Tín dụng chính sách mang đến mùa Xuân no ấm

02:02, 19/02/2018

Với 9 chương trình tín dụng ưu đãi đang được triển khai, từ năm 2012 đến hết năm 2017, Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân cho 160.262 lượt khách hàng vay vốn. Bình quân mỗi năm có trên 32 nghìn lượt khách hàng là những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các gia đình chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Đó là nguồn lực quan trọng góp phần hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo bền vững theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Được Ngân hàng CSXH cho vay vốn, chị Phan Thị Mai ở xóm 7, Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) đã đầu tư trồng hoa mang lại đời sống ấm no cho gia đình.
Được Ngân hàng CSXH cho vay vốn, chị Phan Thị Mai ở xóm 7, Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) đã đầu tư trồng hoa mang lại đời sống ấm no cho gia đình.

Đầu xuân mới, chúng tôi có những chuyến đi về các vùng quê. Khung cảnh yên ả, trù phú, được rong ruổi trên những con đường làng đổ bê-tông phẳng lì, rộng mở là những điều dễ nhận thấy nhất về sự chuyển mình của nông thôn. Góp phần vào đó có vai trò không thể phủ nhận của các chương trình tín dụng chính sách đến với những người dân còn khó khăn ở các địa phương trong tỉnh. Mặc cho cái lạnh buốt, mưa phùn táp vào mặt, chúng tôi về xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) tìm gặp anh Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Cty TNHH Phú Khánh. Anh Phú tiếp chúng tôi ngay tại xưởng sản xuất của mình. Cảm nhận đầu tiên về anh, một doanh nhân thành công chính là sự chất phác, chân thành, gần gũi của một thanh niên “sinh ra từ làng”. Được chứng kiến không khí lao động sản xuất sôi động trong xưởng, tiếng cưa máy xẻ gỗ, tiếng máy tiện, máy bào… chạy liên tục, râm ran, khiến chúng tôi thật khó có thể hình dung chỉ vài năm trước anh Phú còn gặp không ít khó khăn trong “hành trình” vươn lên khá giả của mình. Không giấu được niềm vui, xen lẫn là sự tự hào khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về quá trình “lập thân, lập nghiệp” của anh. Anh Phú kể: Sinh ra và lớn lên tại vùng quê trong một gia đình có nghề sản xuất đồ gỗ truyền thống nên “máu nghề” từ lâu đã ăn sâu vào trong mình. Kinh tế gia đình khó khăn nên không có điều kiện ăn học cao như các bạn cùng trang lứa, vì thế vừa học hết THCS, anh Phú đã phải nghỉ học để đi làm phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Suốt hơn chục năm lăn lộn vừa làm với bố ở nhà, anh vừa nhận làm thuê cho các xưởng sản xuất trong và ngoài xã đã giúp anh học nghề được nhiều, trình độ tay nghề không ngừng được nâng cao. Năm 2008, anh bàn với bố và gia đình quyết định thành lập Cty TNHH Phú Khánh để có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời thỏa sức sáng tạo và khẳng định bản thân. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thuê 1.100m2 tại CCN Nghĩa Sơn làm mặt bằng, anh đã đầu tư xây dựng 2 khu nhà xưởng rộng 600m2, một khu trưng bày giới thiệu các sản phẩm hoàn thiện và 1 bãi chứa gỗ nguyên liệu. Ban đầu, anh nhận làm gia công các loại bàn, ghế, tủ, sập… cho khách hàng ngay trên địa bàn. Chăm chỉ, chịu khó và cẩn thận nên các sản phẩm anh Phú làm ra luôn được khách hàng đánh giá cao về hình thức, mẫu mã và chất lượng, uy tín lên cao. Tuy nhiên khi việc sản xuất, kinh doanh phát triển anh Phú gặp khó khăn vì thiếu vốn. Được Hội Nông dân xã Nghĩa Sơn đứng ra bảo lãnh, anh Phú được Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng cho vay 500 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm. Nhờ đó anh Phú có thêm nguồn lực để đầu tư mua 2 máy đục tự động CNC 3D, 1 máy đục CNC 4D trục quay, 1 lò sấy gỗ hơi nước, rồi máy phay Hàn Quốc, máy cuốn của Đài Loan, máy bào, máy tiện… đáp ứng yêu cầu sản xuất các loại tượng thờ và các vật dụng phong thủy cung cấp cho thị trường. Nhờ đó uy tín và thương hiệu đồ gỗ Phú Khánh ngày càng nâng lên. Cty đã nhận được nhiều đơn hàng lớn có giá trị như: Trang trí nội thất cho khách sạn Hoa Phượng Đỏ ở Thành phố Hải Phòng trị giá hơn 4 tỷ đồng, khách sạn Thiên Phú ở Thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) trị giá 4 tỷ đồng, khách sạn Đại Nam (TP Nam Định) trị giá hơn 1 tỷ đồng… “ăn nên làm ra”, kinh tế gia đình anh ngày một khấm khá hơn và tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động ở địa phương. Hiện, Cty đang tạo việc làm thường xuyên cho 22 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5-7,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Đỗ Văn Đạt, là công nhân có tay nghề khá của Cty cho biết: “Cty phát triển giúp lao động nông thôn chúng tôi có việc làm ngay ở quê nhà, thu nhập ổn định mà không phải “ly hương”. Bình quân mỗi tháng tôi được Cty trả lương 7,5 triệu đồng nên có điều kiện chăm lo cho các con ăn học đầy đủ. Đó là động lực để tôi gắn bó lâu dài với Cty”. Tết này sẽ “niềm vui nhân đôi” bởi là cái Tết đủ đầy với không chỉ gia đình anh mà cả những gia đình người lao động của Cty.

Rời xã Nghĩa Sơn, chúng tôi mang theo vẹn nguyên cảm xúc lâng lâng hạnh phúc của những người dân được thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước “tiếp sức” để vươn lên trong cuộc sống. Về Thị trấn Quỹ Nhất, chúng tôi được đồng chí Trần Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn dẫn tới thăm gia đình chị Phan Thị Mai ở khu 3 là một trong những gia đình hội viên biết phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. Trước đây, gia đình chị Thảo là hộ cận nghèo của địa phương. Thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất xây dựng NTM, năm 2011 chị Thảo vận động người thân trong gia đình, dòng họ và bà con lối xóm dồn đổi được hơn 1 mẫu ruộng. Sau khi dồn đổi, chị quyết định đầu tư đắp bờ khoanh thửa, cải tạo ruộng để trồng khoai tây, cà chua nhưng hiệu quả không cao. Nắm bắt tâm tư của chị, Hội Phụ nữ thị trấn đã quan tâm tạo điều kiện, đầu năm 2013 hỗ trợ cho chị Thảo được vay 48 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi theo chương trình cho vay hộ cận nghèo của Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng để chuyển đổi sản xuất. Được khuyến khích, động viên, chị Thảo đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại hoa cúc, huệ, dơn, vàng anh và hướng dương. Để bảo đảm thành công, chị bàn với chồng và con trai vào tận Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) để mua giống hoa, đồng thời học tập kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch và bảo quản hoa. Nhờ sự nỗ lực quyết tâm của bản thân cùng sự mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, gia đình chị Thảo đã thu được kết quả khả quan. Đến nay chị đã thâm canh được 1 sào huệ, 1 sào cúc, 2 sào vàng anh, 3 sào lay-ơn và 1 sào hướng dương. Phát triển nghề trồng hoa đã giúp gia đình chị Thảo có nguồn thu ổn định, vì thế đời sống kinh tế gia đình cũng bớt khó khăn hơn. Chị Thảo cho biết thêm: Hiện nay nhu cầu sử dụng hoa tươi ngày một tăng nên việc tiêu thụ hoa rất thuận lợi, giá bán tương đối ổn định. Trung bình mỗi sào hoa cho thu nhập từ 150 đến 170 triệu đồng/năm. Nếu so với trồng các loại cây màu thì trồng hoa đỡ vất vả hơn, lại cho thu nhập cao hơn. Việc trồng hoa thành công giúp chị Thảo có vốn để phát triển rộng nghề hoa. Chị mạnh dạn đầu tư xây kho lạnh bảo quản hoa và mua ô tô tải để nhập và vận chuyển hoa ở Hà Nội về cung cấp cho khoảng 40 đại lý, cửa hàng chuyên bán hoa tươi ở các xã, thị trấn trong huyện. Nhờ đó giúp chị có thêm thu nhập hằng tháng. Chị có điều kiện xây sửa nhà cửa khang trang, sạch sẽ, mua sắm đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt hằng ngày của gia đình. Việc trả tiền gốc, tiền lãi ngân hàng được thực hiện đầy đủ, đúng thời gian quy định. Chị Thảo tâm sự: Nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng thực sự đã làm thay đổi cuộc sống gia đình chị, giúp những người nghèo như chị từng bước vươn lên làm giàu cho bản thân và xã hội…

Có thể thấy, chính sách cho vay ưu đãi của Chính phủ đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững ở các địa phương trong tỉnh. Đó là những “chiếc cần câu” hữu ích giúp người khó khăn vươn lên thoát nghèo… Lại một mùa xuân no ấm, đầy ắp nghĩa tình đang đến với những hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách được thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi trên khắp mọi miền quê./.

Bài và ảnh: Phạm Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com