Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Xuân Trường tích cực khai thác tiềm năng, đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, góp phần làm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.
Mô hình chăn nuôi bò xuất khẩu của Cty TNHH Hoàng Diệu tại xã Xuân Thành. |
Trồng trọt của Xuân Trường đang chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và bền vững. Toàn huyện có khoảng 13 nghìn ha gieo trồng hằng năm, trong đó diện tích trồng lúa là 11.250ha. Mặc dù diện tích trồng lúa giảm nhưng sản lượng lương thực cây có hạt nói chung, sản lượng lúa nói riêng luôn giữ ổn định. Đó là do huyện đưa các giống mới ngắn ngày có năng suất khá, chất lượng và hiệu quả cao, phù hợp với thổ nhưỡng và trình độ canh tác của huyện như: BT7, BC15, DQ11, QR1... vào thay thế các giống lúa cũ. Chỉ đạo 20 xã, thị trấn xây dựng 36 cánh đồng lớn với diện tích trên 1.500ha. Cùng với cơ chế hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, huyện cũng đã tích cực hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa các khâu sản xuất. Toàn huyện có 310 máy làm đất, 105 máy gặt đập liên hợp, 21 dàn máy phun thuốc trừ sâu, 414 dàn công cụ sạ hàng, 250 máy bơm nước… nên đã cơ giới hoá 100% khâu làm đất, 90% khâu thu hoạch, gieo sạ ở vụ xuân đạt 70% diện tích, vụ mùa đạt trên 20% diện tích. Huyện có 19 mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất lúa hàng hóa có quy mô từ 3ha trở lên tại 7 xã, thị trấn. Hiện bình quân giá trị thu nhập trên 1ha đất canh tác của Xuân Trường đạt trên 105 triệu đồng. Với thế mạnh về chăn nuôi gia súc, gia cầm, thời gian qua huyện đã phát triển chăn nuôi mạnh về cả số lượng và chất lượng theo quy mô trang trại, gia trại. Toàn huyện có 57 trang trại và 283 gia trại chăn nuôi, trong đó có trang trại chăn nuôi lợn của Cty TNHH Phú Lộc tại xã Xuân Thượng, được Bộ NN và PTNT cấp giấy chứng nhận VietGAP với công suất nuôi 400 con lợn nái, 1.000 con lợn thịt và 28 trang trại đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Các trang trại chăn nuôi đã ứng dụng và chuyển giao nhanh các tiến bộ kỹ thuật đảm bảo các quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAHP, chăn nuôi an toàn sinh học nhằm tạo ra sản phẩm an toàn như: nuôi lợn ngoại tỷ lệ nạc cao, vịt siêu trứng, ngan Pháp, chăn nuôi trong hệ thống chuồng kín. Nhiều trang trại đã thực hiện việc xử lý chất thải chăn nuôi bằng hệ thống bi-ô-ga… đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi hàng hóa. Ngoài ra, huyện đã và đang triển khai một số trang trại chăn nuôi tập trung theo quy hoạch xa khu dân cư như: Trang trại chăn nuôi 1.200 con lợn nái của Cty TNHH Đầu tư Thanh Phú tại vùng bãi xã Xuân Ninh dự kiến đi vào hoạt động từ giữa năm 2018; trang trại nuôi gà đẻ trứng quy mô 10 nghìn con của hộ ông Đưởng tại xã Xuân Thủy đã đi vào hoạt động từ năm 2017… Trên cơ sở rà soát quy hoạch, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, những năm qua, Xuân Trường tiếp tục chuyển đổi một số diện tích đất lúa thấp trũng, sản xuất lúa kém hiệu quả thành các vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) tập trung. Đến nay, toàn huyện có 646ha NTTS; trong đó diện tích NTTS trong các vùng chuyển đổi là 225ha, với 160 hộ nuôi tập trung chủ yếu tại các xã Xuân Hòa, Xuân Vinh, Xuân Ngọc, Xuân Châu, Xuân Thành, Xuân Tân, Xuân Thủy...; còn lại là diện tích ao trong khu dân cư. Đối tượng nuôi chủ yếu là các đối tượng cá truyền thống. Một số diện tích vùng chuyển đổi nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế khá như cá vược, cá trắm đen, cá lăng chấm, tôm thẻ chân trắng... theo phương thức thâm canh, bán thâm canh hiệu quả cao hơn so với trồng lúa từ 2,5-3 lần.
Hơn 3 năm qua, Xuân Trường tích cực đổi mới hình thức tổ chức sản xuất. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức chuyển đổi các HTXNN trên địa bàn huyện thực hiện theo Luật HTX, có tổng số 26/26 HTX đã chuyển đổi và tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX; thành lập mới 1 HTX chuyên ngành là HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ thủy sản Xuân Hòa xã Xuân Vinh. Sau khi chuyển đổi, các HTX đã được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các ngành liên quan của huyện quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ cán bộ HTX; mở rộng thị trường kinh doanh thông qua liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp có uy tín; tổ chức hội nghị, hội thảo đầu bờ, tham quan mô hình sản xuất tiêu biểu, điển hình cho hiệu quả kinh tế cao… Đến nay, các HTX nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện đều hoạt động ổn định, hiệu quả; 100% các HTX kinh doanh có lợi nhuận từ 50-300 triệu đồng; điển hình như các HTX Hành Thiện, Xuân Tiến, Xuân Hùng... Nổi bật trong tái cơ cấu nông nghiệp của Xuân Trường là huyện thực hiện tốt việc tích tụ ruộng đất để có những vùng diện tích tập trung lớn thu hút các cá nhân, tổ chức (nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn) đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bước đầu các mô hình đã cho hiệu quả kinh tế cao và tạo tiền đề phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, có tính cạnh tranh cao. Điển hình là Cty VinEco của Tập đoàn Vingroup đầu tư dự án sản xuất rau sạch tại vùng bãi xã Xuân Hồng với diện tích khoảng 140ha. Hiện Cty đã tiến hành xây dựng và đưa vào sản xuất 7ha nhà lưới, nhà màng áp dụng công nghệ cao và 53ha ngoài trời sản xuất rau ăn lá, rau ăn củ, quả các loại theo tiêu chuẩn VietGAP. Dự án đã tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập ổn định từ 3,5-6 triệu đồng/người/tháng tùy theo vị trí việc làm cho gần 300 công nhân, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất cây dược liệu (cây đinh lăng, cây gấc) kết hợp chăn nuôi - NTTS của Cty Hoàng Diệu, Cty 27/7 tại vùng bãi các xã Xuân Thành, Xuân Tân với tổng diện tích 13ha, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động địa phương. Hiện nay, mô hình đã ổn định đi vào sản xuất và cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa từ 4-6 lần. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có Cty CP Sản xuất và thương mại tổng hợp Xuân Trường tích tụ ruộng đất để sản xuất lúa giống tại xã Xuân Ninh quy mô gần 30ha; Cty TNHH Hoàng Mai trồng nấm tại vùng bãi xã Xuân Ninh với quy mô 7.000m2…
Có thể nói, sau hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, trên địa bàn Xuân Trường đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước phát triển theo hướng chất lượng, giá trị gia tăng cao và bền vững. Qua đó đã nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân; đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng trước mắt và lâu dài, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo, xây dựng bền vững NTM và tăng trưởng kinh tế của huyện./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh