Bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè, cống trong mùa mưa bão

07:05, 23/05/2018

Qua mùa lũ, bão năm 2017 đã bộc lộ nhiều hạn chế khó lường ở hệ thống đê điều của tỉnh. Do vậy, vào mùa mưa, bão, lũ năm nay, việc bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè, cống, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, sản xuất được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành.

Thi công thả rồng đá tại kè Mặt Lăng, tuyến đê hữu sông Hồng thuộc địa phận huyện Trực Ninh.
Thi công thả rồng đá tại kè Mặt Lăng, tuyến đê hữu sông Hồng thuộc địa phận huyện Trực Ninh.

Hệ thống đê điều của tỉnh khá đa dạng, nhiều cấp với tổng số 663km đê và 8km đê biển Cồn Xanh (đê mới). Trong đó, đê cấp I, II và III là 365km (gồm 91km đê biển, 274km đê sông) và 298km đê dưới cấp III. Có trên 160km kè bảo vệ tuyến đê sông và đê biển. Về hiện trạng tuyến đê sông đã nâng cấp được 159/274km đê bê tông, 27km nhựa; 97km kè; 31 bối (28 bối có dân sinh sống, 3 bối canh tác). Nhiều bối lớn và có đông dân cư sinh sống như bối Yên Trị (Ý Yên), bối Thắng Thịnh (Nam Trực) có từ 7-13 nghìn dân hiện đang định cư. Tuyến đê biển đã bê tông hóa được 79,6km mặt đê; 68,4km kè. Những năm qua, hệ thống đê điều của tỉnh đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp; bảo đảm an toàn một số vị trí trọng điểm xung yếu. Tuy nhiên, các tuyến đê sông đã lâu chưa được thử thách nên năm 2017 có lũ đã bộc lộ nhiều sự cố bất ngờ chưa lường hết được. Một số đoạn trên các tuyến đê cao trình thấp nhưng chưa được củng cố. Nhiều đoạn đê bị sạt trượt, rò rỉ, thẩm lậu, xuất hiện mạch đùn, mạch sủi. Mức độ đảm bảo chống bão đối với tuyến đê biển đã nâng cấp chống được bão cấp 10 và triều trung bình 5% theo tiêu chuẩn thiết kế đê cũ. So với các kịch bản về biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì đê biển Hải Hậu, Giao Thủy phải có cao trình +6,80, Nghĩa Hưng +6,10 mới đảm bảo. Như vậy, đê biển các huyện Hải Hậu và Giao Thủy hiện tại còn thấp hơn xấp xỉ 1,5m nên cần có giải pháp giảm sóng, ổn định vùng bãi phía trước những đoạn đê, kè xung yếu nhất. Ngoài ra do công tác dự báo lượng mưa hiện nay còn hạn chế nên việc chỉ đạo, điều hành phòng, chống lũ, bảo đảm an toàn công trình đê điều gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, những năm gần đây, thiên tai có xu hướng cực đoan hơn và ngày càng tăng về cường độ, tần suất, không theo quy luật, gây nhiều thiệt hại về kinh tế và đe dọa an toàn đê điều. Đặc biệt, năm 2017 mưa lũ lớn nhất từ trước đến nay xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình phòng chống thiên tai, nhất là hệ thống đê điều. 

