Theo xu thế toàn cầu hiện nay, xây dựng đô thị tăng trưởng xanh (TTX) trở thành một nhu cầu thiết yếu không thể tách rời trong quá trình phát triển đô thị. Theo Bộ Xây dựng, đô thị TTX là đô thị đạt được tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua các chính sách và hoạt động đô thị nhằm giảm những tác động có ảnh hưởng bất lợi đối với môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên. Xây dựng đô thị TTX là các hoạt động xây dựng, quy hoạch đô thị; lập và thực hiện chương trình phát triển đô thị; đầu tư phát triển đô thị hướng tới TTX.
Thực tế, thời gian qua, UBND tỉnh đã lồng ghép nhiều kế hoạch hành động gắn với mục tiêu TTX bền vững trong các chiến lược, quy hoạch phát triển của các ngành, vùng tỉnh như: Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển đô thị Thịnh Long đến năm 2030 gắn với ứng phó biến đổi khí hậu; Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh đến năm 2030; Định hướng phát triển Thành phố Nam Định đến năm 2025 là “Thành phố xanh”, xây dựng quy định tỷ lệ và cơ chế quản lý cây xanh trên địa bàn Thành phố Nam Định và các huyện; ban hành cơ chế hỗ trợ các xã, thị trấn xây dựng công trình xử lý rác thải đảm bảo an toàn môi trường, khuyến khích sử dụng phổ biến vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng sử dụng ngân sách Nhà nước và dân dụng; tập trung rà soát quy hoạch KCN, CCN, quy hoạch đô thị, quy hoạch NTM, quy hoạch các khu xử lý chất thải tập trung, rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại, quy hoạch cấp nước tại các địa phương… bảo đảm theo quy định về môi trường. Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn chỉ đạo các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường đầu tư nâng cấp hệ thống đê kết hợp tập trung quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển…
Thi công lát vỉa hè phía đông sông Múc, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu). |
Tuy nhiên, việc xác định chính xác mô hình phát triển đô thị TTX còn gặp khá nhiều khó khăn. Theo đại diện của Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), do khái niệm “đô thị TTX” còn khá mới, chưa có thống nhất nhận thức chung và đầy đủ. Kể cả việc chưa có quy định thống nhất của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về các tiêu chí cụ thể. Các mô hình tiêu biểu trên thế giới trong xây dựng đô thị TTX cũng mới chỉ thành công bước đầu trong một số lĩnh vực riêng biệt như giao thông công cộng giảm phát thải, xanh hóa đô thị, phát triển công trình xanh… Đây rõ ràng là một mục tiêu lâu dài cần từng bước được cụ thể hóa ở từng ngành, từng lĩnh vực dựa trên thực tiễn phát triển chung về kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương. Nhằm góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020 và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2012-2020 do Chính phủ ban hành mới đây nhất ngày 5-1-2018, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 01/2018/TT-BXD quy định chỉ tiêu xây dựng đô thị TTX, có hiệu lực thi hành từ ngày 20-2-2018. Thông tư gồm 11 điều, quy định về các chỉ tiêu xây dựng đô thị TTX và hướng dẫn lập báo cáo xây dựng đô thị TTX theo các chỉ tiêu đối với các đô thị: loại I trực thuộc tỉnh, loại II, loại III và loại IV và khuyến khích áp dụng đối với đô thị loại V. Thông tư áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xây dựng đô thị TTX. Thông tư đưa ra 25 chỉ tiêu cho xây dựng đô thị TTX thuộc 4 nhóm, bao gồm: nhóm kinh tế 5 chỉ tiêu, nhóm môi trường 10 chỉ tiêu, nhóm xã hội 5 chỉ tiêu và nhóm thể chế 5 chỉ tiêu. Mỗi chỉ tiêu được quy định cụ thể về khái niệm, phương pháp tính, kỳ công bố, cơ quan chịu trách nhiệm. Các chỉ tiêu về kinh tế giúp đánh giá hiệu quả tăng trưởng kinh tế thông qua sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên trong đầu tư xây dựng và phát triển đô thị. Các chỉ tiêu môi trường nhằm đánh giá về chất lượng môi trường và cảnh quan đô thị, mức độ áp dụng các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm, phát thải khí nhà kính trong phát triển đô thị. Các chỉ tiêu xã hội giúp đánh giá hiệu quả nâng cao chất lượng và điều kiện sống của người dân đô thị. Các chỉ tiêu thể chế giúp đánh giá về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền đô thị đối với công tác xây dựng đô thị TTX. Các chỉ tiêu xây dựng đô thị TTX được áp dụng để xây dựng các báo cáo năm cơ sở, năm đánh giá, giai đoạn (cùng kỳ với giai đoạn của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương)... Căn cứ kết quả báo cáo, các địa phương sẽ có cơ sở để đề xuất các hoạt động ưu tiên; thẩm định các kế hoạch, chương trình, dự án; đề xuất rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX, giảm cường độ phát thải khí nhà kính và sử dụng tiết kiệm năng lượng. Thông tư cũng hướng dẫn các hoạt động ưu tiên xây dựng đô thị TTX bao gồm 11 nhóm hoạt động, làm cơ sở định hướng cho các nhà quản lý đô thị trong việc thúc đẩy xây dựng đô thị TTX như phát triển giao thông đô thị xanh, giao thông công cộng và các hình thức giao thông phát thải thấp, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát triển khu đô thị xanh, sinh thái, tăng cường năng lực chống chịu biến đổi khí hậu cho các đô thị... Mỗi đô thị cần đánh giá toàn diện thực trạng phát triển để từ đó xác định định hướng, chiến lược và lộ trình thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị TTX cho từng bối cảnh, đặc điểm và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cụ thể.
Theo Sở Xây dựng, hướng tiếp cận mới quản lý dựa trên kết quả giám sát thực hiện các chỉ tiêu hằng năm sẽ hỗ trợ hữu hiệu cho chính quyền đô thị trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu TTX. Đồng thời, các chương trình dự án hướng tới TTX cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng mới cho các ngành kinh tế, đầu tư, năng lượng, đặc biệt là nâng cao chất lượng đời sống cho người dân đô thị. Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát các quy hoạch của từng ngành để đối chiếu với quy định của Thông tư và các mục tiêu TTX của ngành; rà soát các quy hoạch về phát triển vật liệu xây dựng, phát triển đô thị tương lai, cấp thoát nước, điện chiếu sáng công cộng… Trên cơ sở đó, Sở sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành phố điều tra, rà soát, tổng hợp, đánh giá các chỉ tiêu; lập kế hoạch xây dựng đô thị TTX và tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện kế hoạch, ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển đô thị đáp ứng mục tiêu xây dựng đô thị TTX trong tương lai. Việc xây dựng kế hoạch hành động cần đảm bảo có khả năng lồng ghép được vào quy hoạch của địa phương về các lĩnh vực sản xuất tiêu dùng bền vững, giảm phát thải nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu, “xanh hóa” các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất, nước./.
Bài và ảnh: Đức Toàn