Với mục tiêu tăng năng suất, sản lượng lương thực, hạ giá thành sản phẩm, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người nông dân, những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực xây dựng các mô hình cánh đồng lớn (CĐL). Bước đầu mô hình này đã thể hiện được tính ưu việt. Tuy nhiên, để xây dựng CĐL một cách bền vững còn nhiều vấn đề đặt ra.
Từ nguồn kinh phí của dự án khuyến nông Trung ương, vụ xuân 2014, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nam Định đã phối hợp với HTXDVNN Hùng Tiến, xã Giao Tiến (Giao Thủy) triển khai xây dựng mô hình CĐL nhằm gắn kết trong sản xuất lúa và tiêu thụ sản phẩm. HTX Hùng Tiến đại diện các hộ nông dân ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào cũng như bao tiêu sản phẩm đầu ra. Mô hình được xây dựng trên quy mô 50ha với 250 hộ tham gia.
Thuận lợi ban đầu của mô hình CĐL này là địa phương đã dồn điền đổi thửa xong; các hộ nông dân liên kết đảm bảo thống nhất cùng thực hiện quy trình sản xuất, cấy cùng một giống lúa BT7, cùng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; cùng đưa cơ giới vào khâu làm đất và thu hoạch nhằm giảm chi phí đầu vào trong sản xuất. Sản phẩm được Cty CP Lương thực Nam Định ký hợp đồng bao tiêu. Theo hạch toán kinh tế, mô hình đạt được hiệu quả kinh tế cao: chi phí đầu vào giảm 3,75 triệu đồng/ha (Trong đó: thu hoạch bằng máy giảm hơn 3,3 triệu đồng/ha so với gặt thủ công; vật tư giống, phân bón, thuốc BVTV giảm 417 nghìn đồng/ha). Năng suất thu được 64,5 tạ/ha, tăng 13% so với sản xuất riêng lẻ đại trà. Tính chung giá trị kinh tế của mô hình lãi hơn so với sản xuất đại trà riêng lẻ gần 10 triệu đồng/ha. Trước đó, vào vụ xuân 2013, xã Nam Hùng (Nam Trực) xây dựng CĐL diện tích 50ha trồng lạc (giống L23) của trên 100 hộ ở cánh đồng Nội, thôn Cổ Tung. Với phương châm 3 “cùng” (cùng trà, cùng giống, cùng quy trình kỹ thuật thâm canh) và những tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng, hiệu quả sản xuất của CĐL cao hơn 10% so với đại trà. Từ đó, hơn 100 hộ dân ở thôn Cổ Tung thống nhất xây dựng CĐL cả 3 vụ trong năm với công thức vụ xuân trồng lạc, vụ mùa sản xuất lúa và vụ đông trồng khoai tây, từng bước phấn đấu đạt mục tiêu cánh đồng “300 triệu đồng”. Việc sản xuất trên CĐL cũng là tiền đề để xã Nam Hùng từng bước làm “cách mạng” về giống cho cây vụ đông. Đến nay, xã đã đưa cây khoai tây giống Đức, Hà Lan vào trồng trên 100% diện tích thay cho giống khoai tây KT3 truyền thống nhằm đạt hiệu quả cao hơn.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn xã Việt Hùng (Trực Ninh). |
Từ thành công của mô hình CĐL của Cty TNHH Cường Tân tại xã Trực Hùng (Trực Ninh) năm 2012, những năm qua, tỉnh đã có chủ trương tiếp tục xây dựng các CĐL trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã quy hoạch và xây dựng được ổn định 150 CĐL sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với tổng diện tích 6.500ha, trong đó có trên 800ha thực hiện các mô hình liên kết chuỗi giá trị. Có thể nói, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo CĐL đã được các địa phương, đơn vị tích cực triển khai thực hiện, đem lại hiệu quả cao về kinh tế và xã hội. Cụ thể, các CĐL đều đạt mức tăng năng suất, hiệu quả từ 10-15% so với đại trà. Từ đó, giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích cũng tăng cao (đạt mức bình quân trên 100 triệu đồng/ha/năm), tăng thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng NTM. Ngoài ra, sản xuất theo CĐL còn làm tăng tính cộng đồng, hạn chế chênh lệch giữa các hộ nông dân trong canh tác. Các chuyên gia ngành Nông nghiệp nhận định: CĐL là hình thức tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, tập hợp những nông dân nhỏ lẻ lại hình thành một diện tích chung rộng lớn, tạo điều kiện áp dụng những kỹ thuật và công nghệ mới, giải quyết đầu ra ổn định cho bà con nông dân. Một số doanh nghiệp, đơn vị như: Cty TNHH Toản Xuân, Cty TNHH Cường Tân… đã vào cuộc tích cực, thực hiện đầu tư cho vay, ứng trước giống, phân bón, cam kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tạo mối liên kết tốt giữa người sản xuất với các doanh nghiệp. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), công nghệ tiên tiến được đưa vào sản xuất. Xây dựng được các CĐL cũng góp phần tạo điều kiện đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người nông dân; bảo vệ môi trường, giảm phát thải… Có thể khẳng định, việc tổ chức sản xuất theo mô hình CĐL đã đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Đây là cơ sở để chuyển nhanh sang nông nghiệp hàng hóa, tăng năng suất, chất lượng các loại cây trồng, tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng NTM.