Vì thế, từ cuối năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương hoàn thành các dự án tu bổ, củng cố đê điều như: dự án tu bổ đột xuất cấp bách sau bão số 1 năm 2016; dự án khắc phục hậu quả bão số 10 và lũ lớn năm 2017; kế hoạch duy tu, bảo dưỡng đê điều năm 2018. Về đê sông có các dự án kè tuyến đê hữu sông Hồng, kè Hồng Hà đoạn từ K160+500 đến K161+320 huyện Mỹ Lộc; kè Mặt Lăng huyện Trực Ninh đoạn K183+020 đến K183+640; kè Quy Phú từ K178+000 đến K180+050 huyện Nam Trực đang triển khai thi công. Kè tuyến đê hữu sông Đào, dự án xử lý cấp bách mái đê phía sông đoạn K7+150 đến K7+190 và đoạn K14+500 đến K16+000; dự án hoàn thiện, gia cố mặt đê bê tông đoạn K0+700 đến K4+500 trên tuyến đê Đồng Tâm, huyện Vụ Bản đang hoàn thiện thủ tục dự án. Tuyến đê hữu sông Ninh Cơ, kè Phượng Tường từ K5+150 đến K5+340 và kè Trực Mỹ K21+200 đến K21+600 của huyện Trực Ninh đã thi công xong; công trình xử lý cấp bách kè Trực Thanh (Trực Ninh) đoạn K6+150 đến K16+650 tiến độ thi công đạt 60%. Tuyến đê tả sông Đáy, các dự án xử lý cấp bách kè Độc Bộ đoạn từ K169+500 đến 700; đê bối Yên Trị, đê bối Yên Bằng huyện Ý Yên đã thi công xong… Trên các tuyến đê biển, ở huyện Hải Hậu, dự án xử lý cấp bách hư hỏng đê biển đoạn Hải Thịnh II từ K21+418 đến K21+598; Hải Thịnh III từ K24+883 đến K26+993 Thị trấn Thịnh Long; đê biển Cồn Tròn, xã Hải Hòa từ K20+000 đến K21+340, kè và đường vào bãi tắm Thịnh Long do bão số 10 năm 2017 gây ra đang được các nhà thầu tập trung thi công. Dự án xử lý cấp bách hư hỏng mái kè phía biển mang cống Thanh Niên, xã Bạch Long; mái đê biển phía đồng tại đê Ang Giao Phong, xã Giao Phong - thuộc tuyến đê biển huyện Giao Thủy do bão số 10 năm 2017 gây ra đã hoàn thành. Dự án xây lắp đê, kè Nghĩa Phúc - Đông Nam Điền huyện Nghĩa Hưng đã nghiệm thu bàn giao từ K13+562 đến K15+142, K21+500 đến K23+912,5 và K16+035,2 đến K16+613… Vừa qua tỉnh đã tổ chức các đoàn kiểm tra tổng thể hệ thống đê điều toàn tỉnh và đánh giá, về cơ bản các nhà thầu tham gia thi công xây dựng đã đáp ứng yêu cầu, thi công công trình đảm bảo chất lượng, hoàn thành theo tiến độ được phê duyệt. Tuy nhiên, vẫn còn có nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tập trung thi công, chất lượng thi công tại một số hạng mục công trình chưa đạt yêu cầu, vốn bố trí cho các dự án còn thiếu dẫn đến kéo dài tiến độ thi công. Từ kết quả kiểm tra thực địa, đối với các công trình, dự án đang thi công (kè biển, kè sông, cống dưới đê), tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, các nhà thầu phải chủ động phương án đảm bảo an toàn người, vật tư, thiết bị, an toàn công trình trong quá trình thi công theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong mùa lũ bão, khi kiểm tra, phát hiện những công trình đê điều hư hỏng, sự cố thì các huyện, thành phố phải chủ động tu bổ sửa chữa và xây dựng phương án bảo vệ công trình an toàn theo phương châm “4 tại chỗ”. Tuy nhiên từ thực trạng đê điều đã nêu trên, để đảm bảo cho công trình phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai, UBND tỉnh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư nâng cấp những công trình đê biển xung yếu chưa đảm bảo chỉ tiêu thiết kế, các đoạn đê xung yếu; xây dựng hệ thống mỏ kè giảm sóng tại đê Cồn Tròn và Hải Thịnh II (Hải Hậu). Nâng cấp đê, kè Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng). Tu sửa mái kè biển bị bào mòn, hư hỏng cục bộ. Trên tuyến đê sông, tu bổ nâng cấp các tuyến đê tả, hữu sông Ninh Cơ thuộc các huyện Trực Ninh, Hải Hậu và Nghĩa Hưng; các đoạn còn lại trên tuyến đê tả sông Đáy huyện Nghĩa Hưng, Ý Yên. Hoàn thiện mặt cắt, gia cố mặt đê bê tông và các kè xung yếu, kè Tam Phủ, Ngô Xá, Giao Hương, Quy Phú. Đầu tư nâng cấp các công trình phục vụ công tác quản lý, bảo vệ đê như điếm canh đê, cột thủy chí, mốc chỉ giới bảo vệ đê, đường hành lang chân đê. Đầu tư xây mới một số cống xung yếu…

Năm 2018, tỉnh xác định có 26 trọng điểm phòng chống lụt bão, trong đó có 1 trọng điểm cấp tỉnh là tuyến đê hữu sông Ninh Cơ đoạn từ K26+680 đến K40+580 trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng. Để làm chủ tình thế, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, các địa phương đã tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện ứng phó. Hiện tại tất cả vật tư dự trữ PCLB của Trung ương và địa phương như: 43.314m3 đá hộc, 1.283m3 đá dăm, 1.871 rọ thép, 50.830m2 vải lọc, 440.613 bao ni-lông, 16.526kg dây thép và 205.638m2 bạt chống tràn… đã được tập kết tại các trọng điểm, các tuyến đê biển, đê sông của tỉnh. Các địa phương đang chỉ đạo đôn đốc các hộ dân chuẩn bị bao ni-lông đựng đất chống lụt, tre rào… theo phương châm “4 tại chỗ”. Cùng với vật tư dự trữ của các hộ dân; các xã, phường, thị trấn (kể cả những địa phương không có đê) đều huy động lực lượng xung kích hộ đê, sẵn sàng bảo vệ các trọng điểm PCLB. Các xã, phường, thị trấn xây dựng phương án “4 tại chỗ” bảo vệ trọng điểm đê, kè, cống, trong tháng 5 tổ chức diễn tập đảm bảo phương án phòng chống hiệu quả nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com