Giải pháp khắc phục thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp

08:05, 07/05/2018

Những năm gần đây, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở các địa phương rất thiếu lao động làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển của ngành kinh tế quan trọng này. Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn lực lượng lao động nông nghiệp trong độ tuổi đều đi làm xa hoặc đi làm công nhân ở các doanh nghiệp có thu nhập cao hơn và ổn định hơn, vì thế lao động nông nghiệp ở nhiều vùng chủ yếu là “tận dụng” cả về thời gian và độ tuổi.

Cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp tại xã Giao Tiến (Giao Thủy).
Cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp tại xã Giao Tiến (Giao Thủy).

Vụ đông năm 2017, ở các xã có truyền thống trồng màu, cây vụ đông như Liên Minh, Thành Lợi (Vụ Bản)… diện tích cây trồng giảm nhiều so với những năm trước do phần lớn lao động nông nghiệp đã chuyển sang làm tại các doanh nghiệp trong KCN Bảo Minh và ở các xã xung quanh… Ông Nguyễn Văn Long, xã Thành Lợi cho biết: “Trước đây, đất đai không bao giờ được “nghỉ”, xen canh, gối vụ các loại rau màu thì hiện nay nhiều diện tích để không. Làm nông nghiệp vất vả, mỗi vụ số tiền lãi chỉ đủ bù cho chi phí và công sức bỏ ra nên nhiều người không mặn mà. Trong khi đó, đi làm thuê ở tỉnh ngoài hay làm công nhân ở các doanh nghiệp mỗi tháng ít nhất cũng kiếm được 4-5 triệu đồng, thêm tiền tăng ca, thưởng… tính ra vẫn khá hơn nhiều so với làm ruộng”. Trên cánh đồng của xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) bên cạnh những ruộng lúa đang được phủ màu xanh là những mảnh ruộng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Là xã có nghề may công nghiệp phát triển, cho thu nhập ổn định nên đã thu hút nhiều lao động, dẫn đến thiếu lao động nông nghiệp. Ông Trần Văn Nam, nông dân xã Mỹ Thắng cho biết: trước đây nghề làm chăn chỉ là nghề phụ, các hộ chỉ tận dụng thời gian nông nhàn để làm nhằm cải thiện thu nhập. Song, hiện nay nghề may công nghiệp ngày càng phát triển cho thu nhập chính nên người dân không cấy lúa nữa, số hộ gia đình bỏ ruộng để chuyển hẳn sang nghề may công nghiệp và làm chăn ga, gối, đệm ngày một nhiều lên; không còn nhiều người thiết tha, gắn bó với đồng ruộng. Nhà nào có nhiều ruộng không cấy thì cho thuê lại, không có người thuê thì bỏ hoang. Diện tích ruộng bỏ hoang đến thời điểm hiện tại của Mỹ Thắng đã lên tới 46,2ha. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Mỹ Thắng mà còn phổ biến ở nhiều địa phương như: xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) diện tích ruộng bỏ hoang lên tới gần 40ha; các xã, thị trấn: Trung Đông 50ha, Cổ Lễ 50ha (Trực Ninh); Yên Đồng 100ha, Yên Lương 39,3ha (Ý Yên)… Đây là những địa phương có ngành nghề CN-TTCN và dịch vụ phát triển nên có diện tích ruộng bỏ hoang lớn nhất cả tỉnh, mặc dù có nhiều vùng canh tác rất thuận lợi về giao thông, thủy lợi. Tình trạng lao động nông thôn đổ xô đi làm các công việc, ngành nghề khác ở trong và ngoài tỉnh khiến mỗi khi vào vụ cấy, gặt, ở nhiều địa phương, các hộ nông nghiệp phải “đỏ mắt” tìm người cấy thuê, gặt thuê, trả công cao mà cũng khó thuê được. Ông Nguyễn Văn Tiến, xã Đồng Sơn (Nam Trực) cho biết: “Nếu như trước đây thuê lao động nông nghiệp trả công 100-150 nghìn đồng/ngày công/người thì đến nay lúc vào mùa vụ trả 200-250 nghìn đồng/ngày công/người mà cũng không kiếm được người làm giúp”. Thiếu nhân lực trong những đợt cao điểm thời vụ sản xuất khiến nông dân lo lắng và cũng ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất chung của tỉnh. Làng quê vắng bóng thanh niên, lực lượng lao động nông nghiệp hầu hết là người lớn tuổi, sức lao động giảm sút, khả năng tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật hạn chế, năng suất lao động thấp, hiệu quả kinh tế thấp. Tình trạng này không sớm khắc phục có thể khiến đồng ruộng dần hoang hóa, hiệu suất sử dụng đất ngày càng giảm, manh nha nguy cơ “phi nông”.

Giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là đẩy mạnh tiến độ cơ giới hóa nhằm giảm lao động thủ công. Những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM, phát triển hạ tầng nông thôn, dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp kết hợp chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng tạo thuận lợi cho việc cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, phát triển nông nghiệp hàng hóa. UBND tỉnh đã phê duyệt chương trình cơ giới hóa và ban hành chính sách khuyến khích phát triển cơ giới hóa nên việc triển khai cơ giới hóa có nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, với sự đồng tình tham gia của hầu hết các địa phương và đông đảo các hộ nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp nên bước đầu chương trình cơ giới hóa đã thu được kết quả tích cực. Thông qua các Quyết định số 10, 26, 22 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ mua máy gặt đập liên hợp để cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa và Quyết định 68 của Chính phủ; cùng với việc vận động nhân rộng mô hình, số lượng máy gặt đập liên hợp trên địa bàn tỉnh liên tục được đầu tư thêm. Đến nay, toàn tỉnh có trên 700 máy gặt đập liên hợp, đưa tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch lên trên 70%. Thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp không những cho thấy hiệu quả rõ rệt, như giảm tổn thất, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, giảm hẳn giá dịch vụ so với gặt thủ công, mà còn khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động. Bà Lê Thị Linh, xã Việt Hùng (Trực Ninh) cho biết: “Trước đây, mỗi khi vào vụ thu hoạch lúa, chúng tôi không khỏi lo lắng tìm người gặt thuê với giá từ 180-200 nghìn đồng/sào, cộng thêm tuốt hạt 40-50 nghìn đồng/sào, chưa kể vận chuyển tốn nhiều công sức hơn... Từ khi đưa cơ giới vào sản xuất làm nghề nông nhàn hẳn, nhất là trong khâu làm đất và thu hoạch. Chúng tôi thuê gặt máy chỉ từ 120-140 nghìn đồng/sào, so với gặt thủ công thì chi phí giảm được hơn 100 nghìn đồng/sào”. Cũng nhờ cơ giới hóa việc cày bừa nên đã rút ngắn thời gian làm đất. Với hơn 6.000 máy làm đất các loại, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất toàn tỉnh đạt 100% diện tích, tiến độ làm đất được rút ngắn hơn nhiều đã đáp ứng yêu cầu thời vụ, nhất là khi thời gian chuyển giao giữa vụ xuân sang vụ mùa khá gấp, hạn chế được nguy cơ cây lúa bị ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt vào cuối vụ. Phương thức gieo sạ hàng trong sản xuất lúa cũng được các hộ nông dân mở rộng lên trên 50% tổng diện tích gieo cấy. Qua nhiều vụ, phương pháp này đã thể hiện được ưu thế: giảm phần lớn công lao động nặng nhọc, giảm bớt lượng thóc giống, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa 7-10 ngày, năng suất tăng 8-15%... so với phương thức gieo mạ, cấy lúa truyền thống. Không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, cơ giới hóa còn mang lại hiệu quả xã hội khi góp phần giải phóng sức lao động nông thôn, giảm bớt khó khăn, nặng nhọc cho người nông dân, làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn.

Xu thế của ngành Nông nghiệp hiện đại là cơ giới hóa toàn diện, sản xuất theo các quy trình đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo cả về chất lượng và mẫu mã để có thể cạnh tranh với các thị trường khó tính. Mặt khác, cơ giới hoá trong nông nghiệp thúc đẩy tích tụ ruộng đất để sản xuất cánh đồng lớn, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp có ứng dụng tiến bộ KHKT nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, từng bước phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng lực sản xuất và trình độ tổ chức, quản lý là hướng đi nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành Nông nghiệp, khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực này./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



Cách tìm tìm việc chất lượng tại VietnamWorks

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com