Tuy nhiên, theo đồng chí Vũ Văn Thắng, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Nam Trực, việc xây dựng CĐL trên địa bàn huyện bộc lộ một số hạn chế. Rõ nhất là những bất cập ảnh hưởng đến tính bền vững trong mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Một số doanh nghiệp đã vào liên kết với nông dân sản xuất, nhưng tình trạng các bên không tôn trọng cam kết vẫn còn xảy ra. Người dân phá vỡ cam kết bán sản phẩm ra ngoài khi thấy có lợi hơn, hoặc khi được mùa, thu hoạch đại trà, lượng sản phẩm quá nhiều, doanh nghiệp không thu mua hết, bà con phải tự lo tiêu thụ gây thiệt hại kinh tế. Đây không chỉ là thực trạng riêng ở huyện Nam Trực mà ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Đã có nhiều CĐL được xây dựng thành công, đạt hiệu quả cao, nhưng nếu thiếu sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì vấn đề duy trì liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sẽ gặp nhiều khó khăn. Từ tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tư tưởng ỷ lại của người dân, cùng sự chỉ đạo thiếu quyết liệt của các cấp chính quyền, việc nhân rộng, phát triển CĐL bị hạn chế. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khi liên kết chỉ mới chủ yếu tập trung quan tâm cung ứng các yếu tố đầu vào của sản xuất như giống, cho vay phân bón (có lợi cho doanh nghiệp). Trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là lĩnh vực bảo quản, chế biến sau thu hoạch, tham gia xuất khẩu nông sản, nên chưa tiêu thụ hết sản phẩm sản xuất ở CĐL của nông dân. Xây dựng CĐL có rất nhiều hộ tham gia, trong khi điều kiện kinh tế, năng lực đầu tư, trình độ sản xuất của các hộ nông dân không đồng đều cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng mô hình. Thậm chí nhiều hộ chưa có ý thức tuân thủ chặt chẽ hợp đồng, không ngần ngại phá vỡ cam kết khi thị trường có giá cao hơn, hoặc không trả nợ doanh nghiệp nếu sản xuất không thuận lợi. Điều này dẫn đến tính bền vững của nhiều CĐL chưa cao.
Để thành công trong xây dựng CĐL, trước hết các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng CĐL giúp người dân hiểu và tích cực, tự giác tham gia; đồng thời tập huấn nâng cao kiến thức về sản xuất nông nghiệp hàng hoá cho nông dân. Đẩy mạnh thuê gom, tích tụ ruộng đất; chỉnh trang đồng ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các CĐL trên địa bàn tỉnh. Đưa nhanh các tiến bộ KHKT, công nghệ tiên tiến vào sản xuất trên các CĐL, nhất là những tiến bộ về giống, kỹ thuật canh tác, công nghệ sản xuất. Tăng cường hợp tác liên kết tốt “4 nhà” trong sản xuất nông sản hàng hoá theo CĐL. Xúc tiến thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản để thúc đẩy tiêu thụ và gia tăng giá trị sản phẩm cho người dân. Cùng đó, tăng cường sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan chuyên môn, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân tham gia thực hiện./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh