ưu tiên và kêu gọi đầu tư tại khu vực trọng điểm kinh tế biển Rạng Đông bao gồm: các dự án dịch vụ công nghiệp vận tải và du lịch gắn kết với khu vực giao thương thềm sông Ninh Cơ giáp tỉnh lộ 490B và các cơ sở kinh tế cảng Quần Vinh, cảng hàng hóa Rạng Đông, luồng cho tàu vào sông Ninh Cơ, cảng biển Hải Thịnh, khu du lịch, dịch vụ Nghĩa Thắng; xây dựng các trung tâm dịch vụ giải trí gắn với nuôi trồng thủy sản, gắn kết với KCN Rạng Đông giai đoạn 2, vùng bãi bồi; xây dựng các trung tâm dịch vụ gắn kết với vùng ảnh hưởng đầu cầu Thịnh Long, có quan hệ thuận lợi với khu cảng và khu đóng tàu Thịnh Long.
Với nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp của các cấp chính quyền, ngành chức năng đang được cụ thể hóa nhằm đón bắt cho được làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9-6-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020, tạo đột phá trong phát triển kinh tế./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy