Trên nền tảng phát triển của công nghiệp dệt - may, với lợi thế về nguồn lao động, những năm gần đây ngành công nghiệp da giày của tỉnh đã có bước phát triển mới, phù hợp với định hướng phát triển sản xuất CN-TTCN của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động của nhiều địa phương.
Sản xuất giày da, giày thể thao xuất khẩu tại Cty CP Xây dựng và Giày da Hồng Việt, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường). |
Cty CP Xây dựng và Giày da Hồng Việt, CCN Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cấp nhà xưởng trên diện tích khoảng 8.000m2, mua các loại máy chuyên dụng, vừa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, vừa tiết kiệm điện năng. Hơn 300 máy may công nghiệp và các loại máy chuyên dụng của Cty đều nhập khẩu từ Hàn Quốc và hàng chục loại máy chuyên dụng để sản xuất mũ giày xuất khẩu sang Hàn Quốc. Bình quân mỗi tháng Cty sản xuất được trên 60 nghìn sản phẩm giày thể thao, xăng-đan các loại, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động. Trong năm 2017, Cty đã đầu tư thêm 1 xưởng sản xuất tại xã Thọ Nghiệp, thu hút trên 100 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Tại CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), Cty cổ phần Cơ khí và Thương mại Nam Hà đã đầu tư lắp đặt dây chuyền, thiết bị gia công mũ giày xuất khẩu. Đến nay, Cty đã có 4 xưởng may mũ giày hoạt động ổn định, mỗi tháng sản xuất được từ 50-60 nghìn sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường: Đức, Pháp, Hồng Công (Trung Quốc), tạo việc làm thường xuyên cho gần 1.000 lao động với mức thu nhập từ 4,5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh các doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư vào lĩnh vực da giày, từ năm 2011 đến nay, ngành công nghiệp da giày cũng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2011, Cty TNHH Yamani Dynasty của Đài Loan (Trung Quốc) đã đầu tư 14 triệu USD xây dựng nhà máy với quy mô công suất hơn 950 nghìn sản phẩm/năm tại CCN Nam Hồng (Nam Trực). Sản phẩm gồm các loại: túi xách, ví, thắt lưng… xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU. Năm 2013, Cty TNHH Yamani Dynasty tiếp tục đầu tư 25 triệu USD để mở rộng quy mô 4 xưởng sản xuất với tổng diện tích gần 24 nghìn m2 gồm 21 chuyền may và các bộ phận phụ trợ. Trong năm 2015, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) còn thu hút được một dự án nước ngoài với tổng mức đầu tư trên 540 tỷ đồng của Cty TNHH Da giày AMARA. Hiện tại, Cty tạo việc làm cho trên 4.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Cuối năm 2017, dự án Nhà máy sản xuất, gia công các sản phẩm giày dép của Cty TNHH Việt Power (Đài Loan), diện tích 9,9ha; tổng vốn đầu tư 22,3 triệu USD, lao động dự kiến 6.000 người tại xã Hải Tân (Hải Hậu) đã hoàn thành xây dựng giai đoạn I và bước vào sản xuất từ đầu năm 2018 với 3 nhà xưởng, 9 dây chuyền sản xuất các loại giày da, giày thể thao xuất khẩu sang các nước trong khối EU, Mỹ, công suất từ 270-300 nghìn đôi/tháng. Đại diện của Cty cho biết: để đáp ứng yêu cầu sản xuất, trong năm 2018 Cty sẽ tiếp tục triển khai các hạng mục của giai đoạn II để vận hành đủ công suất trong thời gian sớm nhất. Dự kiến, khi giai đoạn II hoàn thành, Cty sẽ có ít nhất 40-42 chuyền may và các bộ phận phụ trợ như: cắt, hoàn thành, kiểm hàng... thu hút khoảng từ 5.500-6.000 lao động. Cty TNHH Kim Vận cũng đang xây dựng nhà máy sản xuất giày da xuất khẩu diện tích 98.600m2, dự kiến thu hút 4.000 lao động tại xã Đồng Sơn (Nam Trực)...
Theo Sở Công thương, tỉnh ta có tiềm năng lớn để phát triển sản xuất da giày. Các doanh nghiệp ngành da giày của tỉnh hiện đều ký được hợp đồng dài hạn, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Phát triển ngành công nghiệp da giày sẽ góp phần giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động. Bên cạnh đó, với lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang và sắp ký kết, nhiều chuyên gia nhận định ngành công nghiệp da giày sẽ có những khởi sắc hơn nữa. Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến được ký kết vào giữa năm 2018, sản phẩm giày, dép của Việt Nam sẽ được hưởng chênh lệch thuế từ 3,5-4,2% khi xuất khẩu vào EU so với Trung Quốc nên sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn. Đặc biệt, với mức thuế suất 0% khi EVFTA có hiệu lực sẽ là lợi thế lớn đối với các doanh nghiệp da giày. Không chỉ hưởng lợi từ EVFTA, trong dài hạn, lợi ích đạt được từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng là một lợi thế lớn cho các doanh nghiệp ngành da giày vì ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống là Mỹ và EU, Hàn Quốc... một số thị trường mới, tiềm năng của các nước trong CPTPP như: Chi-lê, Ốt-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Mê-hi-cô, Ca-na-đa... đang mở rộng. Tuy nhiên, cơ hội luôn song hành với thách thức và việc các doanh nghiệp da giày tỉnh ta có tận dụng được những lợi thế, ưu đãi nêu trên hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: đầu tư sản xuất toàn phần; sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; hạn chế tỷ lệ gia công để nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người lao động. Đây là vấn đề mà ngành chức năng và các doanh nghiệp cần quan tâm, tránh lãng phí các ưu đãi của tỉnh trong khuyến khích thu hút đầu tư, nhất là ưu đãi về đất đai, để phát triển ngành công nghiệp da giày bền vững, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Bài và ảnh: Thành Trung