Cơ hội thúc đẩy công nghiệp địa phương phát triển bền vững (kỳ 2)

08:06, 12/06/2018

[links()]

(Tiếp theo kỳ trước)

II. Những khó khăn, hạn chế

Mặc dù đã có những đóng góp nhất định nhưng nhìn chung các doanh nghiệp, các làng nghề sản xuất CN-TTCN của tỉnh ta vẫn còn những hạn chế: trình độ công nghệ lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; có đến trên 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa; số doanh nghiệp chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, văn hóa doanh nghiệp chưa nhiều...

Sản xuất trang phục xuất khẩu tại Cty CP Thể thao thời trang chuyên nghiệp Giao Thủy, Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy).
Sản xuất trang phục xuất khẩu tại Cty CP Thể thao thời trang chuyên nghiệp Giao Thủy, Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy).

Theo báo cáo của ngành Công thương, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 1.369,9 triệu USD năm 2017 của tỉnh ta, khối doanh nghiệp FDI đạt 743,5 triệu USD, chiếm gần 54,3%, tăng 28,2%; trong khi đó khối doanh nghiệp địa phương chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 21,3%, với 585,2 triệu USD. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp địa phương năm 2017 tăng gần 93 triệu USD so với năm trước nhưng vẫn thấp hơn đến 158,2 triệu USD so với các doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có sự mất cân đối lớn. Trong số 5 mặt hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ yếu thì ngành dệt may có kim ngạch xuất khẩu chiếm tới 1.104,6 triệu USD. Năm 2017, chỉ hai ngành hàng dệt may và chế biến gỗ đạt tốc độ tăng trưởng cao (lần lượt là 23,9% và 39,2%) so với kế hoạch, còn lại 3 mặt hàng xuất khẩu truyền thống là: thịt đông lạnh, dược liệu - tân dược, hàng tôn - thủ công mỹ nghệ không đạt kế hoạch. Số lượng doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN của địa phương có thể tham gia xuất khẩu trực tiếp chưa nhiều, mặc dù có rất nhiều sản phẩm làng nghề và của doanh nghiệp địa phương hiện đang được xuất khẩu nhưng thông qua uỷ thác, ký gửi nên lợi nhuận không cao; đồng nghĩa với việc chưa tận dụng và được thụ hưởng từ những cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương, của tỉnh trong khuyến khích xuất khẩu.

Một trong những nguyên nhân doanh nghiệp địa phương có kim ngạch xuất khẩu thấp là, ngoài một số doanh nghiệp ngành dệt may, sản xuất thuốc và hóa dược, chế biến gỗ có quy mô sản xuất lớn thì đến trên 90% số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh của tỉnh ta thuộc diện doanh nghiệp vừa và nhỏ; thậm chí là siêu nhỏ theo tiêu chí quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11-3-2018 của Chính phủ. Chia sẻ về hạn chế, bất lợi của những doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, ông Trần Xuân Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh cho biết: “Những doanh nghiệp này không những năng lực cạnh tranh thấp mà còn là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất khi thị trường, môi trường kinh doanh có những thay đổi, biến động. Vì thế, hiện tượng các doanh nghiệp không có đơn hàng, hợp đồng phải tạm dừng sản xuất, giải thể, phá sản... là điều tất nhiên”. Về sản xuất CN-TTCN khu vực nông thôn, toàn tỉnh hiện có 124 làng nghề, làng nghề truyền thống nhưng hiện nay chỉ có một số ít các làng nghề hoạt động ổn định, vững chắc. Theo thống kê của Sở Công thương, các nghề đang gặp khó khăn nhất trong tỉnh là thêu ren, sơn mài, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa chắp, dệt chiếu. Nguyên nhân cơ bản là sản phẩm bị cạnh tranh mạnh bởi các loại vật liệu, sản phẩm công nghệ mới; thị hiếu người tiêu dùng thay đổi, trong khi nhiều làng nghề mới phát triển “nóng”, không có chiều sâu, thiếu sự đầu tư cần thiết nên không thể “trụ” nổi trước sự cạnh tranh gắt gao của thị trường. Bên cạnh đó, các khâu khảo sát, rà soát, định hướng phát triển, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực cùng với các chính sách hỗ trợ, khuyến khích về mặt bằng, nguồn vốn, tìm kiếm thị trường và tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán hợp lý. Ngay cả những làng nghề được đánh giá là ổn định như: mộc mỹ nghệ, chế biến lương thực, thực phẩm, cơ khí cũng vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề ảnh hưởng tới khả năng tồn tại như: thiếu nguồn nguyên liệu tại chỗ; thị trường tiêu thụ không ổn định, những tác động môi trường… Các doanh nghiệp ở các làng nghề đa phần mới đủ sức hoạt động ở thị trường trong nước, trong khi các sản phẩm có khả năng xuất khẩu như: cơ khí, gỗ mỹ nghệ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ lại chủ yếu là cung ứng cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh hoặc ủy thác xuất khẩu. Ngoài một số làng nghề truyền thống ở các xã, thị trấn như: Lâm, Yên Tiến, Yên Ninh (Ý Yên); Xuân Tiến, Xuân Kiên (Xuân Trường); Nam Giang, Nam Hồng, Nam Thanh (Nam Trực); Hải Minh (Hải Hậu)... phát triển được đội ngũ doanh nghiệp hạt nhân nên hoạt động ổn định, còn rất nhiều làng nghề hoạt động trầm lắng dần do thiếu vai trò đòn bẩy của các doanh nghiệp. Điều đó dẫn tới các cơ sở, hộ sản xuất nhỏ lẻ trong các làng nghề phải tự xoay xở để duy trì hoạt động trước những biến động và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường. Quy mô sản xuất nhỏ nên đóng góp cho ngân sách cũng hạn chế nên không có điều kiện tái đầu tư cho phát triển sản xuất. Một số chương trình chiến lược của ngành công nghiệp như công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến… chưa được đầu tư đúng mức và phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. 

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh năm 2016, bên cạnh việc đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu của tỉnh ta trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh một số vấn đề còn bất cập, hạn chế là: số lượng doanh nghiệp của tỉnh còn quá ít, không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa tạo ra đột phá nổi bật để góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Chính phủ; tập trung khuyến khích, hỗ trợ các tập thể, cá nhân phát huy tinh thần khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, kinh doanh đa dạng ngành nghề, góp phần đưa kinh tế của tỉnh phát triển. Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là tỉnh tập trung định hướng chỉ đạo phát triển khối doanh nghiệp địa phương, làng nghề sản xuất CN-TTCN của tỉnh ta trong những năm tiếp theo.

(còn nữa)
Bài và ảnh: Thành Trung

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com