Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học

08:06, 29/06/2018

Với trên 7 triệu con gia cầm, 733 nghìn con lợn và gần 38 nghìn con trâu, bò, tỉnh ta là một trong những tỉnh có đàn gia súc, gia cầm lớn ở vùng đồng bằng sông Hồng. Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh đã áp dụng phương pháp nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhờ đó khống chế được dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.

Người đi đầu trong phong trào chăn nuôi an toàn sinh học là ông Trần Hồng Kỳ, thôn Thượng, xã Minh Tân (Vụ Bản) với trang trại nuôi gà siêu trứng được xây dựng trên khuôn viên 4.000m2. Ông Kỳ cho biết: Để đảm bảo môi trường chăn nuôi an toàn, việc xây dựng và thiết kế chuồng trại phải nghiêm ngặt theo đúng quy trình. Mỗi chuồng nuôi đều được lắp đặt giàn làm mát, quạt hút gió ở đầu và cuối mỗi ô. Trang trại nuôi giống gà đỏ Isa Brown chuyên trứng, có giấy chứng nhận kiểm dịch, con giống được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin và xét nghiệm máu trước khi nhập chuồng. Trong quá trình nuôi, ông thường bổ sung các loại VitaminC, Glueco… vào thức ăn cho gà từ 1-2 tháng/lần đảm bảo đúng quy trình và hàm lượng cho phép theo tiêu chuẩn để tăng cường sức đề kháng, khả năng sinh trưởng cũng như năng suất đẻ trứng. Công tác tiêu độc, khử trùng bên ngoài chuồng trại luôn được thực hiện định kỳ 3-4 ngày/lần nên dịch bệnh gần như “bất khả xâm phạm”. Phân gà được thu dọn tự động bằng hệ thống cần gạt dưới nền chuồng, đóng bao và xử lý bằng vi sinh trước khi đem ra ngoài trang trại. Theo ông Kỳ, chăn nuôi gà theo phương thức an toàn sinh học không những đảm bảo chăn nuôi bền vững mà còn giúp cho người tiêu dùng an tâm hơn với sản phẩm trứng sạch an toàn thực phẩm. Cuối năm 2012, trang trại của ông Kỳ đã được cấp giấy chứng nhận trang trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAHP.

Trang trại nuôi gà đẻ trứng theo tiêu chuẩn VietGAHP của ông Nguyễn Văn Công, xã Hải Xuân (Hải Hậu).
Trang trại nuôi gà đẻ trứng theo tiêu chuẩn VietGAHP của ông Nguyễn Văn Công, xã Hải Xuân (Hải Hậu).

Thời gian gần đây trên địa bàn huyện Ý Yên người chăn nuôi đã chú trọng phát triển nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học; trong đó tiêu biểu là HTX chăn nuôi Yên Lợi, xã Yên Lợi có nhiều cách làm hay, hiệu quả. HTX đã xây dựng quy trình sản xuất lợn an toàn sinh học chung cho các thành viên áp dụng. Quy trình chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn từ lúc lợn mới đẻ ra đến sau 3 tháng được cho ăn thức ăn vi sinh do Cty CP Lebio cung cấp; giai đoạn 2 chủ yếu cho ăn ngô, cám gạo, khô đậu tương… Hầu hết các thành viên HTX đều xây hầm bi-ô-ga để xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong quá trình nuôi, các hộ chủ động sử dụng tỏi và một số thảo dược bổ sung vào chế độ ăn để tăng sức đề kháng cho đàn lợn. Các loại vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn như: dịch tả, tụ huyết trùng, tai xanh, lở mồm long móng, phó thương hàn, xuyễn, còi cọc… được sử dụng đúng hướng dẫn tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của lợn. HTX quy định thời gian ngừng sử dụng thuốc thú y cho lợn trước khi xuất chuồng. Thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm ở cả 2 vụ xuân và thu. Việc làm vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc, dùng vôi sát trùng… được tuân thủ triệt để theo định kỳ và sự chỉ đạo của các cấp, các ngành trong tỉnh, huyện dưới sự giám sát của HTX. Ông Trần Văn Bôn ở thôn Phương Sơn - thành viên HTX cho biết: Từ khi vào HTX tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Tất cả các khâu từ con giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc đến sản phẩm cung cấp ra ngoài thị trường của HTX đều có sự thống nhất, chất lượng đảm bảo, an toàn với người sử dụng. Năng suất, chất lượng sản phẩm đầu ra ở trang trại tăng hơn so với trước, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Hoạt động có hiệu quả, HTX chăn nuôi Yên Lợi đã và đang thu hút đông các thành viên tham gia. Hiện HTX có gần 20 thành viên, tăng hơn chục thành viên so với khi mới thành lập.

Để chăn nuôi phát triển bền vững, những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương quy hoạch khu vực chăn nuôi xa khu dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi xây dựng các trang trại, gia trại áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn với bảo vệ môi trường. Thực hiện chủ trương đó, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học như: nuôi lợn an toàn sinh học, nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, nuôi thỏ an toàn sinh học… tại các địa phương. Mở các lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật giúp người chăn nuôi tiến hành nuôi theo phương pháp an toàn sinh học. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn hộ áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Bên cạnh việc tiêm vắc-xin định kỳ cho vật nuôi, thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, người chăn nuôi đã xây dựng các công trình khí sinh học hoặc sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải, nước thải chăn nuôi tại chỗ. Phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học giúp vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, giảm chi phí đầu vào, giảm công chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, hạn chế dịch bệnh, nên gia tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi góp phần giúp các địa phương có ngành chăn nuôi phát triển hoàn thành tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, người chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học hiện vẫn chưa thật sự yên tâm bởi rủi ro trong chăn nuôi ngày càng tăng do lệ thuộc rất nhiều từ đầu vào (con giống, thức ăn) đến đầu ra sản phẩm và giá cả thị trường. Chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán trong nông hộ còn chiếm tỷ lệ cao là cản trở không nhỏ để phát triển ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong khi đó, chăn nuôi trang trại được xác định là giải pháp then chốt thúc đẩy tăng trưởng của ngành, mở rộng chăn nuôi an toàn sinh học, nhưng đến nay bộ phận sản xuất này phát triển chậm, quy mô nhỏ, công nghệ thiếu đồng bộ, trình độ quản lý thấp. Một số dịch bệnh nguy hiểm vẫn luôn tiềm ẩn, đe dọa. Bên cạnh đó, chất lượng và số lượng của hệ thống thú y cơ sở còn thiếu và yếu…

Bảo đảm an toàn sinh học trong chăn nuôi là cần thiết để phòng chống dịch bệnh, sản xuất sản phẩm sạch, giảm ô nhiễm môi trường, giảm nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và là hướng phải đi của ngành chăn nuôi. Cùng với những thuận lợi, người chăn nuôi vẫn đang phải khắc phục nhiều khó khăn để thực hiện các phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Do đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có liên quan trong việc bảo vệ, hướng dẫn người chăn nuôi nhằm góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cao./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